Quyết định hạ lãi suất cho vay và áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa bằng VND được một NHTM thuộc nhóm lớn nhất nước công bố hôm qua (5.9), tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu giảm lãi vay ngay trong tháng 9 này. Hiệu ứng giảm lãi suất dây chuyền nhiều khả năng sẽ lan rộng, với sự hỗ trợ tích cực của NHNN.

Hiệu ứng lan truyền

Sau một loạt chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm tới 1-2%/năm được hàng chục ngân hàng thương mại (NHTM) công bố thời gian qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), trưa 5.9 chính thức công bố áp dụng trần lãi suất cho vay VND mới với mức cao nhất không quá 19%/năm dành cho nhóm khách hàng sản xuất. Đây cũng là khoảng lãi suất nằm trong mục tiêu đưa lãi vay VND đối với sản xuất kinh doanh về 17-19%/năm mà lãnh đạo NHNN đặt ra ngay trong tháng 9 này.



BIDV khẳng định, kể từ ngày hôm nay (6.9), lãi suất cho vay sản xuất bằng VND sẽ được giảm về mức không quá 18%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và không quá 19%/năm đối với khoản cho vay trung - dài hạn. Riêng các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, nông nghiệp và các DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay 10.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay ưu đãi từ 15% đến 17,5%/năm.

Theo một lãnh đạo của BIDV, các mức lãi suất trên đây được đưa ra trên cơ sở BIDV nhất quán điều hành kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 19% so cuối năm 2010 và tuân thủ chấp hành các quy định về điều hành tín dụng của NHNN.

Một diễn biến đáng chú ý khác là BIDV không hề đóng cửa đối với tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này sẽ ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản tối thiểu sẽ là 19,0%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 19,5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.

Đây là NHTM đầu tiên công bố áp dụng trần lãi suất cho vay VND tối đa đối với nhóm khách hàng sản xuất, theo sau định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nhóm này về 17-19%/năm của NHNN. Trước đó, cũng có hàng loạt NHTM công bố các gói cho vay ưu đãi với mức lãi suất cho vay giảm khoảng 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Các gói cho vay này hướng đến các nhóm khách hàng sản xuất riêng biệt theo định hướng kinh doanh của mỗi ngân hàng. Trong số này, mới đây nhất SHB công bố kế hoạch dành 2.000 tỉ đồng tài trợ cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn với lãi suất ưu đãi 17-18%/năm. Dù chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và đối với một số nhóm nhất định, chương trình của SHB cũng như của các chương trình khách hàng riêng biệt của nhiều NHTM khác được cho là sẽ dần dần kéo giảm lãi suất cho vay sản xuất xuống một mức mới hợp lý hơn.

Vỡ mục tiêu khống chế tín dụng?

Dù nhận được sự chào đón của số đông các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, sản xuất và xuất khẩu, việc lãi vay có xu hướng giảm dấy lên những nghi ngại về khả năng kiềm giữ lạm phát và tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong các tháng cuối năm theo. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 1.9, Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình - cho rằng, với các biện pháp của NHNN vừa đưa ra, nhất định trong thời gian tới mặt bằng lãi suất sẽ có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Hơn nữa, cung - cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao, bản thân NHTM cũng không cho vay ra được. “Như vậy, giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế và hệ thống NHTM” – ông Nguyễn Văn Bình nói. Mặt bằng lãi suất theo đó sẽ có những chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất, nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND trong tháng 8.2011 vẫn tương đối ổn định. Hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục thu hút được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội. Tính đến ngày 19.8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 3,04% so với tháng trước (trong đó tiền gửi VND tăng 3,32% và tiền gửi ngoại tệ tăng 1,81%) và tăng 8,44% so với cuối năm trước. Điểm đáng lưu ý là tính đến thời điểm trên, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 8,15%. So với mức tăng trưởng mục tiêu khống chế dưới 20%, dư địa tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm là còn rất lớn.

Song theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay tăng trưởng dư nợ thực tế (tính cả các khoản đầu tư) của hệ thống ngân hàng đã khoảng 11,7%. Như vậy, nếu thực hiện đúng nghị quyết của Chính phủ chỉ tăng dưới 20% (có thể là 18%), tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện nay thực hiện được 70% kế hoạch năm. Với mức tăng này, mức tăng tín dụng những tháng cuối năm sẽ không nhiều như dự đoán và vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.    

 

                                                                     Theo Báo Laodong

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục