Cán bộ chuyên trách xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi) kiểm tra, so sánh chất lượng các giống lúa khác nhau được gieo trồng trên địa bàn xã trong vụ chiêm xuân 2013.

Cán bộ chuyên trách xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi) kiểm tra, so sánh chất lượng các giống lúa khác nhau được gieo trồng trên địa bàn xã trong vụ chiêm xuân 2013.

(HBĐT) - Vụ chiêm xuân vừa qua, tỉnh ta có một số địa bàn cấy giống lúa BC15 bị mất mùa cục bộ. Cùng với những thông tin phản ánh tình trạng này tại các địa phương khác trong cả nước, nhiều bà con nông dân trong tỉnh đang phân vân, lo lắng có nên tiếp tục sử dụng giống lúa này hay không? Câu trả lời của đại diện cơ quan chuyên ngành - Chi cục Bảo vệ thực vật là: "Vẫn có thể bố trí giống lúa BC15 trong cơ cấu giống chủ lực của địa phương trong vụ mùa 2013 cũng như những vụ tiếp theo".

 

Ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Vừa qua, tại tỉnh ta và một số tỉnh khác có xảy ra tình trạng mất mùa cục bộ tại một số diện tích chiêm xuân cấy giống lúa BC15 khiến nhiều cơ sở và bà con nông dân lo lắng về chất lượng giống lúa này. Để ổn định tâm lý của người sản xuất, không để thị trường hạt giống lúa và kế hoạch sản xuất bị xáo trộn. Chi cục BVTV vừa có công văn gửi phòng NN&PTNT các huyện và phòng Kinh tế TPHB về việc bố trí cơ cấu mùa vụ đối với giống lúa BC15. Trong đó, khẳng định nguyên nhân của hiện tượng giống lúa BC15 bị lép hạt là do tác động bất lợi của nhiệt độ thấp trong giai đoạn cây lúa làm đòng, chứ không phải do chất lượng của giống lúa BC15 có vấn đề như nhiều nơi, nhiều người lo ngại.

 

Thực tế kết quả sản xuất trong nhiều năm qua đã cho thấy BC15 là giống có nhiều ưu điểm: Gieo cấy được cả 2 vụ, tiềm năng năng suất cao, chịu thâm canh, thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau, chất lượng gạo khá, nhà sản xuất giống là đơn vị có uy tín và trách nhiệm cao với sản phẩm của mình nên chất lượng giống cung ứng hàng vụ được bảo đảm. Chính vì vậy, giống lúa BC15 đã được nhiều địa phương lựa chọn trong bộ giống chủ lực hàng vụ. Tuy nhiên giống BC15 cũng có những điểm hạn chế: Giống được xác định nhiễm bệnh đạo ôn, thực tế sản xuất ở Hòa Bình cũng cho thấy giống lúa này cũng nhiễm khá nặng bệnh khô vằn nếu canh tác không đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, BC15 là giống khá mẫn cảm với điều kiện nhiệt độ thấp trong thời gian làm đòng-trỗ bông. Đặc biệt ở giai đoạn phân hóa đòng bước 5, bước 6 (thời điểm phân chia giảm nhiễm và hình thành hạt phấn), thời điểm này diễn ra trước khi lúa trỗ khoảng 15 ngày. Nếu lúc này gặp nhiệt độ thấp sẽ dễ hình thành hạt phấn bất dục, dẫn tới hoa lúa không tự thụ phấn được làm hạt lép. 

 

Đối chiếu lại diễn biến thời tiết vụ chiêm xuân vừa qua có thể thấy: Tuy nền nhiệt độ những tháng đầu vụ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thời điểm từ 7-15/4/2013 liên tục có các đợt không khí lạnh tác động đến miền Bắc nước ta, nhiệt độ thấp nhất ở tỉnh ta thời điểm đó là 17oC. Như vậy, những ruộng lúa BC15 phân hóa đòng bước 5, bước 6 trùng với quãng thời gian này dễ bị lép. Thực tế cho thấy những ruộng cấy BC15 bị lép ở tỉnh ta trong vụ xuân 2013 hầu hết đều trỗ bông trong khoảng 20-25/4/2013, tức thời điểm phân hóa đòng bước 5, bước 6 trùng với quãng thời gian có đợt không khí lạnh nói trên. Mặt khác, sự phân hóa đòng không diễn ra đồng thời giữa các hoa lúa trong cùng 1 bông lúa, giữa các bông trong cùng 1 khóm lúa hay giữa những khóm lúa phía mép ruộng với những khóm ở giữa ruộng, vì vậy tỷ lệ lép ở những vị trí này sẽ khác nhau.  

 

Theo thống kê sơ bộ, trong vụ chiêm xuân vừa qua, toàn tỉnh có trên 30 ha lúa BC15 bị lép với mức độ khác nhau, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Dân Chủ (TP Hòa Bình), xã Thanh Lương (Lương Sơn), xã Hưng Thi, Phú Thành (Lạc Thủy)... Đây là những địa bàn có diện tích lúa BC15 trỗ bông trong khoảng 20-25/4/2013, tức thời điểm phân hóa đòng bước 5, bước 6 trùng với quãng thời gian có đợt không khí lạnh dẫn tới tình trạng lúa bị lép hạt. Ngoài những địa bàn nêu trên, những diện tích lúa BC15 trỗ bông từ ngày 5-15/5/2013 đều phát triển bình thường, năng suất khá cao, chưa có nơi nào báo cáo về hiện tượng lép hạt. Tuy nhiên, theo Chi cục BVTV, hiện tượng lép hạt của giống lúa BC15 do gặp rét trong thời điểm làm đòng không chỉ diễn ra trong vụ xuân. Ngay như vụ mùa, nếu cấy sau ngày 25/7 và lúa trỗ vào đầu tháng 10 thì cũng có thể gặp rét sớm đầu vụ dẫn tới nguy cơ lúa bị lép hạt. Hiện tượng này đã từng xảy ra tại một số xã của huyện Đà Bắc trong vụ mùa năm 2011. 

 

Ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV nhấn mạnh: Vì BC15 là giống lúa có nhiều ưu điểm nên trong vụ mùa sắp tới cũng như những vụ sản xuất tiếp theo, các địa phương vẫn có thể bố trí giống lúa BC15 trong cơ cấu giống chủ lực. Tuy nhiên, để đáp ứng đồng thời các yếu tố về cơ cấu 3 vụ/năm và giảm thiểu rủi ro do thời tiết, cần bố trí thời điểm gieo cấy để cây lúa trỗ trong khoảng thời gian an toàn nhất (vụ xuân trỗ trong khoảng 5-15/5, vụ mùa trỗ trong khoảng 5-20/9). Như vậy với giống BC15, tốt nhất vụ xuân gieo cấy trong đợt đầu của trà xuân muộn (gieo mạ từ 25/1-5/2, cấy từ 5-20/2), vụ mùa gieo cấy trong trà mùa sớm (gieo mạ từ 30/5-5/6, cấy từ 15-25/6) hay đợt đầu của trà mùa chính vụ (gieo mạ từ 10-25/6, cấy trước 10/7). Ngoài khung thời vụ như trên, cần theo dõi sát dự báo xu hướng nền nhiệt độ đầu mỗi vụ để chỉ đạo điều chỉnh thời điểm gieo mạ, cấy lúa./.

 

Căn cứ Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 42 ngày 11/5/2013 của Chính Phủ về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg; Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ tài Chính sửa đổi, bổ sung điều 2 Thông tư 187/2010/TT-BTC).

Chi cục BVTV - Sở NN&PTNT đề nghị: Những nơi lúa bị lép hạt do tác động của đợt không khí lạnh nói trên, tiến hành đánh giá thiệt hại, lập hồ sơ theo qui định và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt hỗ trợ chi phí phân bón đầu tư và hỗ trợ khôi phục sản xuất.

 

 

                                                                                     P.V

 

 

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục