Lãnh đạo một số nước tiếp tục đưa ra phản ứng cũng như tiến hành thảo luận về tình hình Trung Đông sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.




Xe ô tô bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 4/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế. Theo thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Nga, hai bộ trưởng tập trung thảo luận tình hình Trung Đông, đặc biệt là hậu quả cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào sân bay Baghdad. Hai bộ trưởng khẳng định việc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc là không thể chấp nhận được và cần thiết phải tôn trọng chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Liên quan đến căng thẳng tại Trung Đông, Hãng thông tấn Saudi Arabia đưa tin Quốc vương Salman đã gọi điện cho Tổng thống Iraq Berham Saleh nhằm thảo luận về tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng tại khu vực sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế Baghdad tại Iraq. Quốc vương Salman khẳng định với Tổng thống Saleh rằng Saudi Arabia ủng hộ an ninh và ổn định của Iraq.

Tương tự, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có cuộc điện đàm trao đổi tình hình khó khăn Iraq và khu vực đang phải đối mặt. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thảo luận về những căng thẳng mới nhất tại Trung Đông với người đồng cấp Iraq Berham Saleh và Thái tử Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed al-Nahyan. Thông cáo của văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron và ông Saleh sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Iraq và khu vực.

Trong khi đó, Anh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sau khi Mỹ tiến hành không kích sát hại Thiếu tướng Qasem Soleimani, nhưng khẳng định đồng minh thân cận nhất của London có quyền tự vệ trước những đe dọa nhằm vào công dân của họ theo luật pháp quốc tế. Nội dung này được đưa ra trong cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace với người đồng cấp Mỹ Mark Esper cùng ngày 4/1. 

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và giảm leo thang ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích sân bay quốc tế Baghdad. Ông Morrison xác nhận Tổng thống Mỹ không cảnh báo trước các đồng minh về cuộc không kích nhưng Australia biết Mỹ lo ngại một số hành động của Iran.

Lực lượng Quds do ông Soleimani lãnh đạo bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Ông Morrison cho biết thêm Australia tập trung nỗ lực bảo đảm an toàn cho vào các nhân viên quốc phòng và ngoại giao Australia tại Trung Đông và tiếp tục theo dõi tình hình khu vực hết sức chặt chẽ. Hiện có khoảng 250 - 280 nhân viên lực lượng quốc phòng Australia đang có mặt ở Trung Đông, và Đại sứ quán Australia ở Baghdad đã được đặt trong tình trạng báo động.

Tại Trung Mỹ, Chính phủ Nicaragua lên án các lực lượng Mỹ hành động "khủng bố" sát hại Thiếu tướng Soleimani, đồng thời cảnh báo đề phòng những hậu quả tiêu cực của vụ tấn công trên đối với hòa bình quốc tế. Đồng cảm với nhân dân Iran và Iraq, Nicaragua miêu tả tội ác của Washington là "khủng bố quốc tế".

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp diễn căng thẳng sau vụ máy bay không người lái của Mỹ tấn công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc IRGC, Thiếu tướng Soleimani, và ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, thiệt mạng.

Lầu Năm Góc xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị không kích nhằm sát hại Thiếu tướng Soleimani. Động thái này vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và dấy lên quan ngại về nguy cơ gia tăng bạo lực tại khu vực. Tehran khẳng định Washington phải chịu trách nhiệm và nước CH Hồi giáo sẽ có hành động đáp trả.

                                Theo Baotintuc

Các tin khác


Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục