Trần Nhật Minh

Trần Nhật Minh

Có thể làm âm nhạc hàn lâm trở nên quen thuộc với người Việt Nam? Chàng trai trẻ Trần Nhật Minh - người chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng - đang tìm cách trả lời câu hỏi đó

 
Trong những buổi hòa nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO), thỉnh thoảng khán giả bắt gặp người chỉ huy dàn nhạc thuộc hàng trẻ của Việt Nam, đó là Trần Nhật Minh, tốt nghiệp Khoa Chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). 30 tuổi, Trần Nhật Minh là một trong ba người chỉ huy dàn nhạc trẻ tuổi nhất của Việt Nam.

Cần mẫn trong khát khao
 
Công việc của anh trên sân khấu biểu diễn nhạc hàn lâm mà mọi người biết đến như một tấm gương phản chiếu trọn vẹn bản chất của một nhạc trưởng trẻ tuổi: Sự năng động, hiện đại, cần mẫn và tâm huyết.
Trần Nhật Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp
 
Nhạc hàn lâm với công chúng Việt vẫn còn xa lạ. Nhiều người vẫn lo nghĩ rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến niềm đam mê của những người đang theo đuổi nhạc hàn lâm như Minh, nhất là đối với công việc chỉ huy, chỉ hoạt động được trong những buổi hòa nhạc, mà những buổi hòa nhạc ở Việt Nam thì diễn ra không nhiều. 
 
Nhưng Minh bảo: “Có lẽ vì tất cả những điều đó mà nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho nhạc hàn lâm bớt xa lạ, tạo ra thói quen thưởng thức âm nhạc hàn lâm cho khán giả. Hình thức kết hợp các thể loại khác với dàn nhạc giao hưởng cũng là một cách làm của các đạo diễn chương trình. Điều đó giúp cho khán giả quen thuộc hơn với hình ảnh dàn nhạc và cũng là động lực để nghệ sĩ hàn lâm tìm tòi cái mới”.

Nhạc hàn lâm luôn có vị trí cao nhất trong các loại hình giải trí dành cho khán giả và luôn được nhìn nhận một cách trân trọng. Trần Nhật Minh tin rằng sự lạc quan và niềm tin đó sẽ giúp anh và đồng nghiệp của mình chiến thắng.

Không ít lần, chính anh cũng đã nhận được những thắc mắc rằng nên sử dụng chiếc đũa chỉ huy của mình ở nơi mà nhạc hàn lâm có đất diễn hơn là trở về quê nhà như anh đã làm. Nhưng anh chỉ cười và bảo: “Nói chung, làm việc ở đâu cũng đầy thách thức, nhưng ở đây thì tôi có gia đình và bạn bè. Điều đó rất quan trọng  đối với tôi”. Vì vậy, anh đã trở về.
 
“Tôi nghĩ thực tế đang cho ta thấy điều ngược lại với lo lắng của nhiều người rằng ở Việt Nam, tôi không có đất dụng võ. Tôi và bạn bè đồng nghiệp vẫn đang có nhiều việc chuyên môn để làm, để sáng tạo… Số lần chúng tôi được lên sân khấu biểu diễn ngày càng nhiều hơn. Như vậy là TPHCM cũng có một số lượng khán giả nhất định biết thưởng thức và ủng hộ âm nhạc mà chúng tôi mang tới”.

Đã từng nghe và chứng kiến vài thể nghiệm mới mẻ của anh ở sân khấu HBSO, điều không thể phủ nhận là Nhật Minh đang nỗ lực rất nhiều cho công việc mà anh theo đuổi. Với những kinh nghiệm có được từ thực tế làm nghề tại quê nhà nhiều năm qua, Nhật Minh đã có cái nhìn rõ hơn và cũng bước đầu tìm thấy những hướng giải quyết khả thi hơn cho mối bận tâm của mình.
 
Anh đã cùng những đồng nghiệp trẻ tại HBSO: Duy Linh, Việt Anh, Phúc Hải, Phúc Hùng, Anh Sơn, Hồng Châu, Ngọc Tuyền... đưa ra những sáng tạo, thử nghiệm mang tính “làm việc theo nhóm”. Có thể đó chỉ là những sáng tạo nhỏ, ngắn, giản dị và không thường xuyên nhưng sẽ gần hơn với đời sống của người trẻ nói riêng và công chúng thưởng ngoạn nói chung.
 
Vở múa Chuyển - kỷ niệm 16 năm thành lập HBSO diễn hồi tháng 9-2010 mà Nhật Minh cùng Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng (biên đạo múa), Nguyễn Mạnh Duy Linh (nhạc sĩ) và các cộng sự khác cùng tham gia - là sự sáng tạo đáng được ghi nhận.
 
Với vở múa này, họ đã đem đến cho khán giả những tác phẩm “đời” hơn, được xây dựng trên nền nhạc và vũ đạo hiện đại, dễ cảm hơn. Hay thời gian gần đây là những buổi diễn định kỳ vào ngày 9 và 19 của nhà hát, cái tên Nhật Minh càng trở nên đậm nét với khán giả. Nói về điều này, anh bảo: “Có lẽ điều tôi gặt hái được là sự ủng hộ của đồng nghiệp và khán giả. Nhưng tất cả những thể nghiệm đó đều là những tiết mục nhỏ và thiếu đồng bộ.
 
Trong tương lai, âm nhạc hàn lâm sẽ phải hấp dẫn khán giả bằng hình ảnh, không gian, dù sân khấu hàn lâm lâu nay vốn khá cứng nhắc. Chúng tôi muốn bắt đầu bằng những tác phẩm dễ nghe, quen thuộc, kết hợp với những cách làm mới để làm hướng phát triển của mình”.

Giỏi toán, theo nhạc

Được nuôi dưỡng trong một gia đình yêu âm nhạc, mặc dù không phải là người trong nghề, nhưng cha mẹ anh, đặc biệt là mẹ anh rất thích âm nhạc và hay hát. “Gu” âm nhạc của mẹ anh là nhạc cổ điển hoặc những bài dân ca trữ tình của Nga... Và điều đó đã thẩm thấu vào tâm hồn anh trở thành sở thích của anh. Khi lên 6 tuổi, anh đã tiếp cận và được học đàn piano một cách chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Thanh Thảo.
 
Mọi người bảo anh có khiếu với âm nhạc và ngạc nhiên hơn là anh học cực kỳ giỏi các môn tự nhiên. Đó là lý do anh có ý định thi vào Trường Đại học Lomonosov (Nga). Thế nhưng, như một định mệnh, mọi người, trong đó có GS - TS âm nhạc Bùi Công Thành và thầy Trần Duy Cương (Trưởng Bộ môn Ký xướng âm của Nhạc viện TPHCM) động viên khuyến khích anh sang Nga theo học ngành âm nhạc tại Nhạc viện Manitagorsk.
 
“Mới đầu còn bỡ ngỡ với điều kiện sống mới, ngành học mới nhưng sau này, khi đã hiểu và yêu rồi thì tôi thấy bộ môn nghệ thuật này chính là cái nghiệp của tôi, không thể bỏ được” - anh chia sẻ.

Phải yêu nghề lắm anh mới vượt qua những khó khăn của ngành học chỉ huy, bởi đây là một môn học khó, ít người chọn lựa. “Lúc nào cũng thấy khó” - anh nhớ lại. Nhưng bù lại, khi thật sự yêu cái mình đang theo đuổi, cái khó đôi khi lại là một niềm vui mà như anh nói vui: “Cũng rất thú vị, nhất là cảm giác mình nói gì ai cũng phải nghe, làm gì ai cũng phải theo, dù là chỉ vài phút trên sân khấu!”.
 
Nói về những gì đã đạt được, Trần Nhật Minh bảo: “Đối với những nghệ sĩ, nhất là hoạt động trong lĩnh vực nhạc hàn lâm, con đường đi đến thành công thường khó khăn và dài. Con đường của tôi mới chỉ bắt đầu thôi. Chưa thể nói được gì trong tương lai nhưng hiện tại thì tôi hạnh phúc và khá bận rộn với công việc này. Cảm giác như mình được đặt đúng chỗ, được làm những công việc sở trường và tôi chưa có dự định thay đổi”.

Khát khao chiến thắng

Năm 2003, Nhật Minh giành được giải nhì tại cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho những chỉ huy hợp xướng trẻ tổ chức tại Vladivostok (có 6 nước tham dự).
 
Tháng 11-2006, Nhật Minh lại giành giải thưởng tại cuộc thi chỉ huy dàn hợp xướng hàn lâm toàn Liên bang Nga lần thứ 4 (tổ chức 5 năm/lần).  Đây là cuộc thi dành cho những người chỉ huy chuyên nghiệp, Minh là người nước ngoài duy nhất trong 22 thí sinh tham dự.
 
“Để có được những thành tích như vậy, ngoài năng khiếu và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi  còn có may mắn được chính NSND Boris Tevlin - GS danh tiếng của ngành chỉ huy hợp xướng âm nhạc hàn lâm Nhạc viện Tchaikovsky,  kèm cặp hướng dẫn”- Nhật Minh nói.

Nhật Minh đang dự tính thử sức ở một vài cuộc thi quốc tế, bởi với anh, những cuộc thi luôn là những bài học vô giá cho công việc của anh hiện tại.

 

                                                                                     Theo NLĐ

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục