(HBĐT) - Cũng đã từng là những hộ nghèo, từng chạy đủ nghề để sống nhưng bằng sự nỗ lực, ý chí vượt khó, họ đã vươn lên từng bước thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ có khi đơn giản là những hội viên phụ nữ, những người nông dân, thanh niên nghèo nhưng bằng nỗ lực của mình, họ đã thực sự trở thành những “ chiến sỹ” tiêu biểu trên mặt trận xoá đói - giảm nghèo.

 

Đầu năm, theo chân những cán bộ xã, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với họ để cùng chia sẻ với những tâm tư, tình cảm, những ước vọng năm mới và càng thêm nể phục ở họ ý chí vượt khó, không cam chịu đói nghèo cũng như khát khao làm giàu cho gia đình và xã hội. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến đi cuối năm này  là bản Dao Suối Rèo, xã Vĩnh Tiến ( Kim Bôi ). Là bản ở “cao nhất” của xã Vĩnh Tiến nhưng cuộc sống của bà con đồng bào Dao ở đây đã có nhiều đổi mới. Những ngày áp tết, không khí thật nhộn nhịp, nhiều nhà đã bắt đầu cắt lá dong, gạo nếp để chuẩn bị cho năm mới. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Lý Thị Vui,  một phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc không quên mời khách chén rượu nồng ngày xuân.

 

Mở đầu câu chuyện năm mới, chị kể: Trước đây, gia đình chị cũng là một trong những hộ nghèo của bản. Ruộng ít, con đông nên quanh năm thiếu ăn. Năm 1996, khi trực tiếp tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đi tham quan các mô hình kinh tế ở các xã bạn do Hội Phụ nữ huyện Kim Bôi tổ chức, chị đã mạnh dạn vay vốn để áp dụng những điều đã học được vào điều kiện kinh tế gia đình.  Nhà ở gần suối tiện nước, chị huy động cả gia đình đào một hệ thống gồm ba ao liên thông theo mô hình bậc thang dẫn nước từ suối vào ao để nuôi cá. Với diện tích mặt nước gần 2.000 m2 , một năm, gia đình chị thu từ 6 - 7 tạ cá. Cũng từ hệ thống ao này, chị dẫn nước tưới tiêu cho hơn 1 ha rau màu các loại. Tận dụng đất vườn, chị Vui cùng gia đình phát triển mạnh hai loại cây trồng chính là mía và ngô lai. Lý giải cho cách lựa chọn giống cây trồng của mình, chị Vui chia sẻ: Trồng nhiều loại cây thì manh mún, không mang lại hiệu quả, tập trung vào một loại cây trồng chính là ngô, mía vừa có sản phẩm hàng hoá, vừa có nguồn thức ăn cho gia súc. Song song với trồng ngô, mía, gia đình chị Vui còn còn đầu tư làm chuồng nuôi hơn 20 con trâu, bò và một đàn lợn gần 30 con. Không dừng lại ở đó, nhận thấy giống khoai lang tăng sản phù hợp với thời tiết khí hậu, chất đất ở đây, chị Vui cũng mạnh dạn trồng khoai lang tăng sản, một năm 3 lứa khoai, đạt 5 tạ/ lứa. Nhờ chăm chỉ làm ăn và mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, gia đình chị có thu nhập ổn định 60 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu này, chị  có điều kiện nuôi 3 con ăn học thành nghề và tiếp tục đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

 

Không chỉ là một người phụ nữ giỏi trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, chị Lý Thị Vui còn là một cán bộ Hội Phụ nữ năng động. Chị thường xuyên trao đổi kinh nghiệp làm kinh tế với các chị em trong thôn, bản, giúp họ giống, vốn và cách thức làm ăn hiệu quả. Ngoài ra, chị Vui cũng là một cán bộ hội điển hình trong việc tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ giữ gìn bản sắc văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá.

 

Rời bản Dao Suối Rèo, chúng tôi đến với Ngọc Lương (Yên Thủy) - xã anh hùng trong kháng chiến, đồng thời cũng được biết đến như một nơi  có nhiều “ông chủ trẻ” làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tiêu biểu trong số đó chính là anh Kiều Bá Nam (xóm Đại Đồng – xã Ngọc Lương). Đã vào những ngày áp Tết nhưng khi chúng tôi đến, gia đình anh vẫn khá tất bật, cả nhà đang vào mùa thu hoạch bưởi.  Sinh năm 1979, anh Nam là con thứ tư trong một gia đình nghèo có tới 6 anh em ở xóm Đại Đồng. Học hết lớp 5, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Nam sớm phải ở nhà phụ giúp gia đình lo chạy miếng ăn. Thời gian đầu, anh quanh quẩn ở nhà rồi ra Hà Nội phụ hồ thuê, công việc vất vả vậy nhưng đồng lương chẳng được là bao nhiêu. Năm 2000, anh quyết định về quê đúng lúc Đoàn xã đang có chương trình cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế, anh quyết định vay vốn để sản xuất. Với số vốn 1,5 triệu đồng, anh đi mua 200 gốc bưởi Diễn về trồng.Với bản tính cần cù, chịu khó, nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật, 4 năm sau, vườn bưởi của anh bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, mỗi năm, vườn bưởi của anh cho thu trên 100 triệu đồng. Có vốn, một phần anh trả nợ, còn lại anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2008, anh bắt đầu nuôi lợn nái để tự lấy nguồn giống chăn nuôi. Từ năm 2009, mỗi năm, anh đều xuất 2 lứa lợn, mỗi lứa 1 tấn lợn thịt. Ngoài trồng bưởi, nuôi lợn, anh Nam còn trồng hơn 7 sào sắn, hơn 1 mẫu ngô, hàng trăm gốc đu đủ, vừa để lấy thức ăn cho chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

 

Từ mô hình này,  trong những năm qua,  trừ chi phí, gia đình anh có nguồn thu gần 100 triệu đồng. Anh chị đã không những trả hết nợ mà còn có nguồn dôi dư khá khá, từng bước vươn lên làm giàu .Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh còn là một bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của đoàn, qua đó lôi kéo được nhiều đoàn viên tham gia. Những ai có nhu cầu cần giúp đỡ về giống, vốn để sản xuất anh luôn nhiệt tình giúp đỡ.    

 

Còn rất nhiều điển hình tiên tiến trên mặt trận xóa đói - giảm nghèo mà ở mỗi người, sự say mê, nghị lực vươn lên làm giàu cho mình và xã hội đã làm cho kinh tế nhiều địa phương những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Họ có khi là những cán bô xã bằng sự năng nổ, nhiệt tình đã mạnh dạn chỉ đạo và tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới cơ cấu cây trồng - vật nuôi một cách phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, họ cũng có khi chỉ đơn giản là những già làng vùng cao bằng uy tín  của mình vận động nhân dân bỏ đi tập tục lạc hậu trong sản xuất để đưa vào những giống cây trồng mới nhưng tất cả họ đã xóa được tâm lý trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn trong đầu tư làm ăn. Nhiều hộ từ đói nghèo nhờ  không ngừng phấn đấu lao động để tìm ra những mô hình mới, hiệu quả để làm phong phú thêm cho cuộc sống, đồng thời làm thay đổi đời sống kinh tế gia đình và địa phương.

 

 

 

                                                              Phương Linh

 

 

 

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục