Kiểm tra tình hình bệnh hại lúa mùa tại xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy.

Kiểm tra tình hình bệnh hại lúa mùa tại xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy.

(HBĐT) - Theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy, sâu cuốn lá nhỏ, xử lý tình trạng vàng lá lúa và tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân kịp thời diện tích lúa là chỉ đạo của Chi cục BVTV tại cuộc kiểm tra tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên các trà lúa mùa các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi vào ngày 8/8 vừa qua.

 

Kết quả điều tra đồng ruộng của Trạm BVTV huyện Lạc Thủy, các đối tượng sâu bệnh chủ yếu phát sinh gây hại là tập đoàn rầy, rầy cám lứa 5 với mật độ trung bình 200 – 300 con/m2, cao 1.000 – 1.500 con/m2; sâu cuốn lá, sâu non lứa 5 gây hại mật độ 5 – 6 con/m2, bệnh nghẹt rễ do ngộ độc đất và ngộ độc hữu cơ phát sinh ở các ruộng chua ruộng là do làm đất xong cấy ngay chưa phân hủy gốc rạ. Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng, nóng xen kẽ mưa rào càng thuận lợi cho các đối tượng trên phát sinh, gây hại mạnh trên các trà lúa. Tại các địa phương khác trong tỉnh như: Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc…, sâu cuốn lá nhỏ cũng tăng mạnh về mật độ và diện tích phân bố trên các trà lúa, phổ biến 7 – 10 con/m2, cao 20 – 30 con/m2, cục bộ có ruộng 50 – 100 con/m2 như huyện Lạc Sơn.

 

Diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ toàn tỉnh là 2.225 ha. Tập đoàn rầy mật độ trung bình 100 – 300 con/m2, cao 500 – 800 con/m2, cá biệt có ruộng trên 1.500/m2 như huyện Lạc Sơn. Bên cạnh đó, trên lúa trà muộn mới cấy giai đoạn hồi xanh – đẻ nhánh tiếp tục xuất hiện ốc bươu vàng hại với mật độ phổ biến 1 – 5 con/m2, cao 6 – 15 con/m2, cục bộ từng ruộng 20 – 30 con/m2 như huyện Mai Châu gây mất khoảng. Sâu đục thân hại rải rác trên các trà lúa, tỷ lệ hại từ 0,1 – 0,5% số dảnh, cao 1 – 3% số rảnh như huyện Yên Thủy, Mai Châu, sâu tuổi 3 – 5, một số nơi hóa nhộng như huyện Yên Thủy. Bệnh nghẹt rễ, vàng lá do ngộ độc hữu cơ xuất hiện, hại cục bộ từng ruộng, từng vùng, tỷ lệ hại 5 - 12% số dảnh, cục bộ có ruộng 20 - 30% số dảnh, bệnh từ cấp 1 đến cấp 5. Bọ trĩ, dòi đục nõn, bệnh đốm nâu, châu chấu… hại rải rác.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Yến –  Chi cục phó Chi cục BVTV, diễn biến mật độ và diện phân bố của lứa rầy năm nay tương tự năm 2009 (năm có diện tích cháy rầy cao nhất trong vòng 15 năm). Để hạn chế tình trạng bùng phát số lượng và cháy rầy vào cuối vụ, cần áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với lứa rầy này. Hiện, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân phân loại đồng ruộng và xác định diện tích nhiễm rầy, mật độ rầy, mật độ ổ trứng còn lại, mật độ, tỷ lệ ký sinh để dự báo tốt xu hướng mật độ rầy thời gian tới. Lưu ý, chỉ áp dụng phòng trừ rầy bằng biện pháp hóa học trên những thửa ruộng có mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2. Không phun tràn lan cả cánh cánh đồng. Rầy đang tuổi nhỏ nên nếu phải xử lý thuốc thì chỉ xử lý những thuốc đặc trị, phổ hẹp, có tác động nội hấp như: Midan 10WP, Amira 25WG, Butyl 10WP, Actara 25WG, Trebon 10EC… Không nên sử dụng nhưng thuốc có phổ tác động rộng, tiêu diệt nhiều loài thiên địch của rầy, dễ làm bùng phát mật độ rầy lứa sau.

 

Với diễn biến sâu cuốn lá nhỏ cần theo dõi chặt chẽ, chỉ phun trừ ở những ruộng có mật độ cao (trên 50 con/m2 nếu lúa đang đẻ nhánh rộ), (trên 20 con/m2 nếu lúa đang phân hóa đòng), phun sớm trong giai đoạn sâu non (tuổi 1 - 3), phun đúng với nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Trường hợp ruộng lúa nhiễm rầy kèm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng hay do ngộ độc đất, để tránh người dân do không hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến phun nhầm thuốc hoặc xử lý không đúng cách, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cụ thể để phân biệt triệu chứng gây vàng lá, tuyên truyền, hướng dẫn xử lý bằng cách tạm dừng bón phân đạm, tháo nước khô ruộng, rải vôi bột và bổ sung phân chuồng hoai mục, thay nước mới vào ruộng, sử dụng phân bón lá có hàm lượng lân cao, chất vi lượng như: Bo, Mo, Fe, Mn, bón thúc đạm sau khi lúa đã phục hồi bộ rễ.

 

Ông Chi cục phó Chi cục BVTV nhấn mạnh: Hiện tại, mật độ rầy không đáng ngại nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc. Lứa rầy quyết định là lứa 6 vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới. Vì vậy, bà con nông dân cần tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa trong giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái, áp dụng chế độ tưới ẩm (khô – ướt xem kẽ hàng tuần) để tiết kiệm nguồn nước tưới giai đoạn sau. Tập trung bám sát đồng ruộng, kiểm tra thường xuyên diện tích lúa đã cấy để phát hiện sớm và xử lý kịp thời bệnh virus, áp dụng các biện pháp quản lý rầy di trú trên lúa mùa. Cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ hệ thống bẫy đèn, dự báo chính xác các đối tượng sâu hại, lứa rầy di trú để có biện pháp xử lý hiệu quả. Tăng cường các biện pháp diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng, tổ chức rộng rãi chiến dịch đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công.

 

                                                                   Lạc Bình

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục