Chen lấn rút tiền trong dịp cuối năm - Ảnh: Ngọc Thắng

Chen lấn rút tiền trong dịp cuối năm - Ảnh: Ngọc Thắng

Dù sớm triển khai các giải pháp chống nghẽn, chống tắc cho máy ATM nhưng dự báo dịp tết này các ngân hàng (NH) sẽ tiếp tục ca lại điệp khúc tắc và nghẽn.

“Chữa cháy” tạm thời

Nóng nhất, căng thẳng nhất và cũng khó rút tiền nhất, theo Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank - Đặng Công Hoàn, là thời điểm cách giao thừa 1 tuần do các doanh nghiệp dồn dập trả lương, thưởng. Năm nay, để khắc phục, Techombank tăng số lần tiếp quỹ, tăng lượng tiền bơm vào ATM, đồng thời cắt cử người túc trực, trông nom hệ thống 24/24 giờ đảm bảo giao dịch một cách thông suốt nhất.

Nếu máy ATM chậm trả tiền, khách hàng nên đợi ít nhất 60 giây chờ tiền ra. Trong trường hợp, máy ATM chưa trả tiền mà màn hình trở lại chế độ bình thường, khách hàng nên gọi ngay đến đường dây nóng của NH in sau thẻ (hoặc trên máy ATM) để được hỗ trợ. Khi có sự cố trong quá trình sử dụng cần phản ánh ngay đến NH theo số đường dây nóng, thông báo cho NH chính xác địa điểm giao dịch, thời gian giao dịch và số tiền giao dịch. Sau đó, khách hàng đến NH để ghi yêu cầu trợ giúp bằng văn bản để có cơ sở theo dõi thời gian xử lý của NH. Trường hợp gặp tiền rách, tiền không đảm bảo, khách hàng cần lưu giữ lại hóa đơn chứng từ để đến các điểm giao dịch gần nhất của NH quản lý ATM để đổi lại. (Theo ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank)

Vietcombank cũng vừa ráo riết lên một bản kế hoạch dài đưa ra hàng loạt giải pháp, chống ATM “ngậm miệng” dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết dịp tết năm nay Vietcombank tăng cường  gắn thêm các monitor giám sát ATM từ xa, đồng thời cũng xin thêm NH Nhà nước cung cấp nhanh và đủ 4 chủng loại tiền gồm 500.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng, 20.000 đồng (hoặc 10.000 đồng) để các NH đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Trung tâm thẻ NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, không chỉ các chi nhánh của BIDV, thời điểm giáp tết những trụ ATM đặt ngoài đường cũng sẽ có đội ngũ tiếp quỹ riêng.

NH nào cũng “hứa hẹn” rất mạnh, thậm chí còn khẳng định chắc như đinh đóng cột ATM của mình sẽ chạy thông suốt, nhưng năm nào người dân cũng “méo mặt” vì ATM không tắc, nghẽn, hết tiền, thì cũng nhả tiền rách. Khổ hơn, thời gian giải quyết, tra soát và khiếu nại chậm như rùa, mất 2 - 3 tuần...

Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, nếu năm 2006 toàn thị trường mới có khoảng 5 triệu thẻ ATM thì đến 31.12.2011, con số này đã tăng gấp 8 lần, tương đương khoảng 40 triệu thẻ. Số lượng thẻ tăng chóng mặt, với sự tham gia của 50 NH, hơn 200 thương hiệu nhưng sự đầu tư “bèo bọt” về công nghệ, thậm chí mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy làm, khiến liên minh “tam quốc” BanknetVN - Smartlink - VNBC cát cứ, phân chia thẻ NH này không rút được của NH khác. Thời gian gần đây, khi “ba cây này chụm lại” tưởng chừng người dân được hưởng nhiều tiện ích, nhưng do hạ tầng không đồng bộ, nên thẻ thường xuyên bị nuốt khi dùng ATM của NH này rút của NH khác.

Sự méo mó, thiếu đồng bộ này cũng được bà Dương Hồng Phương - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước thừa nhận. Theo bà Phương, NH Nhà nước có phần trách nhiệm khi chưa kịp thời ban hành tiêu chuẩn chung về kỹ thuật và công nghệ để các NH áp dụng.

Cần bộ tiêu chuẩn thống nhất

Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Công ty thẻ Smartlink cho biết, sẽ không có một hệ thống nào có thể chịu đựng được hàng triệu giao dịch trong một thời điểm. Vì vậy, trước mắt không thể “điều trị” được tận gốc vấn nạn tắc, nghẽn ATM dịp tết. Các NH phải chủ động trong khâu phục vụ khách hàng, nếu có bảo dưỡng máy móc phải dán thông báo cho khách hàng và cung cấp địa chỉ để khách hàng có thể rút ở địa điểm khác. Đặc biệt, phải bố trí người và xe nhằm tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời vì nhiều NH thông báo và hứa hẹn, nhưng khi làm lại đổ lỗi cho nhiều lý do khách quan như tắc đường, không đủ người... dẫn tới ATM hết tiền, giở chứng.

Cũng theo bà Tú Anh, do đường truyền và hệ thống quản lý dữ liệu ATM tại các NH là khác nhau, tại mỗi NH các chi nhánh, khu vực đầu tư công nghệ khác nhau nên rất hay xảy ra sự cố: chậm nhả tiền, không nhả hóa đơn, thời gian giao dịch lâu... Vì vậy, các NH phải chủ động nâng cấp hệ thống, quan trọng hơn về lâu dài NH Nhà nước phải ban hành được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung, buộc các NH phải áp dụng theo, nếu không sẽ có chế tài. Có như vậy, mới có thể đảm bảo đường truyền được thông suốt, ổn định.

 

                                                      Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục