Tình trạng bang thì từ bỏ chiến lược "Zero COVID”, bang lại đang siết chặt, đang gây ra cơn đau đầu chính trị với Thủ tướng Australia Scott Morrison.


Chiến lược dỡ bỏ phong toả vênh nhau giữa các bang đang đe doạ tính thống nhất của hệ thống liên bang Australia. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Bloomberg, đại dịch COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với hệ thống liên bang của Australia kể từ năm 1901, khi 6 thuộc địa khác nhau của Anh ở vùng đất có tên Great Southern Land đoàn kết cùng nhau giành độc lập. Chưa khi nào kể từ đó, "xứ sở chuột túi" lại bị chia cắt như lúc này.

Các đường biên giới tiểu bang, trước đây chỉ dành cho du khách cơ hội chụp ảnh, giờ bị siết chặt để ngăn chặn cư dân rời khỏi những khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thành viên trong những gia đình bị chia cắt đang bất chấp lệnh của cảnh sát, ôm chầm lấy nhau qua các rào chắn; một số người thậm chí bị từ chối quyền gặp con cái hoặc thăm người thân đang hấp hối.

Tại khu vực đông nam dân cư đông đúc của Australia, với các đô thị lớn như Sydney và Melbourne, các bang đang từ bỏ chiến lược "Zero COVID” (loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm COVID-19) để mở cửa trở lại các doanh nghiệp, trường học vào tháng tới và mở lại biên giới vào cuối năm nay. Tuy nhiên khu vực dân cư thưa thớt hơn ở phía bắc và phía tây của đất nước, nơi không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, lại đang siết chặt gấp đôi mục tiêu "Zero COVID”, nhiệt tình bảo vệ một chiến lược cho phép cư dân địa phương sống thoải mái, không khẩu trang, dù bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước và thế giới.


Cảnh sát kiểm tra thông tin những người lái xe ở Kilmore, phía bắc Melbourne, vào ngày 10/9 để ngăn người dân Melbourne di chuyển đến các vùng không có COVID của Australia.

Frank Bongiorno, Giáo sư lịch sử tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết: "Trước đại dịch này, không ai có thể coi tự do đi lại - giữa các tiểu bang cũng như từ nước ngoài - là quan trọng hoặc có ý nghĩa đối với người Úc. Nhưng những quyền đó đã bị cắt giảm đáng kể và điều đó sẽ mãi mãi thay đổi quan niệm của mọi người về vai trò của chúng trong trật tự chính trị, thậm chí là cách chúng liên quan đến quyền lực".

Mọi chuyện đã rất khác vào năm ngoái. Tháng 3/2020, Australia đóng cửa các biên giới quốc tế của mình đối với những người không phải là công dân Úc hoặc thường trú nhân. Họ được cả thế giới ca ngợi vì đã nhanh chóng dập tắt các đợt bùng dịch bằng biện pháp phong toả nhanh. Điều này đồng nghĩa 26 triệu cư dân Australia phần lớn trở lại cuộc sống bình thường và số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở dưới 1.000 ca trong khi virus đã giết chết cả triệu người ở Mỹ và châu Âu.

New Zealand, Singapore, Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự. Sự đánh đổi là sự cô lập quốc tế. Nhưng đó là gánh nặng mà đại đa số người Australia rất vui khi phải chịu đựng, cho đến khi nhiều nơi trên thế giới từng bị tê liệt bởi đại dịch đã được tiêm phòng và bắt đầu mở cửa trở lại. Giờ đây, khi đại dịch vẫn còn kéo dài, chiến lược "Zero COVID” ngày càng bị coi là quá thận trọng và không bền vững. 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Australia. Ảnh: Getty Images

Bước ngoặt gây khó khăn cho Australia là sự bùng phát biến thể Delta. Chỉ một ca nhiễm biến thể này đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ausgtralia vào tháng 6, khi một lái xe ở Sydney nhiễm virus khi đang chở một phi hành đoàn quốc tế từ sân bay đến khách sạn cách ly. Hiện nay, biến thể Delta đang lây nhiễm cho gần 2.000 người mỗi ngày ở các bang New South Wales và Victoria.

Ở các bang miền đông nam này, trọng tâm chống dịch đã chuyển khỏi việc loại bỏ hoàn toàn ca nhiễm để hướng tới việc mở cửa và chung sống. Mặc dù một nửa dân số Australia hiện đang ở trong tình trạng phong toả, các nhà lãnh đạo ở New South Wales, nơi có thủ phủ Sydney, đã cam kết về "tự do” tại các quán rượu, nhà hàng và phòng tập thể dục cho những người đã tiêm hai mũi vaccine ngay khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70%. Mốc này dự kiến sẽ đạt được vào tháng tới, bởi hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đạt khoảng 48%.

Trong khi đó, cách Sydney 3.500km, Mark McGowan, thủ hiến bang Tây Úc (Western Australia), kiên quyết rằng ông không cần "kế hoạch rút lui” khỏi "Zero COVID", bởi vì tiểu bang của ông không xuất hiện biến thể Delta và cũng không áp đặt hạn chế nào.


Thủ hiến bang Tây Úc McGowan theo đuổi chiến lược siết chặt đường biên giới bang, không cho phép virus xâm nhập, thay vì nới lỏng như ở các bang miền đông nam Australia. Ảnh: AFP

"Chính sách tiêu diệt virus của chúng ta cho phép người dân bang Tây Úc đang được sống trong một trong những xã hội tự do và cởi mở nhất trên thế giới”, ông McGowan cho biết trong một tuyên bố vào ngày 9/9. Vị thủ hiến này đang dẫn đầu một nhóm các bang muốn siết chặt các đường ranh giới bang để ngăn chặn virus xâm nhập từ bên ngoài chừng nào có thể, hoặc cho đến khi tiêm chủng đạt mức cực cao. Thủ hiến McGowan nói rằng bang Tây Úc có thể mở cửa hai tháng sau khi 90% người lớn được tiêm chủng đầy đủ (con số này hiện là khoảng 39%).

Rạn nứt nội bộ của Australia phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh đang đối mặt. Mức độ cam kết của các quốc gia này đối với chiến lược "Zero COVID” đang thay đổi tùy theo mức độ cô lập mà nền kinh tế của họ có thể chịu đựng. Trung Quốc tiếp tục cố gắng loại bỏ tất cả các ca lây nhiễm, trong khi Singapore hiện muốn chuyển sang sống chung với virus. Australia thì đang bị mắc kẹt đâu đó ở giữa, và hệ thống chính trị của đất nước đang cho thấy sự căng thẳng nội bộ.

Thủ hiến McGowan - có biệt danh "Mr. 89%” nhờ tỉ lệ ủng hộ khi ông dẫn dắt đảng Lao động Australia giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cấp bang vào tháng 3 - đã nổi lên như một nhân vật phản kháng lại Thủ tướng Scott Morrison, người đang gây áp lực buộc các bang mở lại biên giới vào cuối năm nay. Các cuộc thăm dò cho thấy chính phủ liên minh của ông Morrison, lãnh đạo đảng Tự do, đang bị bỏ sau đảng Lao động trước các cuộc bầu cử vào tháng 5/2022.

Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục