(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.



          Người Dao Tiền bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẽ sáp ong thêu hoa văn lên trang phục.

Đặc sắc trang phục người "Dao đeo tiền”

Những đồng tiền bạc trắng sau gáy áo tạo nên điều riêng biệt chỉ có ở người Dao tiền hay còn gọi là "Dao đeo tiền”. Không rực rỡ, trang phục nam hay nữ người Dao đều lấy tông màu chàm đen làm chủ đạo, kết hợp với những nét hoa văn cầu kỳ và trang sức bạc trắng tạo nên sự nhã nhặn, tinh tế, huyền bí. Những nét đặc sắc được lưu giữ từ khăn, mũ, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp, vòng đeo tay, cổ… với hoa văn tinh xảo, chất liệu cầu kỳ, bắt mắt. Trang phục của người Dao tiền  được thêu hoa văn ở tà áo, lưng áo, gấu áo và cổ áo. Một bên vạt áo có đến 6-7 họa tiết ở viền, mỗi hoa văn đều rất tinh xảo, tỉ mỉ, mang ý nghĩa tượng hình về mặt trời, các vị thần trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân tộc Dao.

 Đến thăm bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), nơi đây còn giữ được những nét đặc trưng của dân tộc Dao từ ngôi nhà, cách ăn, ở, giọng nói, trang phục trước những đổi thay hiện đại. Chị Bàn Thị Lan người bản địa giới thiệu cho chúng tôi những chất liệu, hoa văn độc đáo trên từng chiếc áo, cặp váy được chị cẩn thận giữ gìn. "Theo truyền thống, con gái Dao Tiền từ thuở nhỏ đã được bà, mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho cách thêu thùa, làm trang phục truyền thống. Từ cách thêu thùa, vẽ sáp ong, mỗi nét hoa văn đều có những ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà bất cứ cô gái nào cũng phải ghi nhớ. Theo thời gian, khi đường kim mũi chỉ thành thạo cũng là lúc người con gái Dao tiền bắt đầu làm nên bộ trang phục cho mình khi đi lấy chồng” - chị Lan chia sẻ.

Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Tiền phải làm nhiều công đoạn thủ công, tỉ mỉ có khi mất vài tháng, thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ, là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai. Điểm nhấn trên trang phục là chiếc khăn đội đầu, ở phía dưới khăn được thêu một số hoa văn họa tiết hình vuông bằng chỉ ngũ sắc với những ô vuông, quả trám... Khi đội khăn, phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu hơi hướng về phía trước, khéo léo quấn hai đuôi tai khăn vắt chéo qua trán, kín gáy và gần kín hai tai tạo thành hình chữ bát. Áo, váy được làm thanh thoát, trang trí họa tiết các mảng hoa văn như hình thoi, tam giác, răng cưa... Một nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền là vẽ sáp ong trên trang phục tạo thành những họa tiết bắt mắt. Sáp ong ở rừng đem về nấu thành cao, chấm vào vải, phải đủ nhiệt độ thì họa tiết in lên vải mới đều và đẹp. Hoa văn không chỉ để trang trí mà còn thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, tình cảm của người phụ nữ, hàm chứa giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa trên trang phục người Dao quần chẹt

 Khác với trang phục Dao tiền, hoa văn trên trang phục người Dao quần chẹt đều là thêu chỉ, không vẽ bằng sáp ong, các phụ kiện, trang sức cũng cầu kỳ hơn. Đối với người Dao tiền, chiếc khăn đội đầu tập trung sự tinh tế, cầu kỳ thì người Dao quần chẹt, hoa văn trên chiếc áo, các loại trang sức đeo trên cổ, tay, hông mới là điểm nhấn cho bộ trang phục. Cũng là màu chàm đen làm chủ đạo, chiếc áo được thêu đặc biệt với rất nhiều họa tiết, hoa văn bằng những đường chỉ màu rực rỡ tượng trưng cho mặt trời, cây cỏ, hoa lá, guồng nước với mong muốn mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi. Bộ xà tích gồm 8 dây bạc, nhiều đồng bạc, xương trâu vuốt thành đoạn nhỏ như chiếc đũa, chạm trổ cầu kỳ cùng những chiếc vòng bạc đeo cổ thể hiện tính kiên trì, đồng thời thể hiện vai trò, địa vị của người mặc trong cộng đồng.

Ông Triệu Lục Liên, người già uy tín bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) cho biết: "Việc giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn được các gia đình coi trọng, đặc biệt là trang phục Dao quần chẹt không bị mai một theo thời gian. Đàn ông, nhất là bậc cao niên truyền đạt về phong tục, tập quán, lễ hội, kỹ thuận canh tác, sản xuất. Các bà, các mẹ chỉ bảo nết ăn, nếp ở, cách thêu thùa, giữ gìn trang phục truyền thống cho thế hệ con cháu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là trên trang phục có ý nghĩa quan trọng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.

 Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt nói riêng và cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh nói chung là "ngôn ngữ” thứ hai để quảng bá hình ảnh, văn hóa của dân tộc. Dù cuộc sống nhiều nơi còn nhiều khó khăn, song các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ trong từng nếp nhà, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi ngày lễ, mỗi nghi thức hay trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tiếng bạc trắng leng keng vang lên trong điệu múa cùng những gam màu sắc hài hòa tạo nên không gian văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Dao.


Hoàng Anh


Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục