(HBĐT) - Một điểm đến ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài thành phố đến thăm quan là tháp Tường Long. Đây là di tích văn hóa lịch sử nghìn năm tuổi, được xem là nơi "rồng vàng hạ thế", nằm trên đỉnh Long Sơn - ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn núi chạy dọc bán đảo Đồ Sơn.


Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) được phỏng dựng lại cao 9 tầng, xây bằng gạch gốm, mang nét đặc trưng kiến trúc Phật giáo thời Lý.

Chị Lưu Thị Thu Huyền, lãnh đạo Ban quản lý di tích quận Đồ Sơn cho biết: Vào thời nhà Lý (1100 - 1225), hàng nghìn công trình Phật giáo đã được xây dựng mà kỳ vĩ nhất là tháp Bảo Thiên ở kinh đô Thăng Long và tháp Tường Long ở Đồ Sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí, tháp Tường Long có 9 tầng, cao 100 thước, dựng trên khu đất rộng 1.000 m2. Tháp được đặt trên ngọn núi cao 128 m so với mực nước biển, với vị trí này, Tường Long là tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Ngoài mục đích tôn giáo, tháp còn có vai trò bảo vệ sự an nguy cho quốc gia - là đài quan sát của cha ông ta xưa trước họa xâm lăng.

Trải qua hàng nghìn năm, tháp Tường Long chỉ còn tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ. Phế tích chỉ là nền móng tháp hình vuông. Năm 2007, quận Đồ Sơn đã phỏng dựng lại ngọn tháp. Sau 10 năm, tòa tháp được khánh thành, cao 9 tầng, được xây bằng gạch gốm, cách trang trí mang nét đặc trưng của thời Lý với các hoa văn, họa tiết tinh xảo, mềm mại. Hiện nay, tháp Tường Long trở thành chốn tâm linh không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Đồ Sơn.

Cùng những đồng nghiệp ở Báo Hải Phòng, chúng tôi đến tháp Tường Long vào một ngày tháng 7. Cụm Chùa Tháp tọa lạc trên mặt bằng gần 2.000 m2 với 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà tam bảo. Tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở với 4 trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo. Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính, khung bằng gỗ lim… Một trong những điểm nhấn của Tường Long là chuông chùa nặng 1 tấn mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc từ sự đóng góp của hàng nghìn tăng ni, phật tử. Bên cạnh tháp là nhà che bia và che hố khảo cổ, nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô cùng giá trị.

Theo chị Lưu Thị Thu Huyền, năm 2018, Ban quản lý di tích quận phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng hoàn thiện khu trưng bày hố khảo cổ, bên trong trưng bày những hiện vật từ năm 1058 như: ngói mũi hài, ngói lòng máng, những mảnh đất nung khắc hình rồng trong lá đề, mảnh đầu rồng, tượng uyên ương… "Thông qua các hiện vật, du khách có thể bắt gặp phong cách nghệ thuật mang hình bóng đương thời với đường nét trau chuốt, mềm mại mà cha ông muốn gửi lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những thông điệp về nhân sinh quan, thế giới quan, những ước vọng về cuộc sống ấm no, thanh bình và những điều tốt đẹp nhất”- chị Huyền cho biết.

Hiện nay, di tích khảo cổ học tháp Tường Long được biết đến như một địa chỉ tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời Lý - Trần trên đất Hải Phòng. Theo thống kê của Ban quản lý di tích, vào các dịp cao điểm, trung bình mỗi ngày, tháp Tường Long đón hàng trăm lượt khách đến thăm quan, chiêm bái. Điều này thể hiện sức hấp dẫn của di tích khảo cổ học cấp quốc gia này trong lòng du khách.

Hải Yến


Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục