Nhiều phụ nữ xã Dân Hòa có thu nhập ổn định từ nghề làm chổi chít xuất khẩu.

Nhiều phụ nữ xã Dân Hòa có thu nhập ổn định từ nghề làm chổi chít xuất khẩu.

(HBĐT) - Huyện Kỳ Sơn có 10 xã, thị trấn với trên 18.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, khoảng trên 5.000 người chưa có việc làm ổn định, chủ yếu là lao động nông thôn. Dân số ngày càng tăng (toàn huyện có trên 34.000 người) trong khi diện tích đất tự nhiên có 21.000 ha, đất canh tác ngày càng thu hẹp để triển khai các dự án phát triển KT-XH. Kỳ Sơn được đánh giá là huyện thu hút đầu tư khá với trên 90 dự án đã, đang trong quá trình đầu tư (20 dự án đã đi vào hoạt động). Đây là dấu hiệu đáng mừng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết việc làm cho lao động là nông dân, nhất là ở khu vực bị thu hồi đất.

 

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Đây là lực lượng đông nhưng trình độ, tay nghề, nhận thức, tác phong công nghiệp còn hạn chế nên số lao động gắn bó ổn định lâu dài với doanh nghiệp chưa nhiều. Không ít doanh nghiệp trên địa bàn phải tuyển lao động từ các tỉnh khác về làm việc. Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, huyện xác định kết hợp nhiều chương trình giải quyết việc làm như: chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến công, KN-KL...  Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều loại hình đa dạng; phối hợp với DN đào tạo nghề theo địa chỉ, nhu cầu sử dụng thực tế. Vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH đã điều tra thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động năm 2011 ở các DN. Qua đó làm cơ sở cho xây dựng, phát triển dữ liệu về thị trường lao động cũng như xây dựng kế hoạch đào tạo nghề.

 

Trong 6 tháng đầu năm, qua khảo sát nhu cầu học nghề của các xã, thị trấn đã có 158 lao động đăng ký dạy nghề gồm: 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp, 2 lớp làm chổi chít xuất khẩu, 1 lớp chăn nuôi. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH Mai Bình mở lớp dạy nghề chẻ tăm hương xuất khẩu cho 48 lao động tại xóm Dụ 5, xã Mông Hóa. Trong thời gian 3 tháng, các học viên đã được đi thăm quan mô hình làng nghề tại xã Phú Cầu, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Theo lãnh đạo Công ty, đây là nghề có nhiều triển vọng ở Kỳ Sơn bởi có nguồn nguyên liệu tại chỗ và lực lượng lao động đông, có tâm huyết làm nghề. Tổ sản xuất cũng đã được phê duyệt cho vay 140 triệu đồng theo nguồn vốn Đề án 1956 để mua máy chẻ tăm hương mà không phải làm thủ công bằng tay. Ngoài ra, Phòng đã phối hợp với Trạm KN-KL mở các lớp dạy nghề phù hợp cho nông dân như nghề nuôi ong, lợn siêu nạc... Với một số xã có diện tích đất bị thu hồi nhiều và điều kiện kinh tế còn khó khăn như Yên Quang, Độc Lập, huyện dành ưu tiên mở các lớp dạy nghề và khuyến khích phát triển nghề thủ công truyền thống như chổi chít, mây - giang đan, thêu ren... Sắp tới Trung tâm Dạy nghề huyện đi vào hoạt động (đã được phê duyệt mức đầu tư 35 tỉ đồng) sẽ là thuận lợi để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy nghề. Điều đáng mừng là sau khi học nghề, đa số lao động đã ứng dụng kiến thức được học vào thực tế, có việc làm, thu nhập ổn định. Tiêu biểu là nghề làm chổi chít xuất khẩu, với làng nghề chổi chít Đồng Giang, xã Dân Hòa. Trên địa bàn huyện còn có 6 cơ sở sản xuất chổi chít, tập trung tại thị trấn Kỳ Sơn, xã Dân Hạ, Dân Hòa, Hợp Thịnh. Riêng doanh nghiệp Minh Thắng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng trên 200 lao động. Điểm thuận lợi là người lao động có thể hợp thành những cơ sở sản xuất nhỏ hoặc nhận việc về làm ngay tại nhà để tranh thủ thời gian nhàn rỗi. Nhờ những giải pháp đó, đời sống người dân đã được cải thiện. Toàn huyện không có hộ đói, hộ nghèo giảm còn 11% (tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người đạt 15,3 triệu đồng (năm 2010).                              

 

 

                                                                                Cẩm Lệ   

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục