Hôm nay 16-9, vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa, nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La được đưa ra xét xử.



Cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định khởi tố ông Đặng Hữu Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm - Ảnh: Cơ quan an ninh

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vụ án này, ông Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ: "Lần đầu tiên xảy ra các vụ gian lận thi có tính chất nghiêm trọng, tác động xấu đến ngành giáo dục, làm mất niềm tin của người dân vào một số người trong đội ngũ công chức, đảng viên".

Cần bổ sung tội đưa - nhận hối lộ

Theo ông Thắng, việc điều tra, xét xử những người có hành vi trong vụ gian lận thi cử cần thực hiện nghiêm khắc, khách quan và công khai, xét xử đúng người, đúng tội. 

Kết quả xét xử công tâm, nghiêm khắc không chỉ cho xã hội thấy những người coi thường pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mà điều này còn mang tính răn đe, cảnh báo đối với những ai còn có suy nghĩ, hành vi tiêu cực. 

Cùng với các giải pháp khác, việc điều tra, xét xử nghiêm minh sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra.

* Đại diện Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội từng đặt ra rất sớm và đề nghị phải làm rõ động cơ của những người liên quan, bao gồm người thực hiện việc nâng điểm và thí sinh, người nhà thí sinh được nâng điểm. Mới đây, cơ quan an ninh Hòa Bình cũng vừa khởi tố bổ sung tội danh đưa - nhận hối lộ và bắt tạm giam người liên quan. Nhưng Sơn La, Hà Giang vẫn chưa thể làm việc này, dù bản chất vụ việc tương tự?

- Bản chất vụ việc ở ba tỉnh đều tương tự như nhau, xảy ra hành vi sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh, liên quan tới nhiều người có chức, quyền ở địa phương. 

Việc này không phải ngẫu nhiên các thí sinh được sửa điểm, nâng điểm. Đằng sau đó đã có một thỏa thuận, một động cơ nào đó. Có thể động cơ đó là tiền bạc, vật chất, có thể do quan hệ thân tình, quan hệ cấp dưới - cấp trên...

Để truy cứu với tội danh đưa - nhận hối lộ thì phải điều tra, chứng minh được hành vi đưa - nhận hối lộ, có mức tiền hoặc trị giá vật chất cụ thể mới khép vào khung hình phạt theo quy định pháp luật được. 

Nhưng tôi thấy rằng sai phạm giống nhau, có thể việc điều tra sẽ phải hướng đến các động cơ tương tự nhau, khi có bằng chứng thì truy cứu các tội danh giống nhau ở cả ba địa phương. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Hòa Bình khởi tố bổ sung tội danh "đưa - nhận hối lộ", còn Sơn La, Hà Giang thì không. 

Dư luận có thể đặt câu hỏi vì sao Hà Giang, Sơn La chưa thể làm rõ được động cơ đằng sau hành vi gian lận thi này? Quá trình điều tra có thể phức tạp, kéo dài hơn, nhưng đây là việc cần được tiếp tục làm rõ.


Xử nghiêm cán bộ có con được nâng điểm

* Nếu thứ "đưa - nhận hối lộ" không phải là tiền, quà đắt tiền, tài sản khác nhưng lại có giá trị vô hình, ví dụ như sự nâng đỡ, giúp cho thăng chức, bổng lộc trong quan hệ giữa cấp trên (người nhà thí sinh được nâng điểm) và cấp dưới (người môi giới hoặc trực tiếp nâng điểm) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này không?

- Việc này sẽ phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội đưa - nhận hối lộ, nhưng có thể chứng minh được người thực hiện nâng điểm nhằm một động cơ, mục đích nào đó có lợi cho mình. 

Đổi lại, điều đó được người có quyền thỏa thuận, đồng ý thì vẫn có thể truy cứu ở các tội danh phù hợp. Ví dụ như tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn...

* Ngoài trách nhiệm hình sự, theo ông, những người đang nắm chức quyền có con, cháu được nâng điểm có cần xử lý ở khía cạnh công chức, đảng viên?

- Dù có hay không chứng minh được hành vi đưa - nhận hối lộ hay trục lợi từ việc sai phạm nâng điểm thi nhưng những người có người thân được nâng điểm qua "nhờ vả thân tình", hoặc biết sự việc nhưng chấp nhận thì cũng phải xem xét xử lý nghiêm khắc. 

Tùy theo mức độ mà áp dụng các hình thức kỷ luật đối với công chức, đảng viên. Không thể có việc người đứng đầu các ngành, người có chức quyền dính dáng đến việc gian lận nâng điểm thi mà hoàn toàn vô can. Nếu không làm nghiêm và làm đến cùng sẽ khó lấy lại niềm tin của người dân, của xã hội.

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019):

Chờ kết quả xét xử đủ sức răn đe

Dù ở vai trò là giảng viên hay phụ huynh, tôi đều hoàn toàn ủng hộ và mong chờ kết quả xét xử các vụ tiêu cực, gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 một cách nghiêm minh, đủ sức răn đe...

Có thể nói kỳ thi THPT quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Với quyết tâm của ngành giáo dục sau những vụ việc tiêu cực trong kỳ thi năm ngoái, kỳ thi năm nay rõ ràng được tổ chức nghiêm túc hơn và đã hạn chế được tiêu cực.

* Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Anh (tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019):

Vụ tiêu cực ngoài sức tưởng tượng của học sinh

Tôi vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đầy căng thẳng. Trước kỳ thi, thật sự tôi cảm thấy rất lo lắng, cảm giác lo ngại thua thiệt do gian lận như từng xảy ra trong kỳ thi năm trước ở các tỉnh phía Bắc.

Khi tham dự kỳ thi, với cách tổ chức thi nghiêm túc và theo dõi các thông tin trên báo, tôi cũng được biết các khâu ra đề, chấm thi năm nay làm rất chặt chẽ... nên yên tâm phần nào. Qua vụ tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 tôi mới biết thêm chính các thầy cô và cả công an công tác trong kỳ thi gian lận. Điều này ngoài sức tưởng tượng của học sinh chúng tôi.

* TS Đinh Thị Thanh Nga (trưởng bộ môn pháp luật hành chính - hình sự, khoa luật Trường ĐH Sài Gòn):

Cần xử theo hướng tăng nặng

Vụ gian lận trong kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với quy mô lớn liên quan đến hàng trăm thí sinh ở ba tỉnh. Có thể nói đây là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bị phanh phui, nên đã tạo bức xúc lớn trong dư luận.

Theo tôi, đây không đơn thuần là vụ tiêu cực trong thi cử, mà còn là thể hiện dạng tham nhũng điểm với các tội danh đưa và nhận hối lộ. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, tôi cho rằng các vụ án này cần đưa ra xét xử nhanh chóng và xử theo hướng tăng nặng.

Phiên tòa kéo dài trong 5 ngày

Phiên tòa được xét xử công khai và dự kiến kéo dài 5 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Quản Hữu Chiến là chủ tọa. Đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa là 2 kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà và Nguyễn Văn Thành. Có 8 luật sư tham gia bào chữa cho 8 bị cáo.

8 bị can được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La), Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (phó phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Sơn La), Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La). Những người này bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

TAND tỉnh Sơn La triệu tập 47 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm nhiều phụ huynh có con được nâng điểm. Trong số này có ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng phòng giáo dục trung học cơ sở Sở GD-ĐT tỉnh và con gái là N.Y.K..

Ngoài ra, một số phụ huynh có con được nâng điểm cũng giữ vị trí lãnh đạo như cục trưởng Cục Thuế, cục trưởng Cục Thống kê, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND TP Sơn La, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, phó chánh Thanh tra tỉnh Sơn La.

Tòa cũng triệu tập 43 người làm chứng, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Duy Hoàng (phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La)...

Theo cáo trạng, Trần Xuân Yến là tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên và chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, bị can Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga để sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận hơn 1 tỉ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh; Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh... 


                                  TheoTuoitre

Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục