Quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình tại Biển Đông sẽ là những vấn đề nổi bật tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore. Hôm qua, mọi chú ý đều dồn vào cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc và Trung Quốc-Mỹ.

 
 Đối thoại Shangri-La là sự kiện có tầm quan trọng lớn.

 Biển Đông “là vấn đề phức tạp”

Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn tối qua, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Mohd Najib Tun Abdul Razak đã đề cập tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gọi đây là vấn đề “vô cùng phức tạp”. Ông nói: “Các bên liên quan nhìn chung đã rất kiềm chế. Các bên cần tìm giải pháp hòa bình và không để bất đồng leo thang”.

Thủ tướng Malaysia cũng bày tỏ hy vọng như mọi lần rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến tới một cơ chế pháp lý chặt chẽ hơn cho tranh chấp Biển Đông.

Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hàng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London, chủ trì.

Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội hiếm có cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia cuộc họp kéo dài ba ngày từ 3 - 5/6 lần này. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh dư luận trong nước vô cùng bức xúc trước các vụ gây hấn mới của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo dư luận quốc tế, việc Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng như uy hiếp tàu cá của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã không thể im lặng trước các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình”

Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore, với sự tham dự của đại diện quốc phòng 35 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Hãng tin BBC hôm qua cho rằng như tại những lần diễn đàn trước, Việt Nam được trông đợi sẽ mang tranh chấp Biển Đông ra bàn thảo với các nước liên quan, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương cho tiến trình phức tạp này. Ngay ngày đầu tiên tại diễn đàn, đoàn Việt Nam đã có tiếp xúc song phương với đoàn Trung Quốc để thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt chiều qua đã có cuộc gặp và thảo luận sâu rộng về quan hệ giữa hai nước bên lề Đối thoại Shangri-La.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng ông Lương Quang Liệt lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La. Ông đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/5 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam “đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước; hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”. Ông cho biết bài phát biểu sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng.

Về phần mình, ông Lương Quang Liệt nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp và cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông cho biết quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao; Trung Quốc “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”.

Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Lương Quang Liệt khẳng định.

Vẫn theo BBC, lần đầu tiên, Việt Nam cũng sẽ tổ chức họp báo vào sáng 5/6 “để Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh giải thích thêm với giới quan tâm về các điểm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với chủ đề 'Phản hồi trước các Đe dọa An ninh Hàng hải mới'”. Dư luận nhận xét đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình.

Mỹ-Trung và quan hệ với Đông Nam Á

Đoàn Trung Quốc cũng đã có tiếp xúc với đoàn Mỹ ngay chiều hôm qua. Trái với không khí căng thẳng vào cuộc họp năm ngoái, năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh đến chiều hướng cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mở đầu cuộc họp, nói với Tướng Lương Quang Liệt rằng ông kỳ vọng vào tương lai của mối quan hệ Mỹ Trung Quốc. Tướng Lương Quang Liệt nói ông cũng thấy những tiến bộ tích cực trong quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ.

Dù có những lời thân thiện, cuộc họp hôm thứ Sáu đã diễn ra khi Mỹ đang điều tra những cáo giác của Google rằng các tin tặc từ Trung Quốc đã lấy cắp những mật mã email của các giới chức cao cấp Mỹ. Chính phủ Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc về vụ việc này.

 
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Singapore.
 
Đây là hội nghị thứ năm và cũng là hội nghị an ninh châu Á cuối cùng mà ông Gates tham dự với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trước khi ông từ chức vào ngày 30/6.

Trả lời báo chí trong chuyến bay đưa ông đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác nhận rằng lần này ông sẽ cho biết thêm chi tiết về chính sách tiếp cận mới của Mỹ tại vùng Đông Nam Á. Dư luận cho rằng nhìn chung, đó sẽ là việc gia tăng quan hệ quân sự của Mỹ với khu vực để làm phương tiện chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một phần trong chiến lược Đông Nam Á mới của Mỹ sẽ được ông Gates công bố trong bài tham luận đọc tại cuộc Đối thoại Shangri-La, nhưng trước mắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phác họa những nét chính như tăng cường quan hệ quân sự cũng như quan hệ toàn diện với các nước như Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Australia, cũng như với các đồng minh truyền thống là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính quyền Obama đang chuyển hướng chiến lược châu Á, chú ý nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á, sau khi thấy rằng vùng này càng lớn càng trở nên quan trọng về mặt quân sự, ngoại giao và thương mại. Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực trong những năm gần đây, nhưng thái độ của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nước trong vùng quan ngại.

Trước cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, ông Gates đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Thủ tướng Malaysia. Ông Gates cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng, người đã cùng ông Gates lên tiếng ủng hộ sự cam kết của Washington ở châu Á và sự hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia cũng như tăng cường an ninh trong khu vực.

                                                                                 Theo Dantri

 

 

Các tin khác


Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Bước ngoặt trong mới quan hệ Mỹ - Israel

Lời cảnh báo về việc Israel tấn công Rafah của Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gây chấn động chính trường Mỹ và Israel.

Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác

Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục