Bức tường gạch cổ và cổng phụ ở chùa Kim Liên (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa mới bị nhà chùa tự ý đập đi xây mới. Tam quan chạm trổ tinh xảo và bức tường gạch cổ chính là những hạng mục được khách du lịch ưa thích nhất khi đến danh thắng nổi tiếng này.


Bức tường trước cổng chùa Kim Liên (Hà Nội) trước khi đập đi xây mới. (Ảnh ANH SƠN)

Di tích bị xâm hại, nhưng khi Ban Quản lý Di tích, danh thắng thành phố Hà Nội kiểm tra thì chính quyền địa phương mới nắm được thông tin, một thực tế cho thấy công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng.

Việc "làm mới” các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục diễn ra trong thời gian qua. Mỗi lần sai phạm, dư luận đều lên án gay gắt. Song, dư âm của sai phạm cũ chưa dứt, lại phát sinh sai phạm mới.

"Làm mới” di tích

Có mặt tại chùa Kim Liên những ngày này, không ai không ngạc nhiên khi thấy bức tường mới toanh, có hẳn mái ngói, diềm mái được trang trí rất "đỏm dáng”. Cùng với bức tường, chiếc cổng phụ mộc mạc cũng được thay bằng chiếc cổng gỗ mới, khiến nhiều người hết sức xót xa. Bởi bức tường này gắn liền với tam quan chùa chính là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất khi đến chiêm bái chùa Kim Liên.

Tam quan chùa Kim Liên là một khối ba chiếc cổng với bộ mái đồ sộ, với những đầu đao cong vút, hệ đỡ mái bằng gỗ chạm trổ tinh xảo, là một trong những tam quan đẹp nhất nước ta. Bức tường gạch cổ để mộc, loại gạch vồ tương tự như tường Văn Miếu-Quốc Tử Giám được xây liền với tam quan, tạo nên một tổng thể hài hòa.

Theo lý giải của sư Thích Đàm Thủy, trụ trì chùa Kim Liên, do bức tường cũ xuống cấp, sợ đổ, cho nên nhà chùa thuê thợ phá đi xây lại. Thế nhưng, việc bức tường xuống cấp đến đâu thì chưa có sự kiểm định của cơ quan chức năng.

Trưởng Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: "Chùa Kim Liên là ngôi chùa nổi tiếng, được ví là "bông sen vàng” bên hồ Tây. Chùa là một trong những di tích đầu tiên được công nhận là Di tích quốc gia của nước ta, vào năm 1962. Do vậy, sự việc xảy ra là hết sức đáng tiếc. Ngành văn hóa đang phối hợp các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu để khắc phục sai phạm”.

Sai phạm tại chùa Kim Liên là một trong những vụ việc "sai phạm nối tiếp sai phạm” xảy ra tại các di tích trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, chủ yếu nhất là các sai phạm: Tự ý đập bỏ, sửa chữa các hạng mục; tự ý thay đổi, xây mới các hạng mục sai so với cấp phép tu bổ; hoặc xin tu sửa cấp thiết, nhưng lại biến thành tu bổ rầm rộ...


Công trình hoành tráng mang tên Tháp Quan âm tại chùa Đậu được nhà chùa tự ý xây dựng.

Nếu như trước đây, di tích bị xâm hại bởi tự nhiên, thì bây giờ lại chủ yếu do nhân tố con người. Điển hình như vụ việc Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra tháng 3/2022. Di tích được cấp phép tu sửa cấp thiết một số hạng mục, nhưng khi triển khai, Ban Quản lý di tích đã tự ý phá dỡ cổng phụ cũ, xây cổng mới; cậy móng lan-can để gia cố bằng bê-tông, cốt thép; chặt cây đa không xin phép... Tại chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) cách đây hơn một năm, nhà chùa tự ý làm thêm hàng loạt hạng mục như: Tháp Quan âm, Bảo tháp mạn đà la, Thủy đình di lặc.

Ba kiến trúc nổi này được kết nối bằng một cây cầu bê- tông với hai điểm tiếp giáp tới khu vực được gọi là vườn thiền, cũng là công trình mới. Trước đó, năm 2019, chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), một trong những ngôi chùa nổi tiếng bị đập cổng phụ và một số hạng mục khác chỉ vì nhà chùa... muốn xây to hơn, đồng thời, nhà chùa cho lát sân, lắp đèn khiến sân chùa như sân... công viên.

Tăng cường trách nhiệm của cơ sở

Hà Nội hiện có 5.922 di tích các loại. Do số lượng di tích quá lớn, Ủy ban nhân dân thành phố đã phân cấp quản lý. Thành phố chỉ trực tiếp quản lý một số di tích quan trọng như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn... Còn lại phân cấp cho các quận, huyện. Các quận, huyện lại phân cấp quản lý xuống cấp xã, phường.

Hiện nay, hầu hết các di tích được công nhận đều đã có ban quản lý di tích, với thành phần gồm chính quyền, đoàn thể địa phương và đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Mặc dù vậy, chính sự lỏng lẻo ở cơ sở là nguyên nhân dẫn đến di tích liên tục bị xâm hại, phá hoại ở các mức độ khác nhau. Điển hình như sự việc ở chùa Kim Liên, công trường xây dựng diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật” trong nhiều ngày, nhưng chính quyền phường Quảng An hoàn toàn không nắm được. Khi Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội nhận được thông tin và xuống kiểm tra thì "sự đã rồi”.

Tương tự là các vụ việc ở chùa Đậu, chùa Bối Khê, chùa Trăm Gian... Để tăng cường nhận thức về di sản, hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phòng Văn hóa-Thông tin các quận, huyện đều mời ban quản lý các di tích, sư trụ trì chùa tham gia các buổi tập huấn về di sản với hàng chục cuộc khác nhau, vì thế rất khó giải thích những sai phạm trong tu bổ là do "thiếu nhận thức”.

Một trong những lý do "tế nhị” khiến các ban quản lý di tích, sư trụ trì các chùa thường đặt việc "làm mới” di tích vào tình thế "sự đã rồi” là bởi công tác khắc phục hậu quả. Dù sai phạm, nhưng ít khi công trình bị tháo dỡ mà thông thường được "chỉnh sửa cho tồn tại”. Đó là trường hợp công trình đồ sộ mang tên Hương Nghiêm Pháp đường được xây mới ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức); gác chuông, nhà tổ ở chùa Trăm Gian hay cổng phụ và một số hạng mục khác ở chùa Bối Khê... Những công trình tại chùa Đậu, dù sai phạm rất rõ ràng, nhưng cũng chưa bị tháo dỡ.

Với số lượng di tích lớn, việc phân cấp quản lý kết hợp nâng cao nhận thức của cộng đồng mà thành phố Hà Nội đã triển khai là giải pháp phù hợp. Song, để quản lý di tích tốt hơn, cần nâng cao trách nhiệm của cơ sở.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm "Đình làng Việt”-một diễn đàn nổi tiếng về bảo tồn di sản chia sẻ: "Theo tôi, mấu chốt của những sai phạm là cán bộ quản lý. Đầu tiên, cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp quản lý di sản "có vấn đề” như buông lỏng quản lý, trình độ nghiệp vụ yếu kém. Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ quản lý tiếp tay hoặc trực tiếp làm hỏng di sản. Khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy rất rõ, ở đâu cán bộ tốt thì ở đó di sản được giữ gìn tốt và ngược lại”.

Mặt khác, trong việc xử lý sai phạm tại chùa Bối Khê năm 2019, bên cạnh đề xuất các giải pháp xử lý, Đoàn Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một đề xuất đáng chú ý, đó là: Đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hà Nội có văn bản chỉ đạo các sư trụ trì tuân thủ nghiêm túc Luật Di sản văn hóa trong việc tu bổ, tôn tạo các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp và trong danh mục kiểm kê.

Từ đề xuất này, nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện số lượng chùa chiền chiếm phần lớn trong tổng số di tích ở nước ta, nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với ngành văn hóa ở cấp tương đương, để bảo đảm các di tích được gìn giữ, phát huy giá trị.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục