Sau một năm triển khai cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Bộ Công Thương ngày 28.12 đã đưa ra nhiều con số ấn tượng về tỉ lệ hàng Việt Nam có mặt tại chính thị trường nội địa trong một năm với đầy biến động vừa qua.
Cơ quan này cũng lạc quan khi cho rằng, năm 2012 sẽ tận dụng được đà này để có cơ sở tiếp tục đưa hàng hoá tiêu dùng VN trở thành con “át chủ bài” của thị trường bán lẻ.
Áp đảo tại siêu thị lẫn nông thôn
Nhìn nhận về thị trường hàng hóa nội địa năm qua, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương khẳng định đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tiêu dùng. Theo đó, qua đánh giá khảo sát, 90% số người dân tại TPHCM khẳng định có sử dụng hàng hóa VN, tỉ lệ này tại HN là 83%. Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN Đinh Thị Mỹ Loan, cuộc vận động đã thể hiện hiệu quả rõ nét trong cộng đồng DN.
Trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỉ trọng áp đảo với tỉ lệ bình quân lên đến 90% (riêng hệ thống Saigon Co.op chiếm 95% hàng Việt trong tổng lượng hàng hóa bán lẻ toàn quốc). “Hiện hàng hóa phục vụ tết 2012 tại siêu thị có hơn 90% là hàng VN, trong đó chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng, thực phẩm... Đây là tỉ lệ đáng ghi nhận so với những năm trước” - bà Loan khẳng định.
Không chỉ có mặt ngày càng nhiều trên các kệ hàng siêu thị, hàng hóa “made in Vietnam” cũng từng ngày xuất hiện khắp đường làng, ngõ xóm nông thôn. Chiến dịch “Hàng Việt về nông thôn” trở thành trọng tâm của cuộc vận động trong năm 2011 với 156 đợt bán hàng, hơn 1.600 DN tham gia năm qua.
Doanh thu mang lại từ các đợt bán hàng này là gần 60 tỉ đồng. Thực phẩm, may mặc, điện gia dụng... là những sản phẩm thu hút đông đảo sự chú ý của bà con nông dân. Và theo đánh giá của bà Đỗ Kim Hạnh – GĐ TT Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) - thành công lớn nhất không phải là doanh thu, mà chính là cơ hội để DN mở rộng kênh phân phối hàng hóa, khai thác một vùng thị trường quá tiềm năng mà lâu nay chính các DN nội địa bỏ quên.
Tạo đà hấp dẫn các “ông lớn”
Năm 2012, Bộ Công Thương khẳng định ngoài các mặt hàng bán lẻ thiết yếu sẽ tận dụng đà của năm 2011 để tăng cường sự tham gia và liên kết giữa các tập đoàn, TCty trong sử dụng hàng công nghiệp phụ trợ nội địa. Hiện tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào của các DN lớn đã tăng bình quân 25%.
Không ít DN sau hai năm tham gia cuộc vận động đã khẳng định sự tham gia sôi nổi. Điển hình Tập đoàn CN Than - khoáng sản nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên sử dụng hàng trong nước sản xuất, thay thế dần hàng nhập khẩu cùng loại có chất lượng tương đương, giá cả cạnh tranh. TCty Xăng dầu mới đây cam kết tăng cường sử dụng các dịch vụ nguyên liệu, thiết bị mua trong nước cho các dự án với khoảng 60% tổng giá trị hàng hóa thực hiện.
Bên cạnh các kết quả, ngành công thương thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế gây khó cho DN. Khó khăn lớn nhất vẫn là về nguồn vốn khi có không ít DN cho biết muốn mở rộng hệ thống phân phối, điển hình như một siêu thị nhỏ sẽ tiêu tốn không dưới 10 tỉ đồng và theo tính toán phải cần đến 7 năm mới thu hồi được vốn.
Trong khi đó, kinh phí cho xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá thương hiệu vẫn còn quá “hẻo”, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng của bản thân DN nội địa vẫn còn quá lúng túng, thậm chí một số DN lợi dụng để bán hàng tồn kho, hàng quá “đát”... Về điều này, Vụ Thị trường trong nước kiến nghị trong năm 2012 sẽ có phương án đề xuất giảm lãi suất vay vốn cho DN tham gia chương trình, tăng cường phối hợp xây dựng hệ thống thương mại tại nông thôn nhằm hỗ trợ tối đa DN đưa hàng về nông thôn, mở rộng thị trường.
Theo Báo Laodong
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".
(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhằm nâng cao giá trị của rừng, Hòa Bình đã ban hành nghị quyết, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được người dân khoanh nuôi bảo vệ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi phí khoán bảo vệ và phí dịch vụ môi trường rừng được chi trả thấp khiến nhiều hộ dân chưa thực sự sống được nhờ rừng. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Hòa Bình mà còn là bài toán chung của nhiều tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay.
(HBĐT) - Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá bán vẫn ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh gặp khó khăn. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí, tránh thua lỗ.
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Lương Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào khảo sát, nghiên cứu đề xuất đầu tư. Đến nay, huyện đã thu hút 23 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 307 triệu USD, chiếm 58,9% về dự án và chiếm 49,8% về vốn đăng ký so với toàn tỉnh.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao, hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành.
(HBĐT) - Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 3619/LĐTBXH-VP, ngày 31/8/2023 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.