(HBĐT) - Tháng Ba về, bầu trời như trong hơn, từng tia nắng vàng ngọt trải dài trên những tán lá xanh mơn mởn. Những cây gạo khẳng khiu ngủ quên bấy lâu dường như được đánh thức, bừng lên những bông hoa như những đốm lửa đỏ thắp lên rực rỡ cả một vùng trời. Hoa gạo còn có tên khác là mộc miên hay hoa pơ-lang, hoa to, cánh hoa dày, đỏ thắm, hoa chỉ nở mỗi năm một lần vào thời điểm tháng Ba, tháng Tư. Tuy giản dị, nhẹ nhàng nhưng đây lại là loài hoa gây mê đắm đến nao lòng.


Cây gạo trên đường 12B, đoạn qua địa phận xã Thu Phong (Cao Phong) nở đỏ mê đắm lòng người.

 

Đối với người miền Bắc, nhất là ở những vùng quê Bắc Bộ, hình ảnh hoa gạo thân quen, gắn liền với cuộc sống của người dân như cây đa, bến nước, sân đình. Thân thuộc đến nỗi thứ hoa giản dị, bình thường ấy đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao người con đồng bằng Bắc Bộ, để mỗi khi đi xa về, chỉ cần nhìn thấy cây gạo đầu làng đã cảm nhận được tình quê, hồn quê đã, đang hiện diện ở đó. Cái tên hoa gạo chất chứa bao nỗi niềm bình dị của những người nông dân. Hoa gạo thường nở vào tháng Ba, đúng mùa giáp hạt, lúc người nông dân xưa thường trong tình trạng thiếu thóc, gạo. Bởi vậy, cái tên hoa gạo là biểu tượng cho niềm hy vọng, ước mong một mùa vàng bội thu, lúa gạo đầy bồ, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Ở những tỉnh miền núi như Hòa Bình, cây gạo không còn nhiều, chưa kể vào mùa mưa bão hàng năm đã đốn đi khá nhiều cây gạo to, cổ thụ. Buổi sáng sớm, dọc đường 12B qua địa phận xã Thu Phong (Cao Phong) và xã Tú Sơn (Kim Bôi), giữa những đồi hoa cam, hoa bưởi trắng muốt, toả hương ngào ngạt là những bông hoa gạo nở rực rỡ. Cả cây gạo như một ngọn lửa lớn đang cháy giữa trời xuân. Dừng lại dưới gốc cây, nhặt bông hoa gạo đặt nhẹ nhàng vào lòng bàn tay, bông hoa rất đỗi giản dị, thân thương nhưng cảm giác vẫn lâng lâng khó tả. Nhiều người cũng dừng xe, lấy điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa hoa gạo, vì nếu bỏ lỡ mùa này phải chờ đến tận năm sau.

Còn gì hơn sáng sớm tháng Ba, hít thở không khí trong lành đầy mùi nắng quyện cùng mùi cỏ non nhè nhẹ, cả núi rừng trời mây thu gọn vào trong tầm mắt. Cùng ngắm những bông hoa gạo đỏ rực trên đường 12B, chị Đinh Thu Trang, thị trấn Bo (Kim Bôi) chia sẻ: Từ khi hoa gạo nở, mỗi lần đi qua đây tôi đều dừng xe ngắm hoa. Không khí sáng sớm mai trong lành khiến cho lòng người dù bộn bề đến đâu cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Cây gạo còn gợi nhớ cho tôi thời thơ ấu cùng đám bạn thân đùa vui dưới gốc cây, cùng nhặt những bông hoa rụng kết thành vương miện đội lên đầu, rồi chờ đến lúc hoa gạo tàn, quả gạo già đi tách ra có những cục bông trắng muốt bên trong, lũ trẻ lại nhặt về để làm ruột chăn, ruột gối. Giờ đa số cây gạo đã bị chặt, may còn lại vài cây ở đoạn đường này, cứ vào đầu tháng Ba, hoa gạo lại nở đỏ cả một góc trời.

Một loài hoa dân dã như chính tên gọi của nó, chỉ có sắc, không hương nhưng khiến người ta nhớ mãi. Mỗi lần ngang qua cây gạo, mọi người dường như di chuyển chậm hơn, bởi ai cũng muốn giữ riêng cho mình một khoảng trời ký ức về hoa gạo, về những miền quê thân thương, về một thời tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ cùng lũ bạn mà nay chỉ còn được nhắc đến với hai từ "kỷ niệm”.

Có lẽ khi thấy hoa gạo, nhiều người đã tiếc nuối vì lại một mùa xuân nữa đã thật sự đi qua, nhưng nhiều người lại cho rằng, vạn vật thay đổi theo thời gian, xuân qua đi rồi hạ đến sẽ mang tia nắng ấm cùng những bông hoa gạo sưởi ấm nhân gian. 

 

Khánh Linh


Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục