Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

 

 
Quy hoạch này định hướng 8 nhóm ngành công nghiệp sẽ phát triển trong giai đoạn trên thuộc các lĩnh vực cơ khí, luyện kim; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống; năng lượng; dệt may, da giày; hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, trong thời gian trên, Lạng Sơn sẽ tập trung vào các lĩnh vực như khai thác, sản xuất ximăng, điện, lắp ráp ôtô cỡ nhỏ, chế biến gỗ, các sản phẩm nhựa, cáp điện, điện gia dụng và đặc biệt là khu chế xuất phục vụ bảo quản, đóng gói, sản xuất hàng xuất khẩu.

Bắc Giang tập trung sản xuất lĩnh vực công nghiệp hóa chất, phân bón, khai thác than, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, các sản phẩm nhựa, thiết bị điện, điện tử, máy tính, lắp ráp ôtô tải cỡ nhỏ và sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, do tiếp giáp với Lạng Sơn nên Bắc Giang có thể bố trí một số dự án về kho lạnh nhằm giảm tải cho Lạng Sơn trong lĩnh vực bảo quản.

Đối với Bắc Ninh và thành phố Hà Nội sẽ kết hợp tạo thành khu vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao và hình thành khu công nghiệp hỗ trợ và khu công nghiệp công nghệ thông tin. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tính chất liên kết tuyến trên hai địa bàn chủ yếu là công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa dược, công nghệ sinh học và sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống.

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội sẽ hình thành một số trung tâm như khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin để kéo theo các dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện cho lắp ráp và sản xuất hàng tiêu dùng.

Hưng Yên kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành trung tâm nhiệt điện của phía Bắc. Đồng thời Hải Dương cũng nằm trong khu vực sản xuất ximăng cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn, tạo thành mối liên kết chặt chẽ để sản xuất và phân phối ximăng cho toàn tuyến và các khu vực khác.

Bên cạnh đó, xét về mặt lợi thế để tiếp cận nguồn nguyên liệu và nguồn nhân lực, Hải Dương sẽ là khu vực phát triển dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, chế biến thực phẩm và đồ uống.

Ngoài việc sản xuất điện và ximăng, Hải Phòng sẽ là nơi sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, sản xuất thép, thiết bị siêu trường, siêu trọng, luyện kim, lọc dầu, chế biến thủy sản, đồ uống.

Cùng đó, do lợi thế về cảng biển nên Hải Phòng còn tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung vào khai thác than và nhiệt điện, đồng thời kết hợp với Hải Phòng thành trung tâm sản xuất thiết bị siêu trường, siêu trọng, sửa chữa và đóng mới tàu thủy.

Mặt khác, với lợi thế về nguồn nguyên liệu, tỉnh này có khả năng phát triển sản xuất ximăng, lắp ráp ôtô tải cỡ lớn phục vụ khai thác.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, khu công nghệ cao, điện tử, tin học sẽ đặt tại Hà Nội và Bắc Ninh, các doanh nghiệp hạt nhân sản xuất thành phẩm chủ yếu cũng được đặt tại khu vực này.

Các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh, phụ kiện tập trung ở các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương.

Khu vực sản xuất dệt may-da giày sẽ gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; trong đó, Hà Nội sẽ thành lập trung tâm thiết kế thời trang; Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng sẽ thành lập các khu công nghiệp dệt may, da giày và khu công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ kiện.

Sản xuất các sản phẩm siêu trường, siêu trọng, đóng tàu, thiết bị đồng bộ phục vụ các ngành sản xuất ximăng, nhiệt điện, đặc biệt chế tạo thiết bị kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn tận dụng thế mạnh về vị trí địa lý và cảng biển, nên chủ yếu liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.

Ngành hóa chất chủ yếu sẽ tập trung tại Bắc Giang và Hải Phòng dựa trên nền tảng của đạm Hà Bắc và DAP Hải Phòng. Riêng khu vực sản xuất năng lượng sẽ bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang và Lạng Sơn.

Để phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra danh mục 55 dự án đầu tư chủ yếu; trong đó số dự án chuyên ngành năng lượng chiếm nhiều nhất (13 dự án).

Bộ còn đề nghị Ủy ban Nhân dân 8 tỉnh, thành phố căn cứ vào Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương cho phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo./.
 
 
                                                                         Theo TTXVN
 

Các tin khác


Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục