Hằng năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đóng góp khoảng 27% GDP cả nước, sản xuất 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây và đóng góp hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua ÐBSCL chưa thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Khai thác tiềm năng, lợi thế

 

ÐBSCL là một vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Xác định rõ đặc điểm, vị trí quan trọng, tiềm năng cũng như lợi thế và những khó khăn của vùng, trong nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo và đầu tư, hỗ trợ về nhiều mặt, cùng với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, toàn vùng đã huy động được nhiều nguồn lực mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn 2006-2010, các tỉnh, thành ÐBSCL tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; cải thiện môi trường đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực. Các công trình trọng điểm như: Cầu Rạch Miễu, Cần Thơ, Hàm Luông; đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp; cảng Cái Cui giai đoạn 1; sân bay quốc tế Cần Thơ... được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng công nghiệp hóa.

Toàn vùng hiện có 74 khu công nghiệp ( KCN ) đã được Chính phủ phê duyệt thành lập, 214 cụm công nghiệp (CCN) được các địa phương quy hoạch, trong đó có 43 KCN đang đi vào hoạt động. Ðến nay, vùng ÐBSCL có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, phát triển đô thị, giao thông vận tải, thương mại-dịch vụ-du lịch... giải quyết việc làm cho hơn hai triệu lao động. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2010, vùng ÐBSCL đạt tăng trưởng bình quân 12,2% so năm 2009; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 153.221 tỷ đồng, vượt 32,6% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 120 nghìn tỷ đồng, tăng 18,58%/năm và chiếm 15,37% so cả nước. Ðặc biệt, những năm gần đây tốc độ thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá nhanh. Toàn vùng thu hút thêm 70 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,6 tỷ USD, nâng tổng số đến nay lên 569 dự án FDI  còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 9,4 tỷ USD.

Tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu khu vực về số dự án và vốn đầu tư với 438 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 156 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD; 282 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký 12.526 tỷ đồng. Long An hiện có 23 KCN, với diện tích gần 10 nghìn ha được Chính phủ phê duyệt thành lập đến năm 2015, trong đó có 11 KCN với 203 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, với giá trị sản xuất công nghiệp chiếm gần 40% trên tổng giá trị toàn tỉnh (năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch 43 CCN ở các tuyến huyện, diện tích gần 6 nghìn ha, đến nay đã có 13 CCN với 128 dự án đi vào hoạt động. Nhìn chung, các dự án trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống giao thông để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao có sức lan tỏa cả vùng.

Ngoài Long An, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau và TP Cần Thơ... cũng có nhiều nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Những hạn chế, yếu kém

Dù đạt được một số thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế chung của vùng. Nhưng kinh tế-xã hội ở ÐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: kinh tế tăng trưởng chưa ổn định và vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất còn chậm; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn hẹp; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và DN trong vùng còn thấp; công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

TP Cần Thơ được xác định là trung tâm vùng ÐBSCL có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi trong việc đầu tư các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư, nhưng sau 15 năm thành lập (1995) các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cũng chỉ thu hút được 18 dự án FDI, với số vốn đăng ký khá khiêm tốn hơn 133 triệu USD. Phần lớn các dự án này đều là DN vừa và nhỏ, công nghệ trung bình, vốn thấp; còn những dự án có quy mô lớn lại chậm triển khai. Hiện nay, nhiều DN trên địa bàn chỉ hoạt động cầm chừng hoặc bị thua lỗ do sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Các DN trong khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thị trường đang bị thu hẹp dần do hàng rào kỹ thuật đối với các thị trường lớn đặt ra nghiêm ngặt, gây trở ngại lớn cho các DN chế biến xuất khẩu. Trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng cao, các chi phí sản xuất ngày càng tăng nên nhiều DN không vay đầu tư mới mà chỉ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng tại một số KCN, CCN chưa đồng bộ; giá bồi hoàn, giá thuê mặt bằng cao, năng lực nhà đầu tư hạ tầng còn hạn chế, tình trạng thiếu điện sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (cuối năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn vùng chỉ vào khoảng 23%) làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư của vùng.

ÐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng phát triển nông thủy sản với thế mạnh của các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, tôm cá, trái cây ngon, mía nguyên liệu... nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiệu quả khai thác chưa được như mong muốn. Bởi lẽ, do có chung một đặc thù là thuần nông, điểm xuất phát thấp, nên phần lớn các tỉnh, thành phố trong vùng khi tiến hành quy hoạch, xây dựng các KCN, CCN kêu gọi đầu tư thì các dự án đều có quy mô tương đối giống nhau, kết quả là đầu tư trùng lắp, manh mún, không phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao.

Giải pháp liên kết vùng thu hút đầu tư

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đều hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đưa tổng sản phẩm xã hội toàn vùng đạt 304.394 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP là 13,57%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,45%, đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 291.623 tỷ đồng... Ðể thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi các tỉnh, thành trong khu vực cần phải hợp tác và liên kết lại để có tiếng nói chung. Ðây là chiến lược quan trọng nhằm khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ÐBSCL. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế nhằm tạo động lực phát triển chung cho toàn vùng. Hiện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Viện lúa ÐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Trường đại học Cần Thơ phối hợp các bộ, ngành T.Ư và 13 tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng Chương trình liên kết vùng với các dự án sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản; cơ chế, chính sách phát triển những sản phẩm chủ lực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc hình thành tứ giác động lực: Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang - vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của cả nước, cùng với Long An, Tiền Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ miền Tây có nhiều lợi thế thu hút đầu tư sẽ tạo thêm động lực phát triển mới cho toàn vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết: An Giang đã và đang tận dụng những lợi thế tiềm lực sẵn có để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào các dự án lớn, công trình mang tính chất vùng, liên vùng có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương phục vụ xuất khẩu, tập trung phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tăng cường kết nối giao thông, mở rộng quan hệ đối ngoại, tham gia và hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiềm năng mở rộng hợp tác đầu tư. Ðồng thời tạo sức cạnh tranh mới cho DN, hàng hóa và dịch vụ nhằm vượt mọi rào cản thương mại đối với thị trường khó tính. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, tăng cường liên kết các tỉnh, thành trong vùng để phát triển sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát huy tối đa hiệu quả khai thác lợi thế, tiềm năng của từng tiểu vùng. Tỉnh phấn đấu giữ vững nhịp tăng trưởng xuất khẩu 15 - 20 %/năm, giá trị thương mại biên mậu từ 30 đến 35 %/năm...

Với sự nỗ lực của các tỉnh, thành vùng ÐBSCL trong thu hút đầu tư, cùng với việc đẩy mạnh liên kết khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có chắc chắn sẽ mở ra luồng sinh khí mới đầy triển vọng, tạo đà cho nền kinh tế của vùng phát triển vững chắc, thúc đẩy các mặt xã hội phát triển.

 

                                                                                          Theo ND

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục