Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiền Lương Xa Văn Chính tiên phong nuôi 9 lồng cá.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiền Lương Xa Văn Chính tiên phong nuôi 9 lồng cá.

(HBĐT) - Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, cơn lũ tiểu mãn đầu tháng 6/2010 đã làm cho 552 lồng cá tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, TPHB bị chết, thiệt hại trên 30 tỉ đồng.

Hàng năm, hiện tượng cá hồ nổi và dạt vào bờ trong thời điểm lũ tiểu mãn vẫn xảy ra nhưng chưa bao giờ lại chết nhiều như năm nay. Bao nhiêu vốn liếng, công sức người dân tần tảo sớm hôm đã theo dòng nước trôi đi.

 

 Vùng hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước gần 9.000 ha, thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Các xã ven hồ đều khai thác tiềm năng này để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi lũ tiểu mãn về kéo theo một lượng lớn chất hữu cơ, thảm mục từ trên đồi, rừng đổ xuống hồ làm cho mực nước và chất lượng nguồn nước thay đổi gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Vì vậy, nhiều hộ đã phải phơi lồng, trắng tay, không những thất thu mà còn mắc nợ với ngân hàng. Việc nuôi cá bấp bênh như đánh bạc với trời. Tuy nhiên, trong bối cảnh tưởng như bế tắc đó có một nơi mà những lồng cá vẫn phát triển an toàn, đó là xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc).  

 

Ông Xa Văn Chính, Bí thư  Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết: Hiền Lương có 7 xóm, trong đó có 4 xóm vùng hồ là Doi, Dưng, Mơ, Ké. Trước đây, các hộ đã nuôi cá lồng nhưng do cá bị bệnh nấm đỏ, đường ruột chết, mặt hồ vắng bóng lồng nuôi thay vào đó là la liệt những chiếc vó đèn, thậm chí có cả cách đánh bắt bằng xung điện. Nhận thấy đây là một cách khai thác hủy diệt, không bền vững, nguy cơ dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản và không đem lại hiệu quả kinh tế cao, xã đã quyết tâm khôi phục lại nghề. Xã đã chủ động mời kỹ sư thủy sản, cán bộ trạm KN-KL huyện đến tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn cách phòng bệnh cho cá. Nhìn mặt hồ rộng mênh mang lẽ nào lại để tiềm năng này bị lãng quên trong khi người dân vẫn đói nghèo. Đối với các xóm ven hồ, khai thác và nuôi trồng thủy sản phải như đi bằng hai chân, thiếu một sẽ không vững. Nói đi đôi với làm, ông Chính là người tiên phong lên rừng chặt luồng làm 9 lồng cá và “hạ thủy” ngay bến Hiền Lương. Chỉ với cái lý đơn giản và việc làm của ông mà ba năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng ở đây đã được “sống” lại và góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Đặc biệt, đợt lũ tiểu mãn đầu tháng 6/2010 đã xóa sổ rất nhiều lồng cá trên hồ Hòa Bình, nhưng toàn bộ 50 lồng cá ở Hiền Lương vẫn ổn định và phát triển tốt.

 

Ông Xa Văn Chính cho rằng: Để nuôi cá lồng an toàn, bền vững cần cho cá ăn đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng. Ngoài thức ăn thô, tinh nên cho ăn thêm cá tép dầu. Mật độ thả phù hợp, không tham thả quá mau. Thường xuyên treo túi vôi ở góc lồng để khử trùng nước và vệ sinh lồng thường xuyên. Vào thời điểm lũ tiểu mãn đưa lồng cá ra giữa dòng chảy, không nên để sát bờ vì dễ bị ngạt. Xã đã phối hợp với Chi cục Thủy sản nuôi thử nghiệm loại cá rô phi đơn tính ngắn ngày. Như vậy sẽ tránh và thu hoạch được cá trước thời điểm lũ tiểu mãn về. Gia đình ông Chính hiện nuôi 9 lồng cá trắm cỏ, trê lai, rô phi đơn tính. Ông kể kinh nghiệm nuôi cá của mình: Cá rô phi thả 1.000 con/lồng, trắm cỏ 170 con/lồng, trê lai 100 con/lồng. Thời điểm thả từ ngày 15/4 cá chưa đầy 400g/con đến nay đã đạt trên 3 kg/con, dự kiến dịp Tết thu hoạch sẽ đạt 4 kg/con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá, gia đình ông đã giành đất trồng cỏ, trồng sắn và đánh bắt cá tép. Nuôi con con gì thì cũng phải học, chăm sóc cẩn thận và coi chúng như người bạn.

 

Từ sự mạnh dạn của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Xa Văn Chính, nhiều hộ đã làm theo và đem lại hiệu quả. Gia đình ông Hà Văn Điệu ở xóm Ké cũng đầu tư nuôi 3 lồng cá. Ông Điệu tâm sự: Vịnh Hiền Lương thuận lợi với việc nuôi cá. Đầu tư một lồng cá cũng không quá cao vì gia đình đã có sẵn cây luồng, chỉ mua thêm dây buộc và tiền cá giống khoảng 1 triệu đồng. Nuôi cá nếu an toàn thì cho hiệu quả gấp 3 lần nuôi lợn, gà. Gia đình ông làm ngay nhà trên lồng để tiện trông nom và chăm sóc cá. Thời điểm lũ tiểu mãn về, gia đình đã kịp thời đưa cá ra dòng chảy. Bây giờ cá đã lớn, đêm nằm trên lồng nghe cá quẫy mà thấy vui, thấy yêu nghề nuôi cá. Từ thuở nhỏ, chưa thấy cá rô phi dưới sông bao giờ mà nay chuyện “cổ tích” đó đã trở thành hiện thực và còn đem ti vi, xe máy về cho dân. Mình là dân lòng hồ phải khai thác thế mạnh của sông nước để giảm nghèo, làm giàu. Loay hoay mãi với bài toán nuôi cá an toàn, giờ đây người dân Hiền Lương đã từng bước tìm được lời giải. Hiện nay, các xóm vùng hồ đã có hơn 30 hộ tham gia nuôi cá với trên 50 lồng. Với giá thị trường khoảng 40.000 đồng/kg cá trắm, rô phi đơn tính và 30.000/ kg trê lai, hứa hẹn dịp cuối năm sẽ là mùa bội thu cá của người dân vùng sông nước này.

 

Đây cũng có thể là những kinh nghiệm hay để các xã vùng hồ khác đến tìm hiểu, tham khảo và học tập để nuôi cá lồng thực sự trở thành nghề xóa đói, giảm nghèo tiến đến làm giàu.

 

                                                                             Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục