Ông Lê Xuân Nghĩa dự báo CPI năm 2011 có thể tăng 9-10%

Ông Lê Xuân Nghĩa dự báo CPI năm 2011 có thể tăng 9-10%

Tự đổi mới mình và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường quốc tế là những quan điểm nổi bật được 2 chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Lê Xuân Nghĩa đề xuất với các doanh nghiệp nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Chia sẻ tại hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp cho doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 15/3, một trong những quan điểm nổi bật được 2 vị chuyên gia thống nhất là lạm phát vẫn sẽ là một trong những bài toán khó giải nhất của kinh tế Việt Nam năm nay.

Theo phân tích của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - Lê Xuân Nghĩa, các quyết định tăng giá một số mặt hàng cơ bản vào thời điểm đầu năm sẽ khiến CPI 2011 tăng khoảng 2,5%. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh vào năm 2010, ông Lê Xuân Nghĩa dự đoán giá lương thực sẽ có chiều hướng giảm vào giữa và cuối năm nay.

Ông Lê Xuân Nghĩa dự báo CPI năm 2011 có thể tăng 9-10%. Ảnh: Nhật Minh
Ông Lê Xuân Nghĩa dự báo CPI năm 2011 có thể tăng 9-10%. Ảnh: Nhật Minh

“Cộng 2 yếu tố này lại thì tác động tăng giá gần như được trung hòa. Khi đó thì lạm phát trong nước sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến giá thế giới và cung ứng tiền tệ ra nền kinh tế”, chuyên gia này phân tích.

Đặt giả định giá cả các mặt hàng nguyên nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát chi phí đẩy sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án giảm sản lượng để bảo toàn giá.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, chuyên gia này cho rằng việc giảm sản lượng này không phải là lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh liên kết, trong nội bộ hiệp hội cũng như liên kết xuất khẩu để tìm kiếm cơ hội trong hiện tại cũng như tương lai.

Theo dự báo của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, lạm phát năm 2011 của Việt Nam có thể ở mức 9-10%. Đây là mức cao hơn chỉ tiêu được Quốc hội duyệt nhưng thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực và chấp nhận được trong điều kiện giá cả thế giới này một leo thang.

“Với lãi suất như hiện nay thì các doanh nghiệp nên hết sức tránh việc vay vốn ngân hàng, nhất là vay đầu tư trung và dài hạn. Thay vào đó, có thể tương trợ lẫn nhau về vốn đối với các dự án tốt hoặc hùn nhau cùng làm hàng xuất khẩu để tìm kiếm nguồn ngoại tệ”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất.

Quan điểm liên kết cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ. Theo bà Lan, ở thời điểm hiện tại, nếu cứ “mạnh ai nấy chạy, hùa nhau tăng giá” thì doanh nghiệp sẽ “kéo nhau xuống vực thẳm”. “Tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng nên nghĩ cho đối tác của mình. Nếu có thể không tăng giá hoặc tăng một cách hợp lý để cho đối tác vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận thì cả 2 bên sẽ cùng vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay”, nguyên Phó chủ tịch VCCI nhận định.

Một đề xuất khác cũng được chuyên gia này đưa ra đối với cộng đồng doanh nghiệp là nên tận dụng tốt hơn các cơ hội đến từ thị trường quốc tế. “Tôi thấy khi Việt Nam mở cửa thì các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng rất tốt cơ hội để vào ta. Nhưng đây rõ ràng cũng là cơ hội để doanh nghiệp ta tiến ra nước ngoài”.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng khu vực công hiện vẫn quá khao khát đầu tư. Ảnh: Nhật Minh
Bà Phạm Chi Lan cho rằng khu vực công hiện vẫn quá khao khát đầu tư. Ảnh: Nhật Minh

“Những biến cố gần đây tại Nhật là một ví dụ. Đương nhiên, trong hoàn cảnh nước bạn gặp thiên tai, khó khăn thì thông cảm và sẻ chia là điều chúng ta nên làm. Nhưng cũng cần thấy đây chính là cơ hội thị trường của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm…”, bà Chi Lan nói thêm.

Bên cạnh đó, 2 chuyên gia kinh tế cũng thống nhất rằng việc chủ động tái cấu trúc, tự đổi mới hoạt động kinh doanh cũng là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trong năm 2011. Theo đó các doanh nghiệp hiện chỉ nên lựa chọn các dự án có tính khả thi cao để thực hiện, ưu tiên các khoản lợi nhuận ngắn hạn và tuyệt đối tránh các “ý tưởng lãng mạn” vào thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan quản lý cũng cần có những động thái tích cực hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

“Doanh nghiệp tư nhân hiện tạo ra gần 50% GDP và sử dụng tới 82% lao động của xã hội nhưng trong năm 2010, lại chỉ nhận được 36% tổng đầu tư. Tôi cho rằng tỷ lệ này cần được cải thiện càng nhanh càng tốt”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, trong năm 2010, khu vực công đã tham gia đầu tư vào 300.000 dự án lớn nhỏ, nhưng lại mang lại hiệu quả rất thấp. “Tôi cho rằng khu vực công chỉ nên tham gia vào khoảng 30.000 dự án thôi. Còn lại nên để cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện”.

“Tôi kỳ vọng rất nhiều và đề án tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 sắp được Chính phủ công bố trong thời gian tới. Hy vọng, nó sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho khu vực kinh tế tư nhân và các ngành công nghiệp phụ trợ”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

 

                                                                            Theo VnExpress

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục