(HBĐT) - Bước vào mùa lễ hội năm 2022, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và Cảng vụ đường thuỷ nội địa chi nhánh Hoà Bình (Cảng vụ Hoà Bình) tổ chức rà soát, thống kê các phương tiện vận tải hành khách trên vùng lòng hồ sông Đà phục vụ lễ hội. Với phương châm kiên quyết không để các phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn hoạt động, các đơn vị chức năng đã buộc nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn phải "nằm bến” trong mùa lễ hội năm nay.


Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) nhắc nhở, giúp người dân mặc áo phao cứu sinh khi đi trên phương tiện thủy.

 Buộc nhiều tàu, thuyền "nằm bến"

Theo Thiếu tá Bạch Công Thi, Đội phó Đội CSGT đường thủy, sau một thời gian dừng đưa đón khách đi lễ hội đền Bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với chủ trương mở cửa trở lại đón khách du lịch thăm quan, đi lễ hội đền Chúa Thác Bờ dịp đầu năm trong điều kiện bình thường mới, ngay khi bước vào mùa lễ hội, Đội CSGT đường thủy đã chủ động phối hợp các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo Nghị định số 139/2021/NĐ-CP; tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy. Đồng thời kiểm tra, rà soát các phương tiện. Qua kiểm tra lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn. 

Theo thống kê, hiện trên tuyến đường thủy lòng hồ sông Đà thuộc địa bàn tỉnh có 185 phương tiện thủy đăng ký hoạt động chuyên chở khách du lịch, thăm quan, lễ hội... Đội CSGT đường thủy phối hợp Cảng vụ Hoà Bình rà soát, tổng kiểm tra các phương tiện, qua đó lập biên bản đình chỉ, cấm hoạt động đối với 25 phương tiện thủy không đảm bảo quy định về an toàn khi tham gia giao thông, chở khách. Cũng theo Thiếu tá Bạch Công Thi, các phương tiện bị đình chỉ, cấm hoạt động đều là những phương tiện cũ, nhỏ, có nhiều hỏng hóc không được duy tu, sửa chữa thường xuyên, nguy cơ cao về mất an toàn khi tham gia giao thông, chở khách trên tuyến đường thủy. Tất cả các phương tiện này đều được lập danh sách, niêm yết, thông báo công khai, rộng rãi tại các bến cảng. Cùng với đó, lực lượng CSGT và Cảng vụ Hoà Bình thường xuyên theo dõi, nắm bắt để kịp thời, phát hiện, xử lý nghiêm các chủ phương tiện cố tình vi phạm. Anh Bùi Văn Sơn, chủ phương tiện phải "nằm bến” ở bến du lịch Ngòi Hoa, xã Suối Hoa (Tân Lạc) trong mùa lễ hội năm 2022 chia sẻ: Thuyền chở khách của gia đình có một số hỏng hóc chưa được sửa chữa. Đầu năm nay khi kiểm tra bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, đình chỉ hoạt động. Đây là lỗi chủ quan nên chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Anh Bùi Văn Chin, chủ phương tiện cũng phải "nằm bến” thẳng thắn: Phương tiện của chúng tôi không không đảm bảo an toàn thì đương nhiên không thể tham gia phục vụ du khách được. Nếu chúng tôi cố tình vi phạm không chỉ gây nguy hiểm cho du khách mà cho chính cả bản thân.

Cố tình vi phạm, nhiều du khách bị xử lý nghiêm

Bên cạnh việc kiên quyết cho các phương tiện không đảm bảo an toàn "nằm bến”, lực lượng CSGT đường thủy đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về mang mặc áo phao, trang bị phương tiện, thiết bị nổi, cứu sinh trên các phương tiện chở khách. Ở bền tàu du lịch Thung Nai (Cao Phong), ngoài việc chỉ huy, sắp xếp các phương tiện thủy ra vào bến đón trả khách, anh Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Cảng vụ Hòa Bình kiêm luôn cả việc nhắc nhở du khách khi lên tàu nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, mang mặc áo phao đầy đủ và thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Nếu hành khách trên tàu thuyền chưa mang mặc đầy đủ áo phao đều không được xuất bến.

Tính từ ngày 4/2 (mùng 4 Tết) đến ngày 12/2, qua tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT đường thủy đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính gần 10 trường hợp là người tham gia giao thông trên các phương tiện thủy, với tổng số tiền phạt hàng chục triệu đồng vi phạm quy định về không mang mặc áo phao, phương tiện nổi khi trên tàu thuyền. Thiếu tá Bạch Công Thi cho biết: Từ năm 2021, việc xử lý đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện giao thông đường thủy bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 34, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP rất cao. Theo đó, mỗi trường hợp vi phạm bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Những quy định này đã được đơn vị phổ biến đến 100% chủ phương tiện. Do vậy, các chủ phương tiện chấp hành nghiêm quy định trước khi rời bến. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp vi phạm do ý thức chủ quan của hành khách. Chúng tôi rất mong mỗi hành khách khi tham gia giao thông trên các phương tiện thủy luôn nêu cao ý thức, chấp hành tốt quy định về đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo mùa du lịch lễ hội trên vùng lòng hồ Hòa Bình an toàn, vui tươi. 


Mạnh Hùng

Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục