Trong nhịp sống hiện đại, người Mường ở Hòa Bình vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt là ở vùng Mường Vang (Lạc Sơn) được biết đến như xứ sở của những câu hát dân ca mang cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng.



Các nghệ nhân, diễn viên xã Thượng Cốc thi hát dân ca Mường trong Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số huyện Lạc Sơn năm 2023.

Ông Bùi Văn Chung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Mường Bai Chin, xã Định Cư tự hào: Đối với chúng tôi, tình yêu với hát dân ca Mường đã thấm sâu, hòa quyện cùng tình yêu quê hương, xứ sở. Ngày càng có nhiều thành viên, những người có cùng sở thích, đam mê với câu hát dân ca gia nhập CLB. Chúng tôi không chỉ hát cho nhau nghe mà còn đi giao lưu, biểu diễn đem lời ca, tiếng hát đến với mọi người. Tình yêu dân ca cũng góp phần truyền lửa, lan tỏa đến cộng đồng, thu hút một số bạn lứa tuổi vị thành niên tham gia hoạt động trong CLB.

"Hát tiếng Mường Mường Khụ” cũng là một trong những CLB có hoạt động bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca Mường, thường rang, bộ mẹng nổi bật. Ban đầu thành lập, CLB có 22 hội viên nhưng đến nay đã quy tụ trên 30 nghệ nhân tài năng và những người yêu mến dân ca Mường ở địa bàn 3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do tham gia. Người trẻ tuổi nhất hiện nay sinh năm 1983, nhiều tuổi nhất sinh năm 1954. Theo ông Bùi Văn Hành, Chủ nhiệm CLB, hàng tháng, CLB sinh hoạt theo định kỳ, đã tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu với các CLB ở trong và ngoài huyện cũng như các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình. Cùng với việc truyền dạy cho lớp trẻ về hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng, CLB xây dựng kênh youtube Hát tiếng Mường Hòa Bình với 14,5 nghìn người đăng ký theo dõi, khoảng 8 triệu lượt xem.

Ở vùng Mường Vang có nhiều giọng hát ngọt ngào, chạm đến trái tim người nghe. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Quách Thị Lon (SN 1978), xóm Khanh, xã Ân Nghĩa. Chị Lon bộc bạch: "Câu hát đã theo tôi suốt thời thơ ấu cùng lời ru ấm áp của mẹ, của bà. Lớn hơn một chút, tôi được theo các chị trong xóm đi hát đưa chân các anh bộ đội lên đường nhập ngũ. Vào ngày hội xuân, đám cưới ở làng trên, xóm dưới, tôi thường tham gia góp vui. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tôi cũng luôn có mặt”. Theo năm tháng, cùng với sự trau dồi, học hỏi thêm về kỹ thuật, giọng hát của nghệ nhân Lon ngày càng đẹp, mang tố chất riêng và đạt đến nghệ thuật cao. Hiện nay, chị đã lập kênh youtube riêng để truyền tải tình yêu đối với dân ca Mường. Đồng thời, thực hành truyền dạy hát dân ca Mường cho những người yêu thích và thế hệ trẻ.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn động viên, khuyến khích, đồng thời tạo điều kiện về môi trường thực hành để dân ca, thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường được lưu giữ và phát triển. Trong các đám cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, nhiều gia đình mời nghệ nhân hát Mường về hát vui, hát chúc tụng và hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng cho cả nhà, họ hàng và hàng xóm cùng nghe. Vào ngày Tết, một số xóm, bản tổ chức diễn xướng dân ca Mường, xéc bùa chúc Tết và hát các bài dân ca Mường có tính ngợi ca, chúc tụng gia chủ. Các hoạt động lễ hội đình Khói - xã Ân Nghĩa, đình Cổi - xã Vũ Bình hay đình Khênh - xã Văn Sơn... không thể thiếu vắng chương trình biểu diễn, giao lưu hát dân ca, góp phần thu hút nhân dân và du khách đến với ngày hội.

Hát dân ca Mường, thường rang, bộ mẹng còn được chú trọng đưa vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, chương trình hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng... Đặc biệt, trong năm 2023, huyện Lạc Sơn đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số với sự tham gia của trên 500 nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn, mục đích nhằm sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có dân ca Mường. Liên hoan đã thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhằm giữ gìn, lan tỏa hơn nữa các làn điệu dân ca trong đời sống cộng đồng dân cư, bên cạnh việc phối hợp với nghệ nhân mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể hát thường rang, bộ mẹng, huyện Lạc Sơn quan tâm đưa dân ca vào các nhà trường để duy trì, tiếp nối. Hiện nay, nhiều trường học ở vùng Cộng Hòa, Quyết Thắng đã thành lập các đội, nhóm văn nghệ có cùng tình yêu với dân ca Mường, tổ chức được nhiều chương trình, hoạt động phổ biến, giáo dục, phát huy niềm tự hào hát dân ca Mường trong thanh, thiếu niên, học sinh.


Bùi Minh

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục