Cung - cầu USD “lệch pha”

Cung - cầu USD “lệch pha”

Căng thẳng cung cầu cộng với tin đồn tỷ giá sẽ tiếp tục tăng đã đẩy giá USD liên tục tăng trong ngày 18.10. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải mua USD cao hơn giá niêm yết và không ít các DN khác tìm nguồn USD bên ngoài ngân hàng (NH).

Vượt ngưỡng 20.000 đồng/USD

Sáng 18.10, giá USD trên thị trường tự do tại TP.HCM ở mức 19.900 đ/USD nhưng sau đó được đẩy lên 19.980 đ/USD vào cuối giờ sáng. Đến khoảng 12 giờ trưa, một điểm bán USD trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 đã chính thức bán USD với giá 20.020 đ/USD đối với khối lượng giao dịch vài trăm USD. Đến cuối giờ chiều, giá USD ở TP.HCM giảm nhẹ 19.960 đ/USD. Tại Hà Nội, giá USD tự do lên 19.920 đ/USD. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch liên NH đã tăng lên 19.895 đ/USD (tăng khoảng 50 đ/USD so với cuối tuần qua) và chiều 18.10 lên 19.920 - 19.940 đ/USD. Như vậy so với cuối tuần qua, giá USD đã tăng gần 100 đ/USD và so với giá USD NH niêm yết cao hơn gần 500 đ/USD.

Giá USD tăng ngoài lý do nhu cầu cao thì một nguyên nhân quan trọng là tin đồn tỷ giá USD sẽ tăng đã lan tỏa khắp nơi. Sự tăng giá liên tục của USD khiến giá vàng trong nước ngày 18.10 được “neo” ở mức sát “đỉnh”. Giá bán vàng ở mức 33,13 triệu - 33,18 triệu đ/lượng, giảm khoảng 60.000 đ/lượng so với mức giá kỷ lục lập vào tuần trước. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã giảm 26 USD/ounce (tương đương 620.000 đ/lượng). Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lực mua vàng trong nước tăng cộng thêm tin đồn tỷ giá tăng đã khiến vàng đứng ở mức cao. Với mức chênh lệch giá trong và ngoài nước 370.000 đ/lượng, khả năng nhập lậu vàng có thể sẽ xảy ra.

Doanh nghiệp khó mua USD 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Nguồn USD cho vay của các NH dồi dào hơn nguồn USD mà NH mua được để bán cho DN. Vừa qua, NHNN đã phát hiện tình trạng NH bán USD cho DN vượt giá trần quy định. Việc kiểm tra này không hề đơn giản khi các NH “lách” qua các chứng từ dịch vụ khác. Thế nhưng tình trạng các DN có USD bán lại cho NH cũng ở mức cao hơn quy định (thấp hơn giá USD tự do). Chúng tôi vừa nhận được chỉ đạo triển khai trở lại việc kiểm tra và xử lý tình hình mua bán USD vượt giá trần quy định”.

USD tăng, các DN lại đang đau đầu với bài toán ngoại tệ khi thời gian qua không thể mua được USD tại NH, và nếu mua được cũng phải mua với giá cao hơn mức giá niêm yết. Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Cty TNHH thực phẩm Thông Tấn, chia sẻ DN của ông đang “nhắm mắt làm liều”, “mò” ra chợ đen mua USD về nộp cho NH để thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Ông kể, DN ký hợp đồng mua vỏ lọ của đối tác Trung Quốc trị giá 40.000 USD để đóng hàng thực phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, hỏi chi nhánh một NH tại H.Từ Liêm, Hà Nội thì họ lắc đầu và yêu cầu ra ngoài chợ đen mua rồi nộp vào NH. Với doanh thu hằng năm trung bình khoảng 5-6 triệu USD, công ty đóng góp khá mạnh vào nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu. Tuy nhiên, thu được thì phải bán ngay cho NH với mức giá dưới giá trần niêm yết (19.500 đ/USD), còn khi cần mua lại NH kêu không có, phải ra ngoài mua khiến DN chịu nhiều thiệt thòi. “Chúng tôi phải mua ở bên ngoài trên 19.800 đ/USD, nếu không mua thì phải chịu phạt vì hợp đồng đã ký trước”, ông nói.

Cũng trong cảnh ngộ trên, tổng giám đốc một công ty xăng dầu lớn cũng giãi bày, NH nói không có USD bán nhưng nếu chịu mua với giá cao cộng thêm phí dịch vụ, phí tư vấn thì NH lại thu xếp được. “Nếu cộng tất cả các loại phí trên thì giá USD trong NH cũng đã ngang ngửa với giá USD ngoài thị trường tự do”, ông nói.

Trên thực tế, các NH lớn dù khó khăn nhưng vẫn mua được USD, còn các NH nhỏ không thể mua được USD của các DN, cũng như người dân. Lượng USD mua vào bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu.

Tâm lý “găm giữ” USD

Lý giải về sự tăng giá của USD, tổng giám đốc một NH thương mại nhà nước, cho biết việc cung USD căng thẳng cũng là điều dễ hiểu. Thứ nhất, hợp đồng tín dụng USD thời gian trước đó đang dần đáo hạn, DN cần USD để trả nợ. Thứ hai, do nền kinh tế VN thường tăng trưởng mạnh vào các tháng cuối năm, DN cần nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh đẩy cầu ngoại tệ lên cao.

Tuy nhiên, lý do mấu chốt khiến tỷ giá tăng mạnh đó là tâm lý găm giữ USD chờ tăng giá xuất hiện càng nhiều hơn khi con số nhập siêu tháng 9 lên đến 8,6 tỉ USD được công bố. Một DN xuất khẩu hàng thủy sản phân tích, thường vào quý 4 hằng năm, giá USD có diễn biến bất thường theo xu hướng tăng do cung cầu ngoại tệ không cân đối. Trong 2 quý trước, công ty vay ngoại tệ rồi bán ra lấy tiền đồng, khi nhận được ngoại tệ thanh toán từ nguồn hàng xuất khẩu công ty sẽ trả lại NH. Thế nhưng hiện nay công ty chuyển sang vay tiền đồng và giữ USD với kỳ vọng khả năng giá tăng.   

Một nguyên nhân nữa khiến tâm lý đầu cơ càng được đẩy cao là do tỷ giá VND/USD không được điều chỉnh tăng từ từ, mà điều chỉnh mạnh, bất ngờ đã tạo tâm lý găm giữ USD của người dân và DN. Đơn cử như lần gần đây nhất, NH Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh 2,1%. Theo dự báo tỷ giá còn tăng tiếp đã tạo nên tâm lý giữ USD. Nếu việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra từ từ, mỗi lúc nới một chút và giữ được ở mức hợp lý so với lãi suất USD và VND, sẽ hạn chế được tâm lý đầu cơ, găm giữ.

                                                                      Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục