Không có gì đáng chê trách cả khi người cầm bút quan tâm đến vấn đề thời thượng và cũng là con người nên thực dụng là dễ hiểu. Nguyễn Đình Tú nổi tiếng không phải nhờ Bên dòng Sầu Diện mà là do Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Nháp và Kín. Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy là con đom đóm bên ngọn đèn Sát thủ online…

Các tác phẩm về người lính của Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai…sức lan tỏa cũng không mấy trong sự xô bồ của xã hội. Phải chăng, chuyện về lính tráng không còn mấy hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc, đề tài ấy đã cũ xưa rồi? Hay nhiều nhà xuất bản không mặn mà với các tác phẩm viết về người lính?

Trong mấy năm gần đây, phần lớn những tác phẩm viết về người lính là do một số nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ làm ra. Có thể kể ra đây những tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Đường đen nước đỏ của Đỗ Viết Nghiệm…, các trường ca Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu, Hà Nội trong tôi của Vương Trọng, Metro của Thanh Thảo, Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái…

 Những tác phẩm viết về chiến tranh như thế này ngày càng hiếm.

Những tiểu thuyết và trường ca vừa kể trên (chưa đầy đủ) đều viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và một số giành được các giải thưởng văn học. Vốn sống một thời đánh giặc, sự từng trải có từ chiến tranh sang hòa bình, độ lùi về thời gian, không khí sáng tác văn học dần dà được cởi mở là những yếu tố quan trọng giúp các nhà văn xây dựng tác phẩm của mình.

Tuy vậy, sẽ thiếu công bằng nếu như không điểm danh một số cây bút trong quân đội xuất hiện sau năm 1975 đã có một số tác phẩm viết về người lính khá xúc động như Sương Nguyệt Minh, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Mai Nam Thắng, Nguyễn Anh Nông… và trẻ hơn là Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai…

Điều tôi quan tâm nhất là hiện nay, những người viết văn trẻ đã thành danh hay chưa thành danh đang khoác quân phục mặn mà bao nhiêu với đề tài người lính. Có thể nói, tuy không hùng hậu như đội ngũ nhà văn chiến sĩ thời chống Mỹ nhưng hiện tại trong Quân đội đang sở hữu một số nhà văn trẻ vẫn hay được nhắc tên đến như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Hồ Kiên Giang… Họ đang ở trong thời kỳ sáng tác văn học sung sức nhất mà bằng chứng là những giải thưởng gặt hái được đó đây. Đỗ Bích Thúy nổi tiếng từ khi chưa là người của Nhà số 4 với chùm truyện ngắn viết về cuộc sống của người dân cực Bắc Tổ quốc được giải Nhất vào phút thứ 89 cuộc thi Văn nghệ quân đội. Nguyễn Đình Tú đang hot với một loạt tiểu thuyết dày dặn nối nhau ra đời trong mấy năm gần đây như Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Nháp, Kín. Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa từng được trao giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ. Sát thủ Online của Nguyễn Xuân Thủy được giải cao nhất cuộc thi tiểu thuyết Vì bình yên cuộc sống 2007-2009 của ngành Công an. Trước đó thì Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Quỳnh Vân, Phùng Văn Khai, Bùi Như Lan, Nguyễn Phú, Hồ Kiên Giang, Đoàn Văn Mật… đều được giải thưởng của Văn nghệ Quân đội và một số cuộc thi khác.

Nói về mặt chất lượng lớp nhà văn cấp úy này so với bên ngoài chắc cũng chẳng thua chị kém em nhưng nhìn lại trong mấy năm qua, chẳng có mấy tác phẩm viết về người lính của họ ra đời và những tác phẩm khá càng hiếm hoi hơn. Phải ghi nhận tiểu thuyết Bên dòng Sầu Diện; tập truyện ký Chuyện lính của Nguyễn Đình Tú, tiểu thuyết Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy, bút ký Lẽ sống của Phùng Văn Khai, Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy… là sự cố gắng trong khai thác đề tài người lính hôm qua và hôm nay. Tuy nhiên, muốn hay không, bạn đọc, nhất là bộ đội vẫn mong Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa (những trạng nguyên văn chương)… và nhiều nhà văn mang áo lính khác viết về họ một cách sinh động, giàu cảm xúc. Có phải hiện thời Nguyễn Đình Tú đang rất máu với mảng hình sự và con người trẻ trong một xã hội mà đạo đức đang xuống cấp; Đỗ Bích Thúy và Phạm Duy Nghĩa thì chưa có tác phẩm nào đáng kể nói về người lính? Nhiều người cầm bút chưa thành danh thì lại rụt rè với đề tài người lính hoặc có xu hướng tìm tới những vấn đề thời thượng.

Thời thượng phải là đâm chém giết hiếp cơ, phải là sặc mùi giang hồ và đực cái mới mê dụ được người đọc… Có không chuyện nhiều nhà xuất bản hào hứng in những tác phẩm thời thượng dù phải bỏ ra khoản tiền nhuận bút cao chót vót trả cho nhà văn?

Tôi nghĩ, chắc không hoàn toàn như thế. Mấy tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từ Hồ Quý Ly đến Mẫu thượng ngàn và gần nhất là Đội gạo lên chùa có thời thượng đâu mà vẫn rất hấp dẫn và tái bản, nối bản nhiều lần. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh in lâu rồi nhưng đọc lại vẫn không chán. Giá trị lâu dài của những tác phẩm đó nằm trong tầng sâu của con chữ, với những giải mã sâu sắc và bi lãng về dân tộc và con người, về quá khứ và hiện tại trong bấy nhiêu khám phá mới mẻ đậm tính nhân văn bao la.

Cần lắm những tài năng trẻ tâm huyết đề tài người lính, dù đang thời bình nhưng họ vẫn phải chịu đựng nhiều gian nan vất vả, thiệt thòi, hy sinh nhất. Tôi nhớ, một nhà văn đàn anh phát biểu trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất vừa qua, đại ý: chúng ta nên viết về những gì ta thuộc nhất. Đúng lắm. Nhưng với nhà văn quân đội thì việc viết về người lính, theo tôi đó là trách nhiệm và tình cảm. Sáng tác về người lính là một phần nhiệm vụ của mỗi nhà văn quân đội. Khi ta thực sự đắm mình vào cuộc sống bộ đội, tôi nghĩ, chúng ta sẽ hiểu và thuộc người lính. Như một hệ quả, từ tình cảm, từ sự hiểu biết cuộc sống bộ đội, cộng với tài năng người cầm bút sẽ có những tác phẩm hay viết về người lính hôm qua và hôm nay.

Nếu vin vào cái điều: tôi chỉ viết về những cái ta thuộc để mãi mãi không tiếp cận đề tài người lính trong tư cách một người sáng tác văn học thì chẳng có chuyện gì để trao đổi nữa. Có những cái mới, điều mới cần phải học, phải thuộc. Trước khi có Đồng chí, Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Đèo Cả, Lửa đèn, Sức bền của đất, Thơ tình người lính biển… Chính Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa… đã thuộc người lính đâu. Họ cũng phải sống chết với bộ đội, lăn lộn với bộ đội mới viết được những áng thơ hay đấy chứ.

Bài học ấy còn tươi rói cho những nhà văn mặc áo lính hôm nay.

 

                                                                           Theo Báo SKĐS

 

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục