Ngày 27/1, hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) sẽ chính thức khai mạc với sự tham dự của 2.500 nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia, quan chức giới ngân hàng và các chuyên gia về kinh tế - tài chính. Cải tổ hệ thống tài chính, đàm phán về các khoản tài trợ cho chương trình chống biến đổi khí hậu cùng kế hoạch tái thiết Haiti hậu động đất là những chủ đề chính sẽ được thảo luận trên bàn nghị sự.

Chủ đề chính của hội nghị năm nay là hướng tới lời kêu gọi hành động: "Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, Tái thiết và Tái xây dựng", trên cơ sở đó tập trung vào 6 mục tiêu toàn cầu lớn: Củng cố các nền kinh tế; giảm bớt các nguy cơ toàn cầu; đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường an ninh; tạo ra một khuôn khổ các giá trị; xây dựng các thể chế hiệu quả.

Tiếp nối mạch thảo luận của hội nghị năm 2009, năm nay, diễn đàn WEF Davos tiếp tục phân tích, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua với những định hướng cụ thể nhằm tìm kiếm sự phục hồi vững chắc của các nền kinh tế bằng việc cải tổ hệ thống tài chính -ngân hàng.

Trên thực tế, bất chấp nỗ lực của các chính phủ trong việc tung ra các gói kích thích kinh tế,  kinh tế toàn cầu vẫn tiến những bước chậm chạp, mong manh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao và thâm hụt ngân sách tăng nhiều, đặc biệt là tại những nước công nghiệp phát triển. Mối lo trong năm 2010 không phải là khủng hoảng tài chính, mà là sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu và việc các nước ngày càng sử dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch bằng nhiều hình thức khác nhau...

Diễn đàn WEF năm nay được coi là cơ hội để thế giới đồng thuận về việc cải tổ hệ thống ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, WEF Davos sẽ là một trong những sự kiện quan trọng của thế giới trong năm 2010. Nói thế là bởi lẽ, giới chức Mỹ và châu Âu đang dự kiến sẽ đưa ra khung điều tiết mới về cách thức hoạt động của các ngân hàng; hạn chế chặt chẽ hơn đối với vốn sẽ được áp dụng, cuối cùng lợi nhuận các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng. Khả năng của các ngân hàng trong việc đóng gói và chứng khoán hóa các khoản thế chấp cũng như nhiều loại hình nợ khác cũng sẽ chịu nhiều hạn chế. Các quỹ đầu cơ cũng như vậy.

Theo thông báo mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đưa ra hôm 21-1, Mỹ sẽ thực hiện cuộc đại tu lớn nhất đối với hệ thống quy định tài chính kể từ những năm 1930 đến nay. Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ được trao quyền giám sát các định chế tài chính then chốt... Tại châu Âu, các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thảo luận về dự thảo mới để điều tiết các ngân hàng, thị trường, công ty bảo hiểm, quỹ đầu cơ và công ty chứng khoán tư nhân.

Hiện, Anh đã thể hiện quyết tâm cải tổ ngân hàng bằng các chương  trình cứu trợ trị giá 64 tỷ USD. Kèm theo đó là các khoản cứu trợ với điều kiện siết chặt kiểm soát và chia nhỏ các ngân hàng nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Quyết tâm của chính phủ Anh đã thúc đẩy Thụy Điển đề xuất một loại thuế đánh vào các ngân hàng châu Âu nhằm trang trải những phí tổn do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới gây ra, giúp EU giảm thâm hụt ngân sách. Mức thuế sẽ phụ thuộc vào "sức nặng" của ngân hàng trong mỗi nền kinh tế ở châu Âu.

Sáng 25/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn WEF tại Davos, Thụy Sỹ. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết hợp thăm, làm việc với Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneve, Thụy Sỹ. Chuyến tham dự Hội nghị Davos 2010 và kết hợp thăm, làm việc với LHQ và Tổ chức Thương mại Thế giới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thảo luận với lãnh đạo các nước về các vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường và khoa học công nghệ toàn cầu; tiếp xúc và trao đổi ý kiến với lãnh đạo các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với LHQ và WTO. Đây là dịp quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam năng động, tham gia tích cực vào các hoạt động của các thể chế kinh tế, chính trị quốc tế và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tạo cú hích mạnh mẽ cho tổ chức thành công WEF Đông Á tại Việt Nam trong năm nay. (T.T)

 

                                                                         Theo CAND

Các tin khác


Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Tổng thống Nga: EAEU trở thành một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới nổi

Ngày 8/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hiện trở thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ trong thế giới đa cực mới nổi ngày nay.

Vụ sập tòa nhà ở Nam Phi: Lực lượng cứu hộ tìm kiếm xuyên đêm

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tối 8/5, chính quyền thành phố George của Nam Phi xác nhận tổng số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà đang thi công đã lên tăng lên 8 người, sau khi một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục