Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thủy đẩy mạnh SX-KD khai thác nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Ảnh: P.V

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thủy đẩy mạnh SX-KD khai thác nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Ảnh: P.V

(HBĐT) - Từ một huyện nghèo, thuần nông với điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, đến nay, Yên Thủy đã có nền kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành CN -TTCN và thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất từ năm 2010 đến nay bình quân đạt trên 12%/năm; giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 22, 64 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,38%; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Kết quả đó đã minh chứng cho sự đúng đắn trong mạnh dạn đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo của chính quyền địa phương.

 

Thẳng thắn nhìn nhận vào những khó khăn, thử thách cũng như đánh giá khách quan về tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Yên Thủy đã xác định cần có sự đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động, từ cán bộ lãnh đạo đến mỗi người dân để thúc đẩy KT -XH địa phương phát triển.

 

Trước tiên, đối với trụ đỡ chính của ngành kinh tế là nông nghiệp, trên cơ sở phát huy ưu thế của địa phương, Yên Thủy đã có nhiều giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp (SXNN). Nếu như trước đây SXNN chỉ là tự cung, tự cấp thì hiện nay, chính quyền các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện đã chủ trương đổi mới nông nghiệp một cách mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ thực hiện dồn điền - đổi thửa, tổ chức lại đồng ruộng; quy hoạch và hình thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao; xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Từ sự mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm, Yên Thủy bước đầu thành công với nhiều mô hình SXNN mới như: cánh đồng lớn về sản xuất và tiêu thụ bí xanh đảm bảo ATTP; trình diễn sản xuất rau giống Hàn Quốc, trồng bưởi da xanh, nuôi ngan thịt, dê sinh sản... Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng trên 4,34%, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 382 kg /người/năm, tăng 9,5% so với năm 2010, xuất hiện ngày càng nhiều cánh đồng cho hiệu quả kinh tế trên 100 triệu đồng /ha/ năm. Bức tranh ngành nông nghiệp huyện có nhiều khởi sắc và góp phần quan trọng  thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

 

Về sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, Yên Thủy đã tập trung ưu tiên cao nhất cho triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện được cụ thể bằng xây dựng kế hoạch hành động, triển khai thực hiện bằng lối tư duy mở, kịp thời có những quyết sách cụ thể, phù hợp. Việc thu hút đầu tư được thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương nhưng đảm bảo sự hài hòa với quyền và lợi ích của người dân, nhất là người dân các khu vực có dự án. Với cơ chế mở thông thoáng, Yên Thủy đã thu hút Tập đoàn BTG đầu tư hạ tầng cơ sở cho KCN Lạc Thịnh với tổng diện tích 200 ha, 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH MDF Vinafor Tân An - Hòa Bình và Công ty CP Xi măng X18 đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Toàn huyện hiện có gần 500 cơ sở sản xuất TTCN đang hoạt động SX -KD, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp -xây dựng hàng năm tăng trung bình trên 15%. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng hàng năm trên 20%.

 

Nông nghiệp có bước phát triển đột phá, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ phát triển bền vững, ổn định tạo nên sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế, đảm bảo cho việc thu ngân sách nhiều năm vượt chỉ tiêu được giao. Đó cũng là yếu tố quan trọng để đầu tư kết cấu hạ tầng KT -XH của địa phương với 100% tuyến đường liên thôn, xóm, khu phố được chỉnh trang, mở rộng và bê tông hóa; 100% xã, thị trấn có trường học được xây dựng khang trang, kiên cố ở cả 3 cấp học; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 91% hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Cơ sở vật chất văn hóa, công trình phúc lợi, di tích lịch sử... được chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ.

 

Song song với nỗ lực thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện Yên Thủy đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan tâm đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Huyện tập trung đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống trường lớp với 35% trường học trên toàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia. Lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành giáo dục, các nhà trường học tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 và tiểu học đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 95%.

 

Hoạt động CSSK nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực với đầu tư trang, thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, trạm y tế; tạo điều kiện cho đội ngũ y - bác sỹ học tập nâng cao trình độ. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được Yên Thủy triển khai thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu với hiệu quả thiết thực, làm phong phú đời sống người dân gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn huyện hiện có trên 71% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 74% làng, khu phố đạt văn hóa. Các phong trào đền ơn - đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo... được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy KT -XH địa phương phát triển.

 

Với những thành tích đã đạt được, liên tục 2 năm (2012 - 2013), Yên Thủy là đơn vị dẫn đầu khối thi đua huyện, TP và được UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua. Vinh dự lớn lao hơn cả là năm 2014, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Thủy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

 

                                                           

 

                                              Bùi Trung Kiên

           (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy)

 

 

 

Các tin khác


Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy gương mẫu trong phát triển kinh tế

(HBĐT) - Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", trong thời gian qua, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) ở huyện Lạc Thủy đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, trở thành những tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

Xã An Bình dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao

(HBĐT) - Năm 2019, xã An Bình (Lạc Thủy) về đích nông thôn mới (NTM). Hiện nay, xã tiếp tục duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí; tăng cường nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 2, khóa XI

(HBĐT) - Ngày 22/9, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 2, khóa XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.                            

Hội Nông dân huyện Đà Bắc: Đa dạng hình thức tư vấn, hỗ trợ nông dân

(HBĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên nông dân (HVND), thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc

Tối 21/9, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc.

Quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục