Nhân dân thôn Ba Bị chăm sóc cây sả.

Nhân dân thôn Ba Bị chăm sóc cây sả.

(HBĐT) - Sả vốn là loại cây dược liệu, được trồng chủ yếu để làm gia vị hoặc làm thuốc nam chữa cảm cúm. Đối với người dân thôn Ba Bị, xã Hùng Tiến (Kim Bôi) sả trở thành cây hàng hóa chủ lực của người dân nơi đây. Nhờ trồng sả mà đời sống của nhân dân trong thôn đã có nhiều khởi sắc.

 

Thôn Ba Bị, xã Hùng Tiến có diện tích đất canh tác 80,5 ha. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu trồng các loại cây như:  keo lai, ngô, sắn  hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, một vài hộ dân trong thôn đưa cây sả vào trồng xen trên diện tích đất rừng trồng keo, khi cây khép tán thì thấy phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, diện tích trồng sả ngày càng được mở rộng. Ông Bùi Văn Bích, KN viên xã Hùng Tiến cho biết: Sả vốn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén chất đất, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, một gốc sả trồng cho thu hoạch từ 8 - 10 vụ. Sau 6 tháng có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất từ 6 - 7 tấn. Như vậy, mỗi năm, 1 ha sả cho thu hoạch 3 vụ chính, năng suất đạt từ 12 - 14 tấn/ha, giá bán trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Thêm vào đó, sả còn có ưu điểm nổi bật so với những loại cây khác là có thể thu hoạch chậm hơn từ 2 - 3 tháng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nên người dân tận dụng được thời gian nông nhàn để thu hoạch dần.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh có diện tích trồng sả lớn nhất trong thôn chia sẻ: Trước đây, đất của gia đình rộng nhưng phần lớn là đất bạc màu nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2005, thấy cây sả hợp với chất đất, ông đã đưa 1 ha đất bạc màu vào trồng. Thấy hiệu quả kinh tế đem lại cao, tạo được việc làm quanh năm cho nhiều lao động nên năm 2009, ông chuyển gần 3 ha đất trồng ngô còn lại sang trồng sả. Hiện nay, gia đình ông có hơn 4 ha sả, sản lượng đạt 20 tấn/ha, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ chuyển sang mô hình trồng sả mà gia đình xây được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi trị giá gần 500 triệu đồng.

 

ông Bùi Hồng Tiến, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết: Toàn xã có hơn 40 ha trồng sả, riêng thôn Ba Bị có hơn 25 ha, trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, khoai, bí, dưa hấu... hiệu quả kinh tế thấp vì các loại cây này ngoài khâu chăm sóc còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhiều hộ trồng ngô với diện tích lớn, đến thời kỳ thu hoạch lại không bán được nên thu nhập bấp bênh, không ổn định. Từ khi chuyển sang mô hình trồng sả, đời sống kinh tế người dân có bước phát triển rõ rệt. 4 năm lại đây, sả Ba Bị đã trở thành thương hiệu nên không phải lo vấn đề đầu ra, thương lái vào tận vườn đặt mua, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Hà Nội, Hải Phòng. Thấy hiệu quả kinh tế từ cây sả, nhiều hộ chuyển sang chuyên canh duy nhất loại cây này, đồng thời mở rộng thêm diện tích đất đồi bỏ hoang. Nhờ trồng sả mà nhiều hộ dân thôn Ba Bị thoát nghèo, có hộ mua được ôtô như gia đình ông Lượng, ông Nhiệm.

 

 

                                                                               Bùi Thoa

 

                                                                           (Báo in 28a1)

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục