Về lý thuyết có thể sửa được hình ảnh bộ phim đã quay nhưng tốn kém rất nhiều so với bỏ đi, quay lại. Liệu có nên trình chiếu trong đợt kỷ niệm ngàn năm Thăng Long bộ phim lịch sử mang đậm nét văn hóa nước ngoài từ cảnh quan, kiến trúc, sinh hoạt, trang phục diễn viên?

Theo thông tin từ Hội đồng Duyệt phim quốc gia lịch phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long của Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất sẽ tạm thời  bị hoãn lại. Lý do hoãn phát sóng do 19 tập phim của bộ phim này mang đậm yếu tố Trung Hoa. Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa này và chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu.

Hoành tráng không phải Việt Nam!

Đây không phải là lần đầu tiên bộ phim này bị dư luận phản đối. Ngay từ khi dự án phim này công bố và chuẩn bị quay, dư luận đã rất lo ngại cảnh phim lịch sử Việt Nam mà lai Trung Hoa. Bởi nhà sản xuất đã quá chú trọng việc thuê êkíp Trung Quốc sản xuất, từ đạo diễn, hóa trang, phục trang, trường quay… và cả diễn viên quần chúng.

Cách đây hai tháng, khi đoạn quảng cáo phim và một số hình ảnh phim được tung lên mạng để quảng bá trước cho phim thì đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi rằng quá giống phim dã sử Trung Hoa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận xét khung cảnh trong phim hoàn toàn Trung Hoa. Trong đoạn giới thiệu có rất nhiều chi tiết tạo sự phản cảm, đó là: Cung điện trong phim chồng chất lên nhau, kiến trúc Việt Nam thời kỳ đó không thể có cung điện nguy nga, tráng lệ như vậy. Ngay cả đến thời Nguyễn, cung điện cũng không tầng lớp nhiều như vậy.
 
Bối cảnh phim được thuê ở Hoành Điếm (Trung Quốc) nên màu sắc Trung Hoa nhuốm toàn bộ phim.
Bối cảnh phim được thuê ở Hoành Điếm (Trung Quốc) nên màu sắc Trung Hoa nhuốm toàn bộ phim.
 
“Ngay đến thời Gia Long, trong những ảnh của người Pháp chụp, Việt Nam nhiều nơi vẫn còn đóng khố, vậy làm sao 1.000 năm trước đó có giáp sĩ, có giáp sắt? Đặc thù của Trung Hoa là thảo nguyên mênh mông nên mới có cảnh hàng ngàn con ngựa và phát triển kỵ binh, Việt Nam không thể có cảnh đó” - ông Xuân nói. Thật vậy, thế mạnh dân tộc Việt Nam là địa hình sông nước. Truyền thuyết Thăng Long cũng gắn liền với sông nước.

Bên cạnh đó, những hình ảnh: quan búi tóc trên chóp đầu, phụ nữ xõa tóc hai bên… là rặt Trung Hoa.

Sửa tốn hơn quay lại!

Ý kiến của Hội đồng Duyệt phim quốc gia với bộ phim rằng phải sửa chữa bằng cách bỏ bớt những cảnh đậm chất Trung Hoa đặt ra một vấn đề kỹ thuật là làm thể nào lược bỏ trong khi yếu tố Trung Hoa thể hiện trong cảnh quan, trang phục diễn viên. Trao đổi với đạo diễn - NSƯT Lê Dân, chúng tôi được biết về mặt kỹ thuật làm phim, để sửa một cảnh phim đã không đơn giản, huống gì hầu như cảnh nào trong phim cũng nhuốm màu Trung Hoa.

“Phim quay xong có thể sửa được bằng hai cách. Một là bỏ cảnh đó, quay lại; hai là sửa trực tiếp bằng kỹ xảo trên phim đã dựng như vẽ lại quần áo… Tuy nhiên, phương án hai tốn kém hơn phương án một rất nhiều” - đạo diễn Lê Dân cho biết.

Theo đạo diễn Lê Dân, dựng phim lịch sử yếu tố quan trọng nhất là tôn trọng môi trường sống, phục trang, nếp ăn ở… của thời điểm lịch sử đó. Và một bộ phim lịch sử điều tiên quyết là phải có chuyên gia cố vấn lịch sử, người nghiên cứu về phục trang, đạo cụ…

Với bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chịu trách nhiệm là chuyên gia cố vấn về bối cảnh đạo cụ và văn hóa của phim. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ trên một số báo rằng phim tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn. Ngay cả hoa văn và trang sức nếu sáng tác đúng lịch sử Việt Nam thì phải chi nhiều tiền nên nếu không có tiền thì hiển nhiên hoa văn Trung Quốc sẽ thay thế hoa văn Việt.

Không nên chiếu

Thiết nghĩ một bộ phim lịch sử Việt Nam để công chiếu trong dịp đại lễ ngàn năm của dân tộc thì không thể có cảnh văn hóa ngoại lai. Có thể không làm, có thể không chiếu chứ không thể vì lý do ít tiền mà du di một sản phẩm văn hóa lai căng.

Ông Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh: “Không nên chiếu phim này trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nếu một đất nước lệ thuộc về chính trị còn có thể lấy lại nhưng lệ thuộc về văn hóa thì ngàn đời mất nước và trở thành chư hầu”.
 
                                                                                                    Theo Vnn

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục