(HBĐT) - Những nét văn hóa truyền thống độc đáo, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đã tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với du khách khi đến với mảnh đất vùng cao Đà Bắc...



Du khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc). 

Những năm qua, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi được huyện Đà Bắc chú trọng. Đây là loại hình du lịch phù hợp với một huyện vùng cao, bởi nơi đây có nhiều xóm, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn lưu giữ được cảnh sắc hoang sơ và nét văn hóa đặc trưng. Trong đó đã có những bản du lịch cộng đồng khẳng định được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Điển hình như xóm Sưng, bản sinh sống của đồng bào Dao Tiền tại xã Cao Sơn; hay các bản làng của bà con dân tộc Mường sinh sống ở vùng lòng hồ Hòa Bình thơ mộng, như: xóm Ké (xã Hiền Lương), Mó Hém và Đá Bia (xã Tiền Phong).

Xóm Sưng có lịch sử hơn 500 năm, là nơi sinh sống của hơn 70 hộ đồng bào Dao Tiền. Với cảnh sắc hoang sơ, xóm Sưng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Nơi đây, bà con vẫn giữ được nếp nhà truyền thống, duy trì nghề dệt thổ cẩm và khôi phục văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Theo chị Lý Thị Nhất, xóm Sưng cho biết, trước đây bà con chủ yếu sản xuất mang tính tự cung tự cấp, quần áo do chị em dệt, may thủ công. Sau này, khi đời sống phát triển, sự giao lưu với bên ngoài nhiều hơn, nhiều người trẻ chuyển sang mặc quần áo may sẵn. Do đó, có thời điểm nghề dệt thổ cẩm truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng, từ khi phát triển du lịch cộng đồng, bà con đã khôi phục nghề dệt truyền thống. Đến nay, xóm có tổ sản xuất thổ cẩm với 12 thành viên có thu nhập ổn định.

Đến xóm Sưng tham gia cùng bà con nhuộm vải, dệt thổ cẩm là trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, từ khi phát triển du lịch, người dân đã khôi phục nhiều nghề truyền thống cũng như các bài thuốc quý. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xóm Sưng đã phục hồi và phát triển du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm độc đáo hơn. Một trong số đó là dịch vụ tắm dược liệu. Ông Lý Văn Minh, chủ một cơ sở tắm dược liệu chia sẻ: Từ xa xưa, người Dao đã sở hữu nhiều bài thuốc nam quý, trong đó có bài thuốc tắm có tác dụng chữa bệnh, như bài thuốc tắm chữa các bệnh về xương khớp, mỏi chân tay. Việc khôi phục lại các bài thuốc tắm này không chỉ giúp bà con gìn giữ, bảo tồn mà còn tạo ra sản phẩm du lịch để níu chân du khách.

Cùng với duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm thuốc nam, bà con xóm Sưng còn khôi phục được nghề làm giấy dó. Có thể thấy, nhờ những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ được mà xóm đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách. Khi du lịch phát triển cũng tạo động lực để người dân tiếp tục bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân nơi đây.
Ngoài xóm Sưng, các xóm du lịch cộng đồng khác trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Trong đó, việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn. Hiện nay, huyện tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cảnh quan, môi trường, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.  

Viết Đào

Các tin khác


Khai mạc lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang

Tối 2/6, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Thống nhất các danh mục sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023

(HBĐT) - Ngày 2/6, Ban tổ chức các sự kiện Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tổ chức họp bàn, thông qua chương trình tổng thể các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chủ trì hội nghị.

Nhà văn Trần Đức Tiến được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn 2023

Ngày 31/5, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng

Nếu tính từ triển lãm cá nhân đầu tiên Hiện thực và ảo tưởng (gallery Tràng An, Hà Nội, 1997) đến nay, Thiên khải là cột mốc sâu sắc và kỳ công bậc nhất của Đinh Quân (1964, Hải Phòng). Triển lãm đang diễn ra tại An Gallery (159 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), bày hơn 40 tranh sơn mài trừu tượng, trong đó có nhiều bức khổ lớn.

Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo

Xung quanh câu chuyện "trùng tu, tôn tạo di tích” thời gian qua đã xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Với những di tích được trùng tu bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, các nhà tài trợ đều như muốn thể hiện cái "Tôi” của mình to đùng, ngất ngưởng. Họ muốn theo kiểu: "ai bỏ tiền người đấy có quyền có tiếng nói.”

Xã Ngọc Sơn sôi nổi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) cho biết: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở địa phương đã gắn kết được nhiều cuộc vận động, phát huy vai trò chỉ đạo, tổ chức hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tính tự quản của người dân trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục