Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) họp trong hai ngày 26 và 27-6 tới, tại Tô-rôn-tô (Ca-na-đa).

 

Các nhà lãnh đạo G20, các quốc gia khách mời và đại diện các tổ chức tài chính quốc tế thảo luận những biện pháp phối hợp nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn.

G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á (1997 - 1998), với mục tiêu thúc đẩy thảo luận các vấn đề kinh tế - tài chính toàn cầu và hợp tác giữa các nước phát triển với các nền kinh tế mới nổi, thông qua cơ chế hội nghị hằng năm các bộ trưởng tài chính. Ðến cuối năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng, Hội nghị cấp cao G20 lần đầu được tổ chức (ngày 15-11-2008, tại Oa-sinh-tơn, Mỹ) và thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Khác với Hội nghị Oa-sinh-tơn, Hội nghị cấp cao G20 lần thứ hai (ngày 2-4-2009, tại Luân Ðôn, Anh) diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế, như sản xuất, thương mại và dịch vụ, khiến kinh tế toàn cầu suy thoái tới mức cao nhất, kể từ sau cuộc Ðại suy thoái những năm 1930, dù chính phủ các nước đã có nhiều biện pháp can thiệp mạnh và phối hợp quốc tế.


Hội nghị cấp cao G20 lần thứ ba (ngày 24-9-2009, tại Pít-xbớc, Mỹ) diễn ra vào thời điểm một năm sau sự kiện sụp đổ hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính lớn của Mỹ và châu Âu đã nhất trí đưa G20 thành cơ chế nòng cốt trong giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới đã chạm đáy, suy thoái kinh tế toàn cầu chững lại và triển vọng phục hồi rõ ràng hơn, do có hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có, ở cả cấp độ quốc gia và phối hợp toàn cầu. Hội nghị Pít-xbớc đạt thỏa thuận về một loạt vấn đề về khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng cường hệ thống quản lý tài chính quốc tế, cải cách thể chế kinh tế - tài chính toàn cầu... Trong khuôn khổ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng và bền vững, được thông qua tại Hội nghị Pít-xbớc, G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng cân bằng thông qua kích cầu nội địa, giảm mất cân đối toàn cầu; tiếp tục kích thích kinh tế và nhất trí nghiên cứu đề xuất chiến lược rút lại các biện pháp kích thích một cách minh bạch, tin cậy và mang tính phối hợp về thời điểm, lộ trình phù hợp từng nước thành viên. Hội nghị cũng đưa ra nhiều biện pháp cụ thể tăng cường hệ thống quản lý tài chính quốc tế, như cam kết xây dựng các quy định toàn cầu về cải thiện vốn ngân hàng, thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngăn chặn các rủi ro trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng... Tại Hội nghị Pít-xbớc, vai trò và tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển trong hệ thống tài chính quốc tế đã được nâng lên rõ rệt, khi G20 cam kết cải cách cơ chế bỏ phiếu trong Ngân hàng thế giới (WB) một cách bình đẳng, phản ánh đúng tỷ trọng kinh tế của các nước; tăng ít nhất 3% quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển. G20 cũng tăng tỷ lệ góp vốn của các nền kinh tế mới nổi trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi vẫn bảo đảm tỷ lệ góp vốn của các nước nghèo. G20 cũng nhất trí chống bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy thương mại và đầu tư; cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp kích thích kinh tế; cam kết nâng cao tính minh bạch và ổn định thị trường năng lượng, ủng hộ mục tiêu đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu...


Hội nghị cấp cao G20 lần thứ 4, diễn ra tại Tô-rôn-tô, Ca-na-đa, từ ngày 26 đến 27-6 tới, là dịp để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới thảo luận, tìm biện pháp thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới. Dự hội nghị có lãnh đạo và đại diện 20 nước thuộc G20, đại diện các nước khách mời (gồm Việt Nam, Ma-la-uy, Ê-ti-ô-pi-a, Tây Ban Nha và Hà Lan), các tổ chức tài chính quốc tế. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhưng phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nhất là ở châu Á lấy lại tốc độ tăng trưởng cao và đang là động lực chính của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi các nền kinh tế phát triển, như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, lại phục hồi tương đối chậm. Các thách thức lớn đặt ra cho kinh tế toàn cầu gồm nợ công cao, nhất là ở châu Âu; thất nghiệp tăng; tình trạng tăng trưởng nóng và lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi...


Hội nghị Tô-rôn-tô dự kiến thảo luận đánh giá triển vọng phục hồi và các thách thức đối với kinh tế thế giới, trong đó có kế hoạch rút lại các gói kích thích kinh tế và vấn đề mới nổi lên như thắt chặt ngân sách, nhằm giảm nợ công... Hội nghị sẽ xem xét đưa ra khuyến nghị về cải cách thể chế tài chính quốc tế và khu vực, về thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, chống bảo hộ mậu dịch... Hội nghị cũng xem xét một số vấn đề về phát triển.


Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị cấp cao G20 với mục tiêu đại diện các nước ASEAN góp phần vào giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu. Qua đó khẳng định ASEAN là thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào quá trình xây dựng thể chế G20 cũng như cơ chế quản trị toàn cầu, phù hợp lợi ích các nền kinh tế đang phát triển.
 
 
                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Mỹ: Cân nhắc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối sản xuất tại Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đang xem xét việc cấm nhập khẩu xe ô tô kết nối (Connected car) sản xuất tại Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moskva (Nga)

Hơn 9.000 binh sĩ cùng hàng chục xe tăng và chiến đấu cơ đã góp mặt trong buổi duyệt binh truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2024) tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga.

Tổng thống Nga: EAEU trở thành một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới nổi

Ngày 8/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hiện trở thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ trong thế giới đa cực mới nổi ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục