(HBĐT) - Nền văn hóa Hòa Bình nói chung và văn hóa các dân tộc Mường nói riêng giống như một cuốn sách quý để đọc, để học và để khám phá những điều mới mẻ vốn bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Trong niềm đam mê bất tận với văn hóa dân tộc, họ là những người đi khơi lại dòng chảy vốn đã bị lãng quên...




Nghệ nhân Bùi Huy Vọng, đưa hiện vật, cổ vật vào lý giải, biện luận trong những công trình nghiên cứu góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa dân tộc Mường.

1. Người đầu tiên tôi muốn kể, đó là nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng ở xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn). Vốn là người ngoại đạo. Nhưng với niềm đam mê văn hóa cổ, truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã dấn thân đi trên những con đường mà chưa có ai từng đi. Hơn 20 năm qua, với hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu, khảo cứu về nền văn hóa dân tộc Mường gắn với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng thế giới, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã đi vào từng "ngóc ngách” cuộc sống người Mường. Nhưng ít người biết được, để có được kiến thức uyên thâm, hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa dân tộc, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã có những chuyến điền dã nhiều ngày tới các vùng thôn, xóm, nơi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Hơn cả, ở đây anh tìm được cho mình những thứ cần tìm vốn bị lớp bụi thời gian làm cho lãng quên. Đó chính là những hiện vật, cổ vật hàng trăm năm tuổi được cất giữ như những bảo vật truyền đời của các dòng họ; hiện vật được chôn trong những ngôi mộ cổ. "Chính nhờ những cổ vật đó làm cho những hiện vật lịch sử nói lên tiếng nói của mình mà mình đã thu lượm được nhiều thông tin quý giá về phong tục, đời sống của xã hội xưa cũ của người Mường” - nghệ nhân Bùi Huy Vọng chia sẻ.

          Đặc biệt, chính từ sự đam mê đó, nghệ nhân Bùi Huy Vọng từ chỗ là một người ngoại đạo đã dần trở thành một trong những chuyên gia về đồ cổ. Đặc biệt là đồ gốm cổ. Từ những chuyến đi điền dã, ngoài việc thu lượm cho mình một vốn kiến thức đồ sộ anh còn lưu giữ cho riêng mình hàng trăm hiện vật gốm cổ, cả những thứ có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê. "Giờ nhìn vào hiện vật cổ, những chiếc bát gốm, sứ mình đều có thể "đọc”, biết được niên đại cũng như giá trị lịch sử của chúng” - anh chia sẻ. Như chiếc bát men cổ gốm hoa chanh được anh tìm thấy do những người đi đào trộm mộ thấy không còn nguyên vẹn nên bỏ lại. Chiếc bát gốm này có nước men rạn đặc trưng, loại men được phủ lên là loại men hoa chanh mà sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, tìm tòi, chưa một nghệ nhân làm gốm nào có thể tái hiện được loại men này. 



Chị Nguyễn Thị Thi (đứng ngoài bên trái) - người góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Hòa Bình tỏa sáng tại vùng đất Phố Hiến (Hưng Yên) đầu năm 2019.

 Những hiểu biết về giá trị văn hóa từ những hiện vật cổ đều được nghệ nhân Bùi Huy Vọng đưa vào lý giải, biện luận trong những công trình nghiên cứu của mình. Các công trình này đều có giá trị thực tiễn to lớn trong việc góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc Mường - nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống,  nền văn hóa mang giá trị cốt lõi để hình thành nên nền văn hóa nổi tiếng thế giới: văn hóa Hòa Bình. Ghi nhận sự đóng góp này, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

 2. Người thứ hai tôi muốn nói đến với sự khâm phục, ngưỡng mộ là chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Mỗi lần gặp chị tôi đều bị cuốn hút bởi sự uyên thâm, hiểu biết về giá trị văn hóa cổ của đất Mường, về những cổ vật mà nói đến nó là nói đến cả một kho tàng tri thức, những giá trị đặc trưng vốn chỉ tìm thấy ở vùng đất xứ Mường này. Với chị, tôi không chỉ ấn tượng về một phong thái làm việc chuyên nghiệp, kiên trì, tỉ mỉ, tận tâm, tận lực như một chuyên gia đích thực. Mà tôi còn nể phục chị ở suy nghĩ dám dấn thân, dám đi tới tận cùng của sự đam mê. Không phải là người Mường, cũng không sinh ra và lớn lên ở đất Mường. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học chị lại quyết định chọn xứ Mường là điểm đến. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm gắn bó với xứ Mường Hòa Bình, chị vẫn luôn khẳng định: đó là một lựa chọn, một quyết định đúng. Bởi "ở đây mình được sống với đúng niềm đam mê hoài cổ, đam mê khám phá” - chị chia sẻ.

Chẳng thế mà trong suốt hơn 20 năm công tác tại Bảo tàng Hòa Bình, chưa có một cuộc khảo cứu, một đợt đào thám sát, khai quật các di chỉ khảo cổ hay những chuyến điền dã tìm hiểu về văn hóa, đời sống đồng bào dân tộc ở Hòa Bình dù lớn hay nhỏ do Bảo tàng tỉnh tổ chức, hoặc phối hợp với các viện nghiên cứu, chuyên gia khảo cổ thực hiện lại vắng chị. Còn nhớ năm 2010, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á tổ chức đợt khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) với quy mô lớn. Trong suốt thời gian tiến hành khai quật tại di chỉ trên, chị đã làm cho các chuyên gia hàng đầu ở Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á phải ngạc nhiên, thán phục về trình độ, kiến thức, kỹ năng thực hành và sự bền bỉ, tỉ mẩn, kiên nhẫn. Chị cùng các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện ra lối mòn của người Việt cổ cư trú trong hang Trại cách ngày nay khoảng 22 nghìn năm. Phát hiện quan trọng đó đã khẳng định vùng đất Hòa Bình là một trong những cái nôi của người Việt cổ từ hàng chục nghìn năm trước. Không chỉ phát hiện ra lối mòn của người Việt cổ, chị cùng các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện, thu thập hàng nghìn mẫu vật là những dụng cụ lao động trải dài từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới đến các tầng văn hóa đan xen mang những đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Ngoài lần đó, chị còn để lại ấn tượng mạnh với chúng tôi vê niềm đam mê khám phá những hiện vật, di chỉ khảo cổ. Chẳng ai có thể nghĩ người phụ nữ mảnh mai ấy lại dám liều mình bám theo những vách đá cheo leo để leo lên ngọn núi Sáng, xã Cao Răm (Lương Sơn), xuống sâu cả chục mét hang tối để tiếp cận với bộ di cốt đười ươi hóa thạch hàng nghìn năm trước sự ái ngại, rồi khâm phục của những đồng nghiệp, nhà khảo cổ dạn dày kinh nghiệm. Phát hiện đó đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới, làm thay đổi quan điểm của giới khoa học về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Bộ di cốt đười ươi còn nguyên vẹn được phát hiện tại hang núi Sáng đã trở thành "viên kim cương" của ngành khảo cổ học Việt Nam nói riêng và ngành khảo cổ học thế giới nói chung. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, đây là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của một loài động vật quý hiếm trên thế giới. 

Không chỉ là người xông xáo trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo cổ, những năm qua, với cương vị là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chị đã góp phần đưa văn hóa dân tộc Mường, văn hóa Hòa Bình tỏa sáng tại nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây nhất, vào đầu năm 2019 chị đã đưa 400 hiện vật, di sản văn hóa dân tộc Mường về với vùng đất Phố Hiến (Hưng Yên), gồm nhiều hiện vật trong lĩnh vực kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực, lễ hội tín ngưỡng, nhiều cổ vật như trống đồng, chiêng đồng, đồ cổ mộ Mường... đến với công chúng. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh lưu giữ hơn 11.000 hiện vật, với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm như: 69 trống đồng, 95 hiện vật đồ đồng (cồng chiêng, xanh, rìu...), 977 hiện vật gốm cổ, 8.803 hiện vật đá thuộc nền văn hoá Hoà Bình... Các giá trị hiện vật đều được lưu giữ, bảo quản trong tình trạng tốt nhất và được phát huy trong đời sống. Có được điều đó không thể không kể đến công sức, đóng góp của chị trên cương vị người đứng đầu - Giám đốc Bảo tàng tỉnh.


     
 Vũ Phong

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục