Sản phẩm thịt lợn ở các chợ trên địa bàn TPHB được kiểm soát giết mổ tại lò, không phát hiện có chứa chất cấm tạo nạc (ảnh chụp tại một quầy thịt lợn tại chợ Phương Lâm).
(HBĐT) - Sau thông tin phát hiện 1 mẫu thức ăn chăn nuôi ở tỉnh ta có kết quả dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta - Agonists, tình hình tiêu thụ thịt lợn trên thị trường tiếp tục giảm. Nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thực tế trên. Nhằm giúp bạn đọc nắm bắt những thông tin mới và giải tỏa những băn khoăn, lo lắng xung quanh vấn đề này, PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn ông Phạm Vinh Xương, Phó Chi cục Thú y. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
PV: Theo kết quả ban đầu lấy mẫu ngẫu nhiên, tỉnh ta đã có 1 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta - Agonists. ý kiến của ông trước thực tế này như thế nào?
Ông Phạm Vinh Xương: Trong các ngày 27 và 31/3, đoàn lấy mẫu kiểm tra hàm lượng Beta Agonists của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, Trung tâm Kiểm nghiệm (Bộ Y tế) đã tiến hành lấy mẫu thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt lợn tại tỉnh ta, cụ thể tại thành phố Hòa Bình. Chi cục Thú y đã cử cán bộ cùng tham gia, hỗ trợ đoàn tại các điểm lấy mẫu. Trong đợt này, ngoài 6 mẫu được lấy tại tỉnh ta (3 mẫu thức ăn bổ sung tại cửa hàng, đại lý thức ăn gia súc và 3 mẫu thịt, nội tạng lợn tại chợ Phương Lâm), đoàn còn lấy 130 mẫu thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt lợn ở 17 tỉnh, thành phố từ duyên hải Nam Trung bộ ra miền Bắc. Kết quả kiểm nghiệm có 3/136 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists gồm 1 mẫu thức ăn bổ sung ở Hòa Bình, 1 mẫu thức ăn bổ sung ở Hải Dương và 1 mẫu gan lợn ở Bắc Ninh.
Beta Agonists được biết đến là nhóm hoóc môn tăng trưởng, có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Trước đây, chất này được dùng để kích thích tăng trưởng nhưng những năm gần đây, chất này bị cấm sử dụng sau khi đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc gây tai biến do ăn thịt chứa chất này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, nhóm hoóc môn tăng trưởng Beta Agonists như Salbutamol, Clenbuterol vẫn là thuốc được phép sử dụng. Về mẫu thức ăn bổ sung phát hiện có chất cấm tạo nạc, theo công văn mới đây của Trung tâm Kiểm nghiệm (Bộ Y tế) về mẫu thức ăn chăn nuôi đã phát hiện tại tỉnh ta, hàm lượng chất cấm tạo nạc rất thấp, dưới quy chuẩn của Bộ Y tế. Mẫu này cũng đã được Bộ Y tế xác nhận đưa vào dạng âm tính (không gây tác hại đối với sức khỏe con người).
PV: Để ngăn ngừa hành vi sử dụng chất cấm tạo nạc chăn nuôi, tỉnh ta sẽ có những động thái gì ? Xin ông đưa ra một số khuyến cáo?
Ông Phạm Vinh Xương: Như đã biết, kết quả kiểm nghiệm trên mẫu thức ăn bổ sung mới ở mức độ định tính (có vết). Nhưng như người phát ngôn Cục Chăn nuôi đã khẳng định, hàm lượng chất cấm tạo nạc phát hiện được tại địa bàn tỉnh ta rất nhỏ. Với mẫu thức ăn vi phạm sử dụng chất cấm tạo nạc, ngoài truy tìm nguyên nhân, xử lý nhà máy sản xuất gốc, toàn bộ sản phẩm sẽ được cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy theo luật định. Hiện nay, cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc phát hiện có mẫu trên đã thực hiện niêm phong toàn bộ lô hàng nhập, chờ xử lý.
Cá nhân tôi tin tưởng rằng, chất lượng chăn nuôi, sản phẩm đầu ra của hộ chăn nuôi trong tỉnh là tốt, đáp ứng yêu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Hơn nữa, xét về mặt định lượng, hàm lượng chất cấm sẽ biểu hiện rõ nhất trên sản phẩm thịt lợn. Thực tế cho thấy, 3 mẫu thịt lợn, nội tạng lợn lấy tại địa bàn tỉnh ta qua kiểm nghiệm không có chứa chất tạo nạc. Như vậy cũng có nghĩa sản phẩm thịt lợn trên thị trường tỉnh đảm bảo về chất lượng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, người dân có thể yên tâm tiêu dùng sản phẩm thịt lợn.
Theo chỉ đạo của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, sở NN&PTTN, lực lượng thú y tỉnh sẵn sàng tham gia đoàn lấy mẫu phục vụ công tác kiểm nghiệm. Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ giúp phát hiện, ngăn ngừa hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tránh nguy cơ ngộ độc và tai biến do tiêu dùng sản phẩm thịt lợn.
Bùi Minh
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".