Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy các cuộc tranh luận rộng rãi về tính hiệu quả của các chương trình máy tính này và cách mọi người sẽ phản ứng trước các công nghệ mới. Phần lớn người Mỹ lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển quá nhanh của AI, song một số ý kiến lại tin rằng các hệ thống AI có thể giúp thu hẹp sự phân biệt đối xử trong xã hội.

CEO của OpenAI Samuel Altman điều trần trước Quốc hội Mỹ. (Ảnh REUTERS)

CEO của OpenAI Samuel Altman điều trần trước Quốc hội Mỹ. (Ảnh REUTERS)

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 62% số người được hỏi tin rằng AI sẽ tác động lớn đến người lao động nói chung trong vòng 20 năm tới. Phần lớn người Mỹ cảnh giác và đôi khi cảm thấy lo lắng về việc các nhà quản lý sử dụng AI tại nơi làm việc. 71% số người được hỏi phản đối việc sử dụng AI trong việc ra quyết định tuyển dụng, chỉ có 7% số người được hỏi cho biết ủng hộ điều này. Phần lớn người lao động cũng phản đối việc nhà tuyển dụng sử dụng AI trong việc ra quyết định thăng chức, tăng lương hay sa thải nhân sự.

Ðáng chú ý, người Mỹ có nhiều khả năng phản đối hơn là ủng hộ các nhà tuyển dụng sử dụng AI để theo dõi chuyển động của người lao động tại nơi làm việc. Các nhân viên văn phòng phản đối việc AI theo dõi thời điểm họ ngồi vào bàn làm việc và ghi lại chính xác những gì họ đang làm trên máy tính.

Khi được hỏi về những tác động của AI tại nơi làm việc trong 20 năm tới, phần lớn người tham gia khảo sát nói rằng AI sẽ gây hại nhiều hơn là giúp ích cho người lao động. Khoảng một phần ba số người Mỹ được hỏi nghĩ rằng lợi ích và tác hại của AI sẽ tương đương nhau đối với người lao động nói chung, trong khi 22% không chắc chắn về tác động tiềm ẩn của AI.

79% số người lao động Mỹ được hỏi nói rằng sự đối xử không công bằng dựa trên chủng tộc và sắc tộc của người nộp đơn xin việc là một vấn đề lớn. Một số công ty đã tích cực sử dụng AI với hy vọng giúp đa dạng hóa chủng tộc và sắc tộc trong lực lượng lao động. Khảo sát cho thấy, công chúng Mỹ có quan điểm lạc quan về ứng dụng AI trong khía cạnh này. 53% số người được hỏi cho rằng vấn đề thiên vị dựa trên chủng tộc và sắc tộc sẽ được cải thiện khi các nhà tuyển dụng tăng cường sử dụng AI trong quá trình tuyển dụng, trong khi tỷ lệ nhỏ hơn nhiều (13%) tin rằng AI sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Theo kết quả khảo sát ý kiến người dân Mỹ do Hãng tin Reuters và Hãng Ipsos phối hợp thực hiện, mối lo ngại về tác động của AI không chỉ bó hẹp trong môi trường làm việc. 61% số người được hỏi tin rằng công nghệ này có thể đe dọa nền văn minh loài người, trong khi 22% số người được hỏi không đồng ý với ý kiến này và 17% không chắc chắn với ý kiến của mình.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Tiểu ban Tư pháp, Công nghệ và Quyền riêng tư của Thượng viện Mỹ, Samuel Altman, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty OpenAI, người được xem là "cha đẻ" của ứng dụng nổi tiếng ChatGPT, cũng cảnh báo về những thách thức nghiêm trọng mà AI có thể tạo ra.

Samuel Altman nhấn mạnh, Công ty OpenAI được thành lập dựa trên niềm tin AI có khả năng cải thiện gần như mọi khía cạnh trong đời sống con người. Tuy nhiên, trước những rủi ro không mong muốn mà AI có thể tạo ra, CEO OpenAI kêu gọi thành lập một cơ quan chuyên trách của Mỹ giải quyết các vấn đề về AI, cũng như tăng cường phối hợp toàn cầu trong việc xây dựng các quy định về công nghệ.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Tổng thống Nga: EAEU trở thành một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới nổi

Ngày 8/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hiện trở thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ trong thế giới đa cực mới nổi ngày nay.

Vụ sập tòa nhà ở Nam Phi: Lực lượng cứu hộ tìm kiếm xuyên đêm

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tối 8/5, chính quyền thành phố George của Nam Phi xác nhận tổng số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà đang thi công đã lên tăng lên 8 người, sau khi một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát.

Giá dầu thế giới hạ nhiệt nhờ lo ngại về nguồn cung dịu bớt

Giá dầu thế giới chốt phiên 7/5 giảm nhẹ, khi có những dấu hiệu cho thấy lo ngại về nguồn cung dịu bớt, trong khi các nhà giao dịch chuyển hướng chú ý tới số liệu về dự trữ của Mỹ.

Scotland (Anh) có Thủ hiến mới

Chính trị gia kỳ cựu John Swinney ngày 7/5 trở thành Thủ hiến mới của vùng Scotland sau khi được cơ quan lập pháp Scotland (SP) bầu với tỷ lệ 64 phiếu thuận, 57 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục