(HBĐT) - Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang diễn ra khá nghiêm trọng, các tổ chức, cá nhân tự ý san lấp mặt bằng, phá hoại công trình, xây dựng công trình trên phần đất của đường bộ, mở rào và đấu nối trái phép, lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) và quy hoạch phát triển xây dựng đường cao tốc sau này.


Tình trạng san gạt, vi phạm đấu nối hành lang an toàn đường bộ trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình ngày càng nghiêm trọng.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 26 km, điểm đầu tại km 6, thuộc xã Yên Bình, Thạch Thất (Hà Nội); điểm cuối tại km 32+367 thuộc TP Hòa Bình. Đoạn qua Hòa Bình dài 19,32 km (từ km 13+050 - km 32+367), đoạn qua Hà Nội dài 6,37 km (từ km 6+680 - km 13+050). Trên tuyến có 97 vị trí giao cắt, đấu nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình, trong đó, đoạn qua Hà Nội có 22 vị trí, đoạn qua Hòa Bình có 75 vị trí. Cụ thể, có 90 vị trí giao cắt, đấu nối có trong hồ sơ thiết kế được các cơ quan Nhà nước chấp thuận. Các điểm giao cắt này chủ yếu là đường dân sinh, giao cắt với tỉnh lộ, phục vụ sản xuất của Nhân dân, hầu hết là các tuyến đường nhánh hiện hữu từ trước được vuốt nối hoàn trả, kết cấu mặt đường bê tông xi măng. 7 vị trí đấu nối phát sinh trong quá trình xây dựng, khai thác, sử dụng tuyến đường, các vị trí này không có trong hồ sơ thiết kế, gồm: 2 vị trí đấu nối được cơ quan Nhà nước cấp phép thi công là vị trí đấu nối từ cửa hàng xăng dầu với tuyến đường cửa hàng xăng dầu Yên Quang, tại km 14+359 (phải) và cửa hàng xăng dầu Đồng Bến, tại km 24+600 (trái). Cả 2 cửa hàng đấu nối trực tiếp vào đường Hòa Lạc - Hòa Bình, sai với quy định của Bộ GTVT tại Văn bản số 1019/BTGVT-KCHT, ngày 28/10/2019; 5 vị trí đấu nối trái phép (không có giấy phép), trong đó, 2 vị trí đấu nối mở đường để vận chuyển đất tại km 17+800 (trái), km 18+200 (phải) và 3 vị trí đấu nối vào trạm dừng nghỉ và nhà hàng tại các vị trí: km 24+240 (trái), km 27+790 (trái), km 28+00 (trái). Đến nay, mới tháo dỡ được 1 đường đấu nối trái phép tại km 18+200 (phải), còn 4 vị trí vẫn chưa được xử lý.  

Theo rà soát cuối tháng 3/2021, trên toàn tuyến có 34 trường hợp đấu nối trái phép, xây dựng công trình trong phạm vi đất HLATĐB, trong đó, đoạn qua tỉnh Hòa Bình có 31 trường hợp, đoạn qua Hà Nội 3 trường hợp. Toàn tuyến có 6 trường hợp vi phạm phá hoại công trình giao thông đường bộ như: Đào phá ta luy dương đường, phá rãnh đỉnh bê tông, lắp ghép, san lấp mặt bằng, xâm phạm đất đã giải phóng mặt bằng, lấn chiếm HLATĐB, vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây khó khăn cho quản lý quy hoạch xây dựng địa phương. Ngoài ra, có 5 vụ việc vi phạm như: Lấp rãnh, mở đường đấu nối trái phép vào tuyến đường để vận chuyển đất, đá, vật liệu xây dựng, xây dựng nhà xưởng trong phạm vi HLATĐB; 23 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở, mái che, tường rào, sân bê tông, nhà xưởng trong đất đường bộ và đất HLATĐB chưa được xử lý. Bên cạnh đó, thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều xe ô tô (loại 3 chân, 4 chân) quá khổ, quá tải vận chuyển đất từ mỏ đá, km 17+800 (trái tuyến) và các mỏ đá bazan tại km 17+ 850 (phải tuyến) chạy với tốc độ cao, ngày đêm trở đất, đá về phía Hà Nội gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, cũng như làm ảnh hưởng đến kết cấu đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Cùng với những vi phạm HLATĐB, thời gian qua, một số đối tượng đã trộm cắp hộ lan (tại vị trí km 18+200 (phải), km 19+260 (trái) và một số người dân tự ý tháo dỡ tôn hộ lan để mở lối đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, nếu tình trạng trên không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT và quy hoạch mở rộng xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình sau này. Nắm bắt được thực tế này, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp đấu nối trái phép gây mất ATGT, an toàn công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình. Đối với các trường hợp đấu nối vào tuyến đường, đề nghị các địa phương chỉ đạo xây dựng hệ thống đường gom để đấu nối vào tuyến tại các điểm đấu nối theo quy hoạch; lưu ý đường gom cần nằm ngoài hành lang tuyến cao tốc trong tương lai.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, đóng ngay 6 điểm đấu nối trái phép và 3 điểm đấu nối tạm tránh nguy cơ mất ATGT, đồng thời có chế tài xử lý để ngăn chặn hoạt động trở lại của các điểm đấu nối trái phép này. Chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong và ngoài HLATĐB, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng dọc theo đường bộ theo quy định. Xử lý nghiêm những hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản gây mất ATGT. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ I, Thanh tra Đường bộ, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Hòa Bình, Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB, giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB thuộc phạm vi đơn vị trực tiếp quản lý.

Lê Chung



Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục