Trong giai đoạn thí điểm, đã có 12 tập đoàn kinh tế, tài chính lớn ra đời, nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% số lao động trong khu vực DNNN.

Tuy nhiên, khung pháp luật liên quan đến tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) vẫn chưa hoàn thiện; quy mô hoạt động vượt quá tầm kiểm soát của bộ máy quản lý; nhiều mục tiêu kỳ vọng đặt ra cho các TĐKT đều chưa đạt được.

Tại hội nghị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước do Chính phủ chủ trì diễn ra ngày 9.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Tới đây sẽ phải tái cơ cấu để phát huy hiệu quả hoạt động của các đầu tàu này, làm lành mạnh hoạt động kinh doanh và thực sự đóng vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước”.  

Các tập đoàn kinh tế nhà nước đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện nghĩa vụ chính trị, công ích.     Ảnh: Q.T
Các tập đoàn kinh tế nhà nước đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện nghĩa vụ chính trị, công ích. Ảnh: Q.T

Đầu tư dàn trải, hiệu quả kém

Đánh giá quá trình thí điểm hình thành các TĐKTNN so với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) do Thứ trưởng Đặng Huy Đông trình bày tại hội nghị cho thấy: Hầu hết các TĐKTNN thí điểm đều tăng khá nhanh về quy mô, nhưng chưa có tập đoàn nào được xếp hạng tầm khu vực và quốc tế. Các chỉ tiêu cụ thể: Tổng tài sản của các TĐKT tăng bình quân 119,6%, tổng vốn chủ sở hữu tăng 75,1%; nguồn nhân lực tăng 16,36%. Tuy nhiên, do quy mô phát triển quá lớn trong một thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh đã dẫn tới vượt quá năng lực quản lý của bộ máy tập đoàn. Điều đáng nói là hầu hết các TĐKT chỉ quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư dẫn tới đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Trong đó, không ít TĐKT mặc dù năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng vẫn đầu tư ra ngoài ngành. Đến nay, nhiều TĐKT buộc phải thoái vốn ở những lĩnh vực này nhưng cũng không dễ.

Trong khi thực trạng tài chính của một số tập đoàn, Cty con thuộc tập đoàn còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất cân đối tài chính thì nhiều tập đoàn còn thực hiện các nghĩa vụ chính trị, công ích. TĐ Điện lực VN, TĐ CN Than - Khoáng sản VN bán điện, than dưới giá thành, đưa điện về vùng sâu, vùng xa... Nhưng theo Bộ KHĐT, cho đến nay vẫn chưa có một phương thức tính toán, lượng hóa chi phí để bù đắp hoặc đánh giá tác động của việc thực hiện công ích ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả kinh doanh của các TĐKT, có tình trạng tạo cớ để biện minh cho sự yếu kém của các TĐKT.

“Quả đấm thép”

Ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTQ Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) - cho rằng, dù đã yêu cầu thành viên HĐTV hoặc người có chân trong ban TGĐ không kiêm nhiệm hoạt động của các Cty con, nhưng hành lang pháp lý chưa cụ thể. Đặc biệt, đối với các ngành còn độc quyền nhà nước như khai thác tài nguyên khoáng sản, điện, viễn thông, việc thiếu tách bạch các quyền đã dẫn đến xung đột lợi ích giữa chính sách ngành với chức năng chủ sở hữu do cơ quan nhà nước thực hiện.

Các tập đoàn đã có nhiều thành tựu trong phát triển thuỷ điện.     Ảnh: Giang Huy
Các tập đoàn đã có nhiều thành tựu trong phát triển thuỷ điện. Ảnh: Giang Huy

Ông Phạm Lê Thanh - TGĐ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cho rằng, trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu việc thực hiện giá điện tiến tới tiệm cận theo cơ chế thị trường, nhưng việc yêu cầu kìm giá để đảm bảo các mục tiêu cân đối vĩ mô khiến tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn, tới đây cần có cơ chế tháo gỡ. Hay Chủ tịch TKV Trần Xuân Hòa cũng cho rằng chính sách năng lượng phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhất là tới năm 2015, VN sẽ phải nhập khẩu than phục vụ nhu cầu trong nước thì giá sẽ không thể bao cấp mãi.

TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng cho rằng: Để tách bạch rõ chức năng chủ sở hữu nhà nước tại DN cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước. Đối với DN 100% vốn nhà nước, ông kiến nghị không cần thiết có HĐQT, phân cấp mạnh hơn cho bộ máy điều hành tập đoàn trong việc phê duyệt phương án tổ chức kinh doanh, ban hành quy chế nội bộ và quy hoạch nhân sự... theo các quy định của pháp luật.

Tái cấu trúc để hiệu quả hơn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm cần phải tái cơ cấu các TĐKT để các tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn, vừa trở thành cánh tay đắc lực của Chính phủ với vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhưng mặt khác các TĐKT cũng phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, một số TĐKT phải trở thành những lực đẩy, đầu kéo vươn lên ngang tầm cỡ khu vực và thế giới. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, tới đây các bộ, ngành phải rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật để vận hành TĐKTNN, đặc biệt làm rõ và tách bạch quyền của chủ sở hữu tại DN, vai trò của bộ chủ quản quản lý ngành với HĐTV TĐ, tránh tình trạng nhiều bộ, ngành quản nhưng không rõ trách nhiệm dẫn đến “cha chung không ai khóc”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các tập đoàn cần hoàn tất việc thoái vốn ở các ngành nghề kinh doanh ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Việc tái cấu trúc được thực hiện theo hướng không duy trì mô hình TĐKT kinh doanh đa ngành, đa sở hữu; tiếp tục rà soát thoái vốn đối với những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập, giải thể những DN làm ăn thua lỗ, yếu kém. Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ KHĐT về việc tạm ngừng thí điểm thành lập mới các TĐKTNN trong vòng 2-3 năm tới để tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tái cấu trúc.  

 

                                                          Theo Báo Laodong

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục