(HBĐT) - Dù ai đi đâu về đâu /Mùa xuân ngày hội cùng nhau đón chào /Dù ai mải miết nơi nào /Chùa Tiên mở hội cùng vào du xuân /Dù ai đi xa đi gần /Chùa Tiên Phú Lão hội xuân tìm về.

 

Những câu thơ như mời gọi, thúc giục du khách thập phương tạm gác những lo toan của cuộc sống thường nhật để đến chùa Tiên du xuân thưởng ngoạn để cảm nhận những giá trị văn hóa lịch sử, trở về với cội nguồn, tìm về cõi tâm linh hướng thiện, trút bỏ muộn phiền và thắp nén nhang cầu may, cầu lộc đầu năm.

 

Dòng người tấp nập trẩy hội chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.

 

Hàng năm, lễ hội chùa Tiên là một trong những lễ hội lớn được khai hội đầu tiên của tỉnh, thường là vào ngày mồng 4 Tết. Khai hội chùa Tiên năm nay cũng là lễ hội đầu tiên của tỉnh hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2017 – Lào Cai – Tây Bắc.

 

Cùng hàng ngàn du khách thập phương, giữa tiết trời se lạnh, lất phất mưa xuân, chúng tôi hòa vào dòng người nô nức đi trẩy hội chùa Tiên. Tiếng chuông chùa ngân vang giữa màn sương sớm, khói nhan trầm nghi  ngút tạo nên không khí yên bình, thanh tịnh.  Cũng vì thế mà con người ũng trở nên thân thiện hơn ở chốn linh thiêng nơi cõi Phật.

 

Chùa Tiên là quần thể di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Quần thể di tích gồm hệ thống hang động bố trí rải rác dọc 2 dãy núi Tung Xê và Hương Tích thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy. Khu di tích chùa Tiên đa dạng và phong phú với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ nơi đây chính là nét quyến rũ với 2 tuyến chính và 20 điểm dừng chân gồm đền, chùa, hang, động. Bắt đầu cuộc du sơn, du thuỷ tham quan vãn cảnh quần thể di tích bằng dâng hương tại đền Trình thờ tam vị đức Thánh ông đã có công khai phá vùng đất Nhượng Lão (nay là thôn Lão Ngoại). Đến đền Mẫu, nơi thờ mẹ - một tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ theo truyền thuyết là người có công khai sinh ra dòng giống. Phía sau ngôi đền là dãy núi với nhiều hang động tuyệt đẹp, phía trước là dòng suối Khốm uốn lượn. Ngay dưới chân Đền là động Mẫu Long (còn gọi là động Mẫu âu Cơ), trong động là nơi ngự của Mẫu âu Cơ với bọc trăm trứng và cánh chim Lạc Việt. Động được chia thành 3 phòng lớn. Đường lên động Tiên có 296 bậc uốn lượn theo dãy núi Tùng Xê. Động Tam Toà có 3 toà động đẹp lung linh huyền ảo, cửa động lộ thiên giữa sườn núi Rộc Đản. Từ cửa động có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Bên trái động Tam Toà là động Linh Sơn Địa Mẫu thờ Địa Mẫu, người tạo ra thế giới này. Bên phải là lối sang động người xưa (Hang Hồ) chứa đựng dấu tích và đồ dùng của người Việt cổ nên được gọi là động người xưa...

 

Vui vẻ, phấn khởi khi vừa trở ra từ chùa, chị Nguyễn Thị Phương (phường Quang Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mồng 4 Tết, gia đình tôi đều đi lễ chùa Tiên. Đây là điểm đến linh thiêng để gia đình tôi cầu nguyện những điều may mắn trong năm mới. Phong cảnh sơn thủy hữu tình cũng giúp cho du khách thư thái, vui vẻ. Đặc biệt, tại đây, chúng tôi được thưởng thức các nghi lễ đặc sắc diễn ra trong lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian. Mở đầu lễ hội là lễ rước kiệu. Kiệu được khiêng trên những đôi vai của các nam thanh, nữ tứ dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên đôi vai của niềm tin, lòng thành kính và nhiều mong ước của người dân địa phương về mùa màng ấm no, hạnh phúc.

 

Không chỉ được chứng kiến nghi lễ, tham gia phần hội, đến với chùa Tiên, du khách còn được thỏa sức tham quan, khám phá cảnh đẹp nơi đây. Đặc biệt là các điểm hang động. Ví dụ như để lên được động Tiên, du khách phải vượt qua  296 bậc uốn lượn theo dãy núi Tùng Xê. Được ngắm những nhũ đá mang dáng hình của trống, cồng, chiêng; gõ vào tạo ra những âm thanh trầm hùng. Trong vòng cầu ảo mộng, các khối đá hình quả đu đủ, phật thủ buông thả bàn tay nhà Phật và biểu tượng voi, rồng vươn vòi hút nước để tưới cho dải ruộng bậc thang cao dần lên vùng bình nguyên màu mỡ. Đến đây du khách như trút bỏ được những ưu phiền, lo toan; tâm niệm thoải mái cầu mong một năm mới an yên, thành công trong cuộc sống.

 

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội chùa Tiên xuân Đinh Dậu, địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh. Bà Quách Thị Thanh, Trưởng ban quản lý di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Từ tháng 10, huyện đã có kế hoạch tổ chức lễ hội. Huyện phân công thành nhiều tiểu ban phụ trách từng công việc cụ thể của lễ hội. Vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường được quan tâm. Ban quản lý di tích đã tu sửa, xây mới nhiều nhà vệ sinh, bố trí thêm thùng rác. Phối hợp với lực lượng công an huyện phân công, bố trí lực lượng đảm bảo ANTT, không để xảy ra ùn tắc giao thông, gây rối, móc túi; ngăn chặn không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, bố trí bãi trông, giữ phương tiện giao thông; có phương án phòng - chống cháy nổ. Ngoài ra, các cửa hàng bán đồ lưu niệm,  đồ ăn phải ký cam kết với Ban quản lý bán đúng giá, không “chặt chém” du khách. Treo nhiều biển báo, nhắc nhở du khách chỉ thắp một nén nhang, đặt tiền công đức đúng vị trí theo quy định…Với sự chuẩn bị chu đáo đó đã đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến tham quan, vãn cảnh chùa Tiên.

 

                                                                      Thu Thủy

 

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục