Năm cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng là năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) vừa ra tuyên bố chung, trong đó nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh cam kết chính trị của P5, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn đương đầu nhiều vấn đề an ninh tiềm ẩn.



Cuộc đàm phán tại Vienna, Áo về thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: REUTERS)
Trong một tuyên bố chung được Nhà trắng công bố ngày 3/1, nhóm P5 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng khẳng định "không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân" và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra. Các cường quốc cho rằng, sử dụng hạt nhân sẽ gây hậu quả sâu rộng và vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh.

Gác lại những căng thẳng hiện tại, các cường quốc khẳng định lại tầm quan trọng của việc giải quyết một cách hòa bình các mối đe dọa hạt nhân, cũng như việc duy trì, tuân thủ các thỏa thuận, cam kết song phương và đa phương về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Năm cường quốc nhấn mạnh mong muốn hợp tác với tất cả các nước nhằm bảo đảm môi trường an ninh thuận lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị, với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. P5 cam kết tiếp tục tìm kiếm các cách tiếp cận ngoại giao song phương và đa phương nhằm tránh xảy ra đối đầu quân sự, cùng nỗ lực tăng cường sự ổn định và khả năng dự báo, nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang.

Bình luận về cam kết vừa đưa ra, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, việc thông qua một tuyên bố chính trị như vậy giúp giảm mức độ căng thẳng quốc tế. Người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh thêm rằng, Nga vẫn coi hội nghị cấp cao giữa các cường quốc hạt nhân trên thế giới là điều cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định rằng, tuyên bố chung của P5 giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc và giúp "thay thế cạnh tranh bằng sự hợp tác".

Tuyên bố chung hiếm hoi được P5 đưa ra trước thềm một hội nghị dự kiến của Liên hợp quốc nhằm rà soát lại quá trình thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), vốn có hiệu lực từ năm 1970. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị hoãn do sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm Covid-19 với biến thể Omicron.

Giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân được Liên hợp quốc coi là một trong những ưu tiên hành động kể từ khi tổ chức hợp tác quốc tế này được thành lập. Sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luật quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế. NPT, cũng như các điều ước quốc tế liên quan như Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), Hiệp ước về các khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) cùng nhiều nghị quyết của Liên hợp quốc đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực quốc tế về chống phổ biến, giải trừ và cấm vũ khí hạt nhân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cho biết, mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập niên qua, nhưng vẫn còn khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới. Ðánh giá rằng con người phải đối mặt mức rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập niên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa để loại bỏ vũ khí hạt nhân và bắt đầu một giai đoạn mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình.

Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid hoan nghênh tuyên bố chung vừa được nhóm P5 công bố, cho rằng đây là "thông điệp đúng đắn" của các cường quốc đối với thế giới khi vừa bắt đầu năm mới. Dựa trên cam kết đã đưa ra, các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng niềm tin, tăng cường sự hiểu biết, hợp tác và bảo vệ nhân loại khỏi vũ khí hạt nhân.


                          Theo Nhandan

Các tin khác


Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục