(HBĐT) - Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử - văn hóa gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương, từ lâu nay, huyện Cao Phong trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích luôn được huyện quan tâm.


Cây đại cổ thụ trên 400 năm tuổi tại chùa Quèn Ang, xã Tân Phong (Cao Phong)luôn được chăm sóc, bảo vệ chu đáo.

Không có di tích cấp tỉnh và cấp huyện, nhưng Cao Phong có 4 khu di tích được cấp bằng công nhận di tích quốc gia đó là: Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Khánh, xã Yên Thượng; chùa Quèn Ang, xã Tân Phong; Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan thuộc xã Bình Thanh và quần thể hang động núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong). Bên cạnh đó, huyện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc là một phần trong "Nền văn hóa Hòa Bình”.

Đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Để bảo vệ các di tích, những năm qua, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn. Theo đó, một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo khang trang đúng quy định, giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Cụ thể, năm 2006, di tích chùa Khánh, xã Yên Thượng được tu bổ, tôn tạo khang trang. Sáu năm sau (năm 2012), chùa Quèn Ang, xã Tân Phong tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Năm 2013, huyện trích ngân sách 2,6 tỷ đồng đầu tư cho 2 hang động thuộc quần thể hang động núi Đầu Rồng. Do ngân sách của huyện còn hạn hẹp, không đủ đầu tư tiếp cho danh thắng, từ năm 2015 đến nay, huyện kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa để tôn tạo di tích. Trong 3 năm qua, ước tính đã huy động khoảng 17 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo danh thắng phục vụ phát triển du lịch.

Được biết, nhằm tăng cường công tác phối hợp trong việc bảo vệ, phục hồi các di tích, điểm di tích lịch sử, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với Ban quản lý các khu di tích và UBND các xã, thị trấn xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ các di tích trên địa bàn. Khi tổ chức lễ hội, các xã, thị trấn phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định gồm: Xây dựng kế hoạch, kịch bản và thành lập Ban tổ chức lễ hội. Báo cáo đầy đủ, rõ ràng bằng văn bản về Phòng Văn hóa - Thông tin để tổng hợp báo cáo UBND huyện. Cam kết không gây mất ANTT và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguồn thu công đức, từ thiện, tài trợ và các nguồn thu khác từ việc tổ chức lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Ban quản lý cũng như quy định của Nhà nước...

Thực hiện những cam kết đó, từ nhiều năm nay, công tác đảm bảo ANTT và vệ sinh môi trường tại các khu di tích luôn được duy trì tốt. Các điểm di tích đều có thùng rác và nơi hóa sớ, không tổ chức các hoạt động lên đồng, bốc thẻ, xem bói và các hình thức có tính chất mê tín dị đoan khác để quyên góp trục lợi và đặc biệt không có nạn đổi tiền lẻ.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và thực tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực này, tuy nhiên, theo đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện thì hiện tại, công tác xã hội hóa để đầu tư vào các điểm di tích còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí chi cho công tác bảo tồn cũng như tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng của một số điểm di tích chưa đồng bộ. Ban quản lý khu di tích ở một số điểm hoạt động chưa hiệu quả và thiếu trầm trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở các điểm di tích, danh lam thắng cảnh…

Để các di tích mãi trường tồn và phát huy giá trị, huyện Cao Phong đề nghị hàng năm, Sở VH-TT&DL tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch và công tác quản lý, tu bổ, phục hồi di tích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác văn hóa, du lịch trên địa bàn. Quan tâm cổ phần hóa, cùng với gia đình chủ đền nâng cấp đền Bờ tại xã Thung Nai. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng đường liên xã Thung Nai - Bắc Phong gắn với tuyến đường tour du lịch trên địa bàn. Đặc biệt là quan tâm bổ sung nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia - Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan (hiện tượng đài xuống cấp nghiêm trọng). Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng khu không gian văn hóa Mo Mường - Hòa Bình tại xã Tân Phong… đó sẽ là nền tảng để huyện thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

 

                                                                        Lam Nguyệt

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục