Ngày 25/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhờ hoạt động kinh tế khả quan trong quý I vừa qua.


Biểu tượng IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ đạt 3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn ở mức 3% do các nền kinh tế phát triển giảm tốc. Theo đó, các mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng 6,3% đạt được năm 2021 và 3,5% vào năm 2022.

Dự báo dựa trên cơ sở ngành dịch vụ phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhờ các nước đẩy mạnh hoạt động thu hút du lịch. Tổ chức này cũng cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện nhờ Mỹ đã phần nào tháo gỡ được vấn đề trần nợ công và xoa dịu mối quan ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kéo dài bất chấp "khả năng phục hồi trong ngắn hạn”, lưu ý các nước nên duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trong báo cáo, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra vào tháng 4, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý I năm nay. Theo IMF, thị trường lao động vẫn mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới góp phần tăng thu nhập thực tế và hoạt động mua bán phương tiện. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được dự báo giảm xuống 1% vào năm 2024, khi các khoản tiết kiệm được tích cóp trong thời đại dịch cạn kiệt và nền kinh tế mất động lực tăng trưởng.  

Tương tự dự báo đưa ra vào tháng 4, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm đáng kể trong năm nay và năm tới. Cụ thể, theo báo cáo của IMF, tăng trưởng kinh tế của EMDE khả năng đạt 4% năm nay và 4,1% năm tới. IMF cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 5,2% năm 2023.

Trong khi đó, IMF nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ lên 6,1%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó, viện dẫn "động lực từ tăng trưởng trong quý IV/2022 cao hơn dự kiến do đầu tư trong nước mạnh hơn”. Kinh tế Nga hiện được dự báo tăng 1,5% trong năm nay, tăng 0,8 điểm phần trăm so với mức dự kiến hồi tháng 4, do số liệu kinh tế khả quan hơn nhờ "gói kích thích tài chính lớn".

Các nền kinh tế phát triển hiện được dự báo tăng 1,5% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 4, và tăng 1,4% vào năm 2024. Viện dẫn thông tin tích cực gần đây của kinh tế Anh, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này năm 2023 lên 0,4%, thay vì giảm 0,3% như trong báo cáo công bố trước đó. Tuy nhiên, IMF nhận định kinh tế Đức năm nay sẽ giảm 0,3%, mức giảm mạnh hơn so với mức 0,1% được dự báo trước đó. Như vậy, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay có thể rơi vào suy thoái.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 xuống còn 1,4%. Dự báo này đánh dấu mức giảm 0,1% so với ước tính 1,5% trước đó do tổ chức này công bố hồi tháng 4. Trong báo cáo mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2024 là 2,4%.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã và đang đối mặt với những bất ổn ở cả bên trong và bên ngoài, bao gồm động lực xuất khẩu yếu và các động thái thắt chặt kiểm soát tiền tệ toàn cầu.

Cũng trong báo cáo mới nhất, IMF đánh giá bức tranh lạm phát toàn cầu cải thiện, với chỉ số giá tiêu dùng hiện được dự báo tăng 6,8% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này chủ yếu là do lạm phát hạ nhiệt tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, IMF lưu ý tỷ lệ lạm phát toàn cầu vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 (3,5% vào năm 2019).


Theo TTXVN

Các tin khác


Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Tổng thống Nga: EAEU trở thành một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới nổi

Ngày 8/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hiện trở thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ trong thế giới đa cực mới nổi ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục