Chủ tịch Cuba Raul castro sẽ từ nhiệm vào ngày 19.4, mở đường cho người mới lên thay ông lãnh đạo đảo quốc.

 


Chủ tịch Raul Castro (trái) và Phó chủ tịch thứ nhất Diaz-Canel ẢNH: REUTERS.

Hôm nay 18.4, quốc hội Cuba sẽ bắt đầu kỳ họp đầu tiên của khóa mới với trọng tâm được dư luận cả nước và thế giới chú ý là cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới thay nhà lãnh đạo Raul Castro vào ngày 19.4, theo AFP. Thời điểm này cũng mang ý nghĩa biểu tượng khi trùng dịp kỷ niệm 57 năm ngày Cuba đánh bại âm mưu xâm nhập và lật đổ trong sự kiện Vịnh con lợn (17 - 20.4.1961).

Trước đó, Chủ tịch Raul, 87 tuổi, khẳng định sẽ rời ghế vào tháng 4 sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai vào tháng 4. Tuy nhiên, ông vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021. Đây sẽ là thời khắc lịch sử tại Cuba khi lần đầu tiên trong gần 60 năm, đảo quốc này sẽ có vị chủ tịch không mang họ Castro, không xuất thân từ thế hệ cách mạng 1959, không mặc quân phục và không đồng thời nắm cương vị Bí thư thứ nhất. "Thay đổi này sẽ vừa mang tính chuyển biến vừa mang tính kế tục”, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez phát biểu.

Sát cánh cùng anh trai, cố lãnh tụ Fidel Castro, từ những ngày đầu cách mạng, ông Raul đã trải qua những vai trò chủ chốt trong con đường đánh đổ độc tài, giữ gìn độc lập và phát triển đất nước của Cuba như Bộ trưởng Quốc phòng (1959 - 2008), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước... Từ giữa năm 2006, ông tạm giữ quyền lãnh đạo đất nước khi lãnh tụ Fidel bị bệnh. Đến năm 2008, ông chính thức kế nhiệm anh trai, giữ chức Chủ tịch Cuba, đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Dưới thời ông Raul, Cuba đã trải qua nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt như tiến hành cải cách kinh tế theo hướng mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và chú trọng phát triển các cơ sở tư nhân. Nhà nước còn nới lỏng một số quy định như bỏ lệnh cấm dùng điện thoại di động và máy vi tính. Về đối ngoại và an ninh, vào năm 2014, Chủ tịch Raul đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ thù địch. "Ông Raul sẽ rời khỏi cương vị chủ tịch và một người mới, trẻ hơn sẽ thay thế ông. Điều đó là hợp quy luật. Tuy nhiên, dấu ấn Raul sẽ còn mãi với chúng tôi, cũng như Fidel vậy”, AFP dẫn lời ông Raul Garcia, 79 tuổi, ở Havana khẳng định.

Theo các nguồn tin trong và ngoài nước cũng như giới quan sát, người kế nhiệm ông Raul Castro gần như chắc chắn là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Miguel Diaz-Canel, 58 tuổi. Ông được đánh giá là cộng sự thân cận nhất của chủ tịch Cuba từ năm 2013. Chào đời tại tỉnh Villa Clara thuộc miền trung Cuba, ông Diaz-Canel tốt nghiệp đại học năm 1982 và tham gia quân đội trong 3 năm sau đó. Ông từng là giáo sư môn cơ khí tại Đại học Santa Clara. Năm 1994, ông trở thành Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Villa Clara và nổi tiếng là vị bí thư mẫn cán, có nhiều đột phá và hết sức giản dị. Theo AFP, ông không chuyển tới tòa công thự được cấp, thường đi làm bằng xe đạp và sẵn sàng tiếp dân tại nhà riêng hàng giờ liền. Năm 2009, Diaz-Canel chuyển tới thủ đô Havana sau khi trở thành Bộ trưởng Giáo dục và 3 năm sau thì được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ở cả hai cương vị này, ông Diaz-Canel đều nổi tiếng là nhà cải cách tích cực. Chính Chủ tịch Raul Castro bổ nhiệm ông Diaz-Canel làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào tháng 2.2013.

Chuyên gia về chính trị Cuba Esteban Morales nhận định một khi trở thành chủ tịch Cuba, ông Diaz-Canel sẽ tiếp tục các chính sách mở cửa kinh tế và xã hội trong thời gian qua, đặc biệt là giải quyết những trở ngại phát sinh trong khoảng 2 năm gần đây. Việc ông Raul vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất đến năm 2021 được đánh giá là sẽ giúp ông Diaz-Canel có được sự ủng hộ cần thiết để duy trì đà cải cách cũng như vượt qua những nghi ngại do "thiếu truyền thống cách mạng”. Theo tờ Granma, trong phiên họp hồi tháng 3, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Cuba khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới còn ông Diaz-Canel cũng nhấn mạnh: "Bước đi chiến thắng của con đường cách mạng sẽ được tiếp tục”.


Theo Báo Thanh Niên

 


Các tin khác


Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục