(HBĐT) - Trước sự việc một số đối tượng giả mạo cán bộ Công an gọi điện thoại bán tài liệu và tập huấn cấp chứng nhận về phòng cháy chữa cháy (PCCC) để trục lợi, cơ quan chức năng Công an tỉnh đã phát đi cảnh báo, đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân cảnh giác không giao dịch mua bán với các đối tượng này. 


Lực lượng chức năng tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy cho tiểu thương tại khu vực đền Bờ, xã Thung Nai (Cao Phong).

Muôn trò lừa đảo 

Qua nắm bắt thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh gặp phải trường hợp bị một số đối tượng giả danh là cán bộ Công an tỉnh gọi điện đặt vấn đề bán tài liệu và tập huấn cấp chứng nhận về PCCC nhằm trục lợi. Theo phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh: Thời gian qua, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC, do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng để giả mạo là cán bộ Công an, thậm chí mạo danh là cán bộ công tác tại phòng để gọi điện đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ SXKD thuộc diện quản lý về an toàn PCCC để lừa đảo bán tài liệu, yêu cầu tập huấn cấp chứng nhận về PCCC nhằm trục lợi. 

Đơn cử như Công an huyện Đà Bắc nhận được thông tin từ cán bộ phụ trách công tác đảm bảo nội vụ cơ quan Huyện ủy về việc có đối tượng dùng số điện thoại 082 88xxx45 gọi điện xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh yêu cầu đơn vị làm hồ sơ PCCC, tập huấn để cấp chứng nhận, chứng chỉ về PCCC... Sau khi gọi điện lại để xác minh, biết phía người gọi đến là cán bộ Công an huyện Đà Bắc, ngay lập tức số điện thoại trên dừng liên lạc.

Phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường dùng là giả danh, giả mạo cán bộ Công an gọi điện thoại đến các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở SXKD thông báo về việc tới đây cơ quan chức năng sẽ tiến hành đợt cao điểm về kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan đến hồ sơ công tác PCCC, nếu không chấp hành sẽ bị đình chỉ hoạt động. Khi cơ sở đồng ý, các đối tượng sẽ gửi hồ sơ, tài liệu, yêu cầu chuyển tiền.

Theo Thiếu tá Xa Thanh Hải, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Đà Bắc, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số đối tượng tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), Công an huyện gọi điện thoại cho các hộ kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu tập huấn, mua tài liệu, cấp chứng chỉ về PCCC... Qua kiểm tra, xác minh, hầu như không liên lạc được hoặc đưa ra những thông tin mập mờ nhằm dọa nạt, yêu cầu người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện yêu cầu tập huấn, xây dựng hồ sơ, cấp chứng chỉ liên quan đến công tác PCCC. Theo thông tin các đối tượng đưa ra, việc giao dịch, chuyển tiền thực hiện theo nhiều phương thức như chuyển khoản, chuyển phát nhanh... Với phương thức, thủ đoạn này đã có người dân, doanh nghiệp bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khẳng định: Cán bộ phòng không bao giờ làm việc qua điện thoại. Khi có công việc cần liên hệ với cơ sở đều có thông báo bằng văn bản trước tối thiểu 3 ngày; đồng thời, cử người trực tiếp đến cơ sở hoặc mời cơ sở đến làm việc tại trụ sở đơn vị.

Khó khăn trong điều tra, phát hiện, xử lý

Phương thức, thủ đoạn trên không phải là hình thức lừa đảo mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên đã bị các đối tượng lừa đảo. Việc điều tra, xác minh, xử lý khó khăn, bởi nhiều người cho rằng, số tiền bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt không lớn nên không trình báo cơ quan Công an. Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thường có địa chỉ cư trú ở các địa phương ngoài tỉnh; số điện thoại dùng để liên lạc thường là sim rác, chỉ liên lạc theo chiều gọi đi nên khi gọi lại để xác minh không được...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối tượng mạo danh cán bộ Công an thực hiện hành vi lừa đảo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp Công an các huyện, thành phố ban hành các văn bản; phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh gửi hàng chục nghìn tin nhắn SMS và gửi thông tin trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, nêu rõ phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng. Đồng thời, khuyến cáo đại diện các cơ sở, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người dân khi nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền để tập huấn, xây dựng hồ sơ về PCCC, cấp chứng chỉ liên quan PCCC hoặc nghi ngờ bị lừa đảo... cần thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Hoặc thông tin đến Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, không để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Chia sẻ thông tin rộng rãi về các thủ đoạn lừa đảo cho người thân và cộng đồng, tránh mắc bẫy đối tượng xấu...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục