Lần vỡ ống nước thứ ba, tháng 11-2013.

Lần vỡ ống nước thứ ba, tháng 11-2013.

Sự cố vỡ đường ống cung cấp nước sạch từ sông Đà lần thứ năm khiến cho 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng đã được khắc phục xong trong sáng 2-4. Tuy nhiên, rủi ro tương tự còn có thể tái diễn trên hệ thống cấp nước này. Hệ thống ống mới, tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, sớm nhất cuối năm 2015 mới có thể khởi công.

 

Còn có thể vỡ ống nước nhiều lần nữa

Đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội lại tiếp tục bị vỡ vào 14 giờ ngày 1-4 làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của khoảng 70 nghìn hộ dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Sự cố xảy ra tại vị trí km 22+660, trên tuyến Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận huyện Thạch Thất (Hà Nội). Dù sự cố đã được khắc phục, nhưng nó cũng để lại nỗi lo ngại không ít cho người dân, nhất là mùa nóng ở Hà Nội đã bắt đầu.

Đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Nguồn nước được sử dụng từ nước mặt sông Đà đưa về hệ thống nhà máy nước sạch trên địa bàn Hà Nội để xử lý. Hiện, hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Trước khi xảy ra sự cố lần này, đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đã vỡ bốn lần. Lần gần đây nhất vào ngày 16-12-2013, chỉ cách lần vỡ thứ ba – 21-11-2013 ít ngày. Hai lần trước là vào các ngày 4-2-2012 và 23-3-2013.

Cần 1.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống ống thứ hai

Được biết, vết vỡ lần này rộng 25 cm, chi phí khắc phục sự cố khoảng trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự cố cũng không khác những lần trước, là do nền đất yếu. Cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Sỹ Trung - kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) từng chia sẻ rằng, tuyến Đại lộ Thăng Long có chiều dài gần 30km, trong đó có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Ông Trung cho hay, ông đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng các bên vẫn chưa xử lý nền cẩn thận.

Theo giới thiệu trên website của Tổng công ty CP Vinaconex, ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội là ống cốt sợi thủy tinh. Về vấn đề này, ông Trần Minh Hồng – chuyên gia về vật liệu xây dựng – cho hay, loại vật liệu này có độ bền cao trong điều kiện ổn định, vì thế, đòi hỏi có nền cốt vững chắc. Khi móng của đường ống không đều, tuyến ống dễ bị vỡ. “Với nền đất yếu không được xử lý từ trước thì khó tránh khỏi việc đường ống dẫn nước này sẽ còn tiếp tục vỡ nhiều lần nữa.” – ông Hồng khẳng định.

Ông Nguyễn Anh Việt – Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, hiện Vinaconex đã hoàn thành nghiên cứu, thiết kế một đường ống dẫn nước mới chạy song song với đường ống cũ. Đường ống này dự kiến tiêu tốn 1.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn ODA, và có thể sẽ triển khai vào cuối 2015, đầu 2016.

Cảnh báo nguy cơ căng thẳng nước sạch mùa hè

Nước sạch Hà Nội được cung cấp bởi hai đơn vị là Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch Sông Đà. Công ty nước sạch Hà Nội quản lý, khai thác sản xuất cấp nước cho tám quận nội thành, trừ quận Thanh Xuân và sáu huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh). Còn công ty nước sạch sông Đà cung cấp các địa bàn còn lại, chủ yếu cho một chùm đô thị vệ tinh trên quãng đường Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây. Do lượng nước dồi dào, Công ty Sông Đà còn có dư để bán lại cho Công ty nước sạch Hà Nội với lưu lượng từ 40.000- 45.000 m3/ngày đêm.

Giá bán của hai hệ thống cung cấp nước sạch bằng nhau, do UBND TP Hà Nội quy định chung thống nhất. Nhưng khi so sánh sự khác biệt, người dân cho rằng, sử dụng nước của Công ty nước sạch Hà Nội ổn định hơn về hệ thống đường ống nhưng lại phấp phỏng lo mất nước những dịp nắng nóng do các giếng khai thác nước ngầm đã được xây dựng và vận hành trên 20 năm nay, công suất khai thác giảm từ 15% đến 20% so với công suất thiết kế. Sử dụng nước sạch Sông Đà yên tâm độ sạch, nguồn nước dồi dào do khai thác nguồn nước mặt Sông Đà dẫn về nhưng lại chịu thiệt thòi do vỡ đường ống thất thường.

Khi xảy ra sự cố, nếu mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, phía Công ty nước sạch Hà Nội sẽ “ứng cứu”, trên cơ sở đề nghị của Công ty nước sạch Sông Đà và sự điều phối của UBND TP Hà Nội. Phương án duy nhất là chở nước bằng xe xi-téc để cung cấp miễn phí cho người dân.

Dù chưa vào mùa nắng, Công ty nước sạch Hà Nội đã cảnh báo, năm nay sẽ nóng sớm và kéo dài nên tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội sẽ rất căng thẳng. Trong điều kiện hiện tại về hệ thống đường ống, khả năng bảo đảm điện của ngành điện có hạn thì giải pháp “ứng phó” với thời tiết vẫn chỉ chờ vào sự chia sẻ, cảm thông của người dân và ý thức sử dụng nước tiết kiệm nhất của khách hàng.

Thiệt hại do mất nước, kiện được không?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh - Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, trong hợp đồng cung cấp nước sạch cũng đã quy định, trong trường hợp mất nước do sự cố đường ống khách quan, bất khả kháng thì người dân không kiện được. Người dân chỉ có thể kiện được khi bên cung cấp nước cố tình cắt sai quy trình, trong khi vẫn có thể cung cấp được bình thường và việc cắt đó gây thiệt hại cho khách hàng.

 
                                                                   Theo Báo ND
 
 
 
 
 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục