Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về tình hình an ninh tại Trung Đông sau khi xung đột giữa phong trào vũ trang Hamas và quân đội Israel đã khiến hơn 1.000 người chết của cả hai phía.


Người dân dập các đám cháy trên xe ô-tô sau vụ tấn công bằng rocket từ Dải Gaza tại Ashkelon (Israel), ngày 7/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu hai bên không kiềm chế, giao tranh leo thang có nguy cơ đẩy khu vực cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và tìm giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.

Xung đột leo thang dữ dội sau khi Hamas bắn hàng nghìn quả rocket vào các thị trấn của Israel nằm kề bên dải Gaza hôm 7/10, dẫn tới các cuộc tấn công đáp trả từ phía Israel.

Đến nay, xung đột đã khiến hơn 700 người Israel thiệt mạng, trong khi phía Palestine cũng công bố con số thiệt hại về người ở dải Gaza lên tới 413, trong đó có 78 trẻ em và 41 phụ nữ và hơn 2.300 người bị thương.

Đáng chú ý, đã có những thông tin về công dân một số nước phương Tây tại Israel thiệt mạng do xung đột. Israel chính thức thông báo nước này "đang trong tình trạng chiến tranh” và tuyên bố sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự tại Gaza. Quân đội Israel xác nhận đã tấn công 500 địa điểm do phong trào Hamas và nhánh Hồi giáo Jihad kiểm soát ở dải Gaza.

Theo đó, các cuộc không kích và pháo kích nhằm vào nhiều tòa nhà cao tầng, trong đó có nhà ở và cơ sở chỉ huy của các thành viên cấp cao của Hamas.

Trước những diễn biến xung đột leo thang tại Israel, Mỹ đã có những động thái nhằm thực hiện cam kết an ninh của Washington đối với đồng minh quan trọng ở Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo, ông đã lệnh di chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R.Ford đến khu vực phía đông Địa Trung Hải, tiến gần Israel hơn. Lực lượng này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.

Bộ trưởng Austin cũng cho biết, Mỹ đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân Mỹ trong khu vực. Mỹ cũng sẽ cung cấp đạn dược cho Israel.

Nhà trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã thông báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về "cam kết ngoại giao sâu rộng” mà Mỹ thực hiện để hỗ trợ Israel.

Trong khi đó, phong trào vũ trang Hamas ra tuyên bố chỉ trích kế hoạch của Mỹ gia tăng viện trợ quân sự cho Israel là chống lại người Palestine. Người phát ngôn của lực lượng Hamas Hazem Qasem cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn với Israel hiện không khả thi vì quân đội Israel đang leo thang chiến tranh.

Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel xuất phát từ những thù hận dai dẳng giữa người Israel và Palestine và những vấn đề chưa thể hóa giải trong cuộc xung đột giữa hai bên kéo dài nhiều thập niên qua.

Khi xung đột leo thang, dân thường chính là những người phải hứng chịu hậu quả. Đối với Israel, đây là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nước này. Còn với dải Gaza, cuộc sống vốn vô cùng khó khăn của người Palestine nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng. Diễn biến tình hình leo thang có nguy cơ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng về an ninh và các điều kiện nhân đạo tại vùng lãnh thổ Palestine.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đối với những người dân ở Gaza đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu, với những mạng lưới phân phối thực phẩm bị gián đoạn và hoạt động sản xuất lương thực bị cản trở nghiêm trọng do chiến sự.

Trước diễn biến leo thang quân sự nguy hiểm ở Gaza, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông Tor Wennesland đã gọi đây là tình huống "bên bờ vực nguy hiểm”, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường. Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Tuerk nhấn mạnh rằng "dân thường không bao giờ là mục tiêu của các vụ tấn công”.

Ông Tuerk kêu gọi ngừng ngay các hành động bạo lực, yêu cầu tất cả các bên và các quốc gia quan trọng trong khu vực giúp giảm căng thẳng để tránh đổ máu thêm nữa. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã họp khẩn về diễn biến tại Israel.

Các cuộc tiếp xúc của các quốc gia bên trong và ngoài khu vực đang được tiến hành để thảo luận về hành động khẩn cấp nhằm ngăn xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, giúp khu vực tránh hậu quả của vòng xoáy bạo lực mới. Liên đoàn Arab (AL) và các nước trong khu vực đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng, chấm dứt xung đột.

Các nước đều khẳng định lập trường ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của người Palestine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tìm kiếm một giải pháp chính trị bảo đảm tất cả các quyền công bằng và hợp pháp của Palestine. Hòa bình và ổn định không thể đạt được nếu không có một giải pháp công bằng và toàn diện về vấn đề Palestine dựa trên cơ sở "giải pháp hai nhà nước”.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Tổng thống Nga: EAEU trở thành một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới nổi

Ngày 8/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hiện trở thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ trong thế giới đa cực mới nổi ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục