Xã Nam Sơn, (Tân Lạc) phát triển cây quýt ngọt địa phương.

Xã Nam Sơn, (Tân Lạc) phát triển cây quýt ngọt địa phương.

(HBĐT) - Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả lâu năm của tỉnh đang có sự thay đổi mạnh về cơ cấu cây trồng. Các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang phát triển thay thế dần các loại cây đã giảm năng suất. Kết quả là trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, điển hình như vùng cam ở Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, vùng nhãn chín muộn ở Kim Bôi, Lương Sơn... Đây là diễn biến thuận lợi cho thấy, việc mở rộng diện tích cây ăn quả là bước đi phù hợp với định hướng chung của ngành nông nghiệp địa phương, hướng tới nền sản xuất hàng hóa có giá trị cao và bền vững.

 

Trong quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2020, UBND huyện Lạc Sơn xác định: Song song với việc duy trì ổn định diện tích trồng cây lương thực có hạt để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, huyện sẽ chuyển một phần diện tích đất canh tác sang trồng các cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó, chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi. Cụ thể, với việc xác định cam là cây trồng mũi nhọn, huyện phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng cam trên địa bàn huyện sẽ khoảng 600 ha, gồm 100 ha tại xã Ân Nghĩa, 250 ha tại xã Tân Mỹ, 250 ha tại xã Yên Nghiệp, trước mắt phấn đấu đến năm 2015 đạt 230 ha. Theo dự kiến của UBND huyện Lạc Sơn, việc phát triển mạnh cây cam thương phẩm tại 3 xã Ân nghĩa, Tân Mỹ và Yên Nghiệp sẽ tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân nơi đây và các xã lân cận, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn cho những địa bàn đang gặp nhiều khó khăn của huyện.

 

Ở phạm vi toàn tỉnh, cây cam đã và đang phát triển mạnh cả về diện tích lẫn chất lượng với giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống khác tại địa phương. Đến nay, diện tích trồng cam toàn tỉnh đạt khoảng 1.500 ha, tập trung nhiều ở huyện Cao Phong với diện tích khoảng 1.000 ha. Đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế đầy thuyết phục, mang lại cho người dân mức thu nhập từ 500 triệu đồng – 1.000 triệu đồng/ha, sản lượng trên 1 vạn tấn/năm.

 

Theo nhận định của Sở NN&PTNT, với những đặc trưng về khí hậu và thổ nhưỡng, tỉnh ta có lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp đa dạng với các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới. Trong đó, khu vực núi cao có thể phát triển cây trồng có nguồn gốc ôn đới như cây dược liệu, các loại rau quả sạch, cây ăn quả có múi... Khai thác lợi thế tự nhiên này, ngành nông nghiệp địa phương xác định sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đây là một trong những định hướng mũi nhọn, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng.  

 

Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình thâm canh cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Theo đó, tập trung đầu tư thâm canh diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày hiện có, đưa những giống mới tiến bộ thay thế giống cũ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Điển hình như giống chè LDP1, chè shan tuyết, giống cam Canh, bưởi Diễn, vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên... Kết quả là đến nay, diện tích trồng cây ăn quả lâu năm của tỉnh đang có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu cây trồng. Diện tích trồng vải, hồng, mơ, mận giảm, thay vào đó là sự gia tăng về diện tích của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cây có múi (cam, chanh, bưởi) ở huyện Cao Phong, Kim Bôi; vùng nhãn, vải ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi; thanh long ở Lạc Thủy, bưởi ở Tân Lạc…

 

Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Nhìn chung, cây ăn quả là loại cây trồng có giá trị kinh tế và đầu ra tương đối ổn định. Việc mở rộng diện tích cây ăn quả nằm trong lộ trình chung của ngành nông nghiệp địa phương nhằm hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao và bền vững. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả các loại của tỉnh đạt khoảng 10.500 ha. Theo quy hoạch sẽ phấn đấu đến năm 2015 là 15.000 ha, trong đó, diện tích trồng nhãn, vải khoảng 5.000 ha, bố trí tập trung ở huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy; diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi, quýt) khoảng 3.500 ha, bố trí tập trung ở huyện Cao Phong, Kim Bôi và Lạc Thủy; diện tích trồng na 1.500 ha, bố trí tập trung ở huyện Lương Sơn, Cao Phong, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn... Bám sát quy hoạch chung của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay, các huyện, thành phố đã và đang xây dựng quy hoạch cụ thể tại địa phương, trong đó đều chú trọng đầu tư phát triển cây ăn quả, coi đây là loại cây trồng lợi thế cần khai thác tốt hơn để phát huy giá trị cao hơn.

 

                                                          Thu Trang

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục