Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Quỹ bình ổn xăng dầu đã được triển khai và thực hiện từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện đã có một số ý kiến khác nhau về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ. Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá toàn cảnh về việc hình thành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là theo đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng và có căn cứ pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi đã chuyển giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xoá bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát.

Việc trích Quỹ Bình ổn giá là chi phí bắt buộc, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.

Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện Bình ổn giá, kiềm chế tăng giá hoặc không được tăng giá bán, thì lúc đó cùng với các công cụ tài chính khác (điều hành linh hoạt thuế nhập khẩu), Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá không phải cố định mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành; tình hình kinh tế, xã hội trong nước....

Bộ Tài chính đánh giá sau một thời gian vận hành Quỹ Bình ổn xăng dầu đã có những tác động tích cực. Cụ thể, việc trích Quỹ Bình ổn giá là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác... Đây cũng là một trong những biện pháp tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để bình ổn giá.

Mô hình Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico... và được coi là công cụ tài chính hiệu quả nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở nước ta, trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường, những biện pháp như trợ giá (từ năm 2008 trở về trước, mỗi năm Ngân sách phải bỏ ra trên 20.000 tỷ đồng để bù lỗ kinh doanh xăng dầu, chưa kể việc giảm thuế nhập khẩu); trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ Bình ổn giá là một giải pháp phù hợp. Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội.

Hiện, Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành Kiểm toán việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Qua quá trình Kiểm toán, bước đầu Kiểm toán Nhà nước có nhận xét, đánh giá cao về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chấp hành tốt hướng dẫn trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.

Tuy nhiên, hiện nay cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ... Lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo sơ kết, hội thảo, đánh giá sau đó sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ để đưa ra quyết định phù hợp.

 

                                                                   Theo Báo ĐCSVN

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục