Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 tăng khá, nhưng nhập siêu vẫn ở mức cao.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 tăng khá, nhưng nhập siêu vẫn ở mức cao.

Nhập siêu vẫn ở mức cao là tồn tại, khó khăn lớn nhất của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2010. Tỉ giá trong 10 ngày gần đây đang có xu hướng tăng.

 

Nếu không giải quyết được vấn đề này thì khó có thể  ổn định thị trường tiền tệ những tháng còn lại của năm 2010...

Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định là trong 6 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu tăng khá, nhập siêu có xu hướng giảm, nhưng nhìn vào số liệu người ta vẫn thấy rất lo ngại khi tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu vẫn lớn hơn xuất khẩu đến 13,7% và ước nhập siêu khoảng 6,7 tỉ USD, cao hơn gấp đôi so với con số 3 tỉ USD của cùng kỳ 2009 (nhập siêu của cả năm 2009 là hơn 12 tỉ USD).

Mức nhập siêu bình quân tháng trong 6 tháng đầu năm là  khoảng 1,12 tỉ USD. Nếu mức bình quân này không được giảm xuống mà tiếp tục duy trì trong các tháng còn lại thì nhập siêu cả năm nay sẽ lên đến 13,5 tỉ USD (hoặc cao hơn nếu mức bình quân 6 tháng cuối năm  tăng).

Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước nói, vấn đề mấu chốt nhất để ổn định tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2010 là phải giảm nhập siêu. Có thể hiểu ý kiến này như sau: Nhập siêu làm quốc gia thiếu hụt cung ngoại tệ, gây sức ép lên tỉ giá, nội tệ bị mất giá gây nguy cơ lạm phát, “chảy máu” ngoại tệ, đầu cơ tiền tệ, hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài...

Chưa nhìn thấy khả năng giảm nhập siêu

Trong các nguồn ngoại tệ, nhìn vào 6 tháng đầu năm khả quan nhất chỉ có nguồn vốn ODA (ước tổng giá trị giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm bằng 57% kế hoạch giải ngân cả năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước) và nguồn kiều hối. Còn các nguồn khác không mấy khả quan. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ bằng 89,9% so cùng kỳ năm 2009.

Điều đáng chú ý ở đây là trong kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm mặt hàng kim loại quý, đá quý và sản phẩm, trong đó chủ yếu là vàng  (là 1 trong số 9 nhóm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên) chiếm  trị giá 1,343 tỉ USD  (ước tính đã có khoảng 36 tấn vàng được xuất đi).

Cơ hội cho việc xuất khẩu vàng là do hai năm trước VN đã nhập nhiều vàng để bình ổn giá vàng trong nước, nay do giá vàng thế giới tăng mạnh, giá trong nước thấp hơn, và người dân đẩy mạnh bán ra. Tuy nhiên, với diễn biến giá vàng trong nước cuối tháng 6 và dự báo là cuối năm sẽ không còn ở mức thấp so thế giới nữa thì khả năng kim ngạch xuất khẩu vàng sẽ không thể hy vọng nhiều, thậm chí là chấm hết.

Một số lý do nữa khiến người ta lo ngại rằng, khả năng cả năm 2010 mức nhập siêu có thể còn cao hơn mức dự đoán là: Do các yếu tố tăng/giảm đồng tiền của các nước liên quan. Ví dụ, sự sụt giảm giá của đồng euro và các hàng rào kỹ thuật ở khu vực này và Mỹ sẽ làm cho xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi. Đồng nhân dân tệ lên giá so với USD sẽ khiến giá nhập khẩu cao lên vì nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc gần đây đã chiếm trên 90% tổng mức nhập siêu của cả nước; nhu cầu nhập khẩu nguyên-nhiên- vật liệu, cả về hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất và tiêu dùng vào những tháng cuối năm...

Sức ép lên tỉ giá

Nếu không giảm nhập siêu thì gánh nặng sẽ đặt lên vai NHNN vì không có nguồn ngoại tệ dư thừa để giữ ổn định tỉ giá mục tiêu và tăng dự trữ ngoại hối. Việc điều chỉnh tăng 3,36% tỉ giá bình quân liên ngân hàng lên 18.544VND/USD áp dụng từ ngày 11.2.2010 cùng các biện pháp kèm theo như tăng mua và chống găm giữ ngoại tệ đã ổn định được tỉ giá cho đến ngày 23.6.2010.

Trong thời gian này NHNN cũng tích cực hỗ trợ việc mua lại ngoại tệ trong nền kinh tế bằng cách tăng cung VND mua ngoại tệ từ các TCTD (khoảng 1,5 tỉ USD), như thế vừa tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời làm tăng nguồn vốn VND giá rẻ để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay của các TCTD.

Song song đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tập trung ngoại tệ cho vay nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được, hạn chế và kiểm soát việc cho vay bằng ngoại tệ và VND để mua ngoại tệ nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.

Tuy nhiên trong vòng chục ngày gần đây, từ 23.6 đến 4.7, những biến động nhẹ đã xuất hiện trên thị trường ngoại hối khi tỉ giá trên thị trường chính thức và trên thị trường tự do đều tăng, với mức tăng lên đến 0,7%; tỉ giá niêm yết tại các NHTM cũng đang lên sát hoặc bằng trần cho phép.
 
Nguyên nhân của việc tỉ giá tăng tuy được các cơ quan quản lý cho rằng do yếu tố tâm lý và thông tin bất lợi, nhưng không thể không nhìn nhận sức ép của nhập siêu chưa được cải thiện.

Và nhất là khi những ngành sản xuất gia công tăng trưởng mạnh trở lại trùng với thời điểm những khoản nợ vay ngoại tệ hay vay VND có nguồn gốc ngoại tệ đến hạn trả nợ khiến người ta lo ngại sự biến động tỉ giá vừa qua sẽ ngày càng tăng  nếu NHNN và các bộ, ngành liên quan không có những giải pháp hữu hiệu.

Cần thay đổi trong suy nghĩ ổn định tỉ giá

Sẽ rất khó khăn khi ổn định tỉ giá nếu thiếu các biện pháp đồng bộ của các bộ, ngành thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hạn chế việc nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư trong nước đã sản xuất được và thiếu những cơ chế cụ thể, chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng để giảm nhập siêu.

Nhưng ổn định tỉ giá cũng rất cần hiểu theo nghĩa là “định giá VND sao cho có lợi cho xuất khẩu trong bối cảnh đồng ngoại tệ của các nền kinh tế lớn nhập khẩu nhiều hàng hóa của VN đang bị mất giá nghiêm trọng do khủng hoảng nợ công”. Vì thế, ổn định tỉ giá không có nghĩa là cố gắng neo tỉ giá cố định ở một mức thấp nào đó. Ổn định tỉ giá là cố định ở con số cụ thể, còn chúng ta đưa ra quan điểm ổn định tỉ giá là ổn định trong mối tương quan biến đổi.

Ví dụ 1USD = 10.000 VND, nay USD mất giá 10% thì tỉ giá ổn định là 1USD = 11.000VND. Hay nói cách khác, USD và VND cùng mất giá tương đương, như vậy vẫn được coi là ổn định. Việc điều chỉnh tỉ giá theo thời gian với biên độ thích hợp, phản ánh được cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối thì dù có điều chỉnh tăng đi nữa cũng là một việc cần làm.

Nhập siêu và dự trữ ngoại hối ở mức thấp trong thời điểm hiện nay là bài toán nan giải, có thể gây nên những bất lợi lớn cho nền kinh tế. Việc tăng giá ngoại tệ gần đây trên thị trường chính thức vẫn trong phạm vi biên độ cho phép không đáng lo bằng việc nguồn cung ngoại tệ bị giảm thấp (vì tăng xuất khẩu không nhiều).

Điều hành chính sách tỉ giá một cách vững vàng với những quyết sách đủ liều lượng, kịp thời cùng với các giải pháp giảm nhập siêu đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành sẽ khiến người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư vững tin vào giá trị đồng nội tệ và kỳ vọng tốt sự phát triển của nền kinh tế.

                                                                                 Theo Báo Laodong

Các tin khác


Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục