Một gia đình có tới 5 người bị phạt hành chính, 2 người lần lượt vào tù. Tất cả bắt đầu từ việc vì cần tiền trả nợ, người cha phải đem đất cầm cố...

Đó là hoàn cảnh hiện nay của gia đình ông Huỳnh Cẩm Sìn (ngụ ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè - Tiền Giang).

Nợ một, tòa xử trả hai


Năm 1996, do nuôi heo thua lỗ, ông Sìn phải vay mượn nhiều người để trả tiền mua thức ăn. Sợ cảnh lãi mẹ đẻ lãi con, ông Sìn đem 5.785 m2 đất cầm cố cho vợ chồng ông Lê Văn Tủ và bà Phan Thị Sữa (người cùng địa phương) lấy 60 chỉ vàng đem bán lấy tiền trả nợ. Ngay khi nhận vàng, ông Sìn giao ruộng cho vợ chồng ông Tủ canh tác, nói khi nào làm ăn có tiền thì mang vàng đến chuộc.


Bảy năm sau (đầu năm 2003), ông Sìn đem vàng đến nhà vợ chồng ông Tủ xin chuộc lại ruộng như thỏa thuận trước đó nhưng vợ chồng ông Tủ viện lý do lúc trước ông Sìn bán chớ không phải “đợ” nên không cho chuộc. Ông Sìn khởi kiện vợ chồng ông Tủ đòi lại đất.

Ngày 28-8-2003, TAND huyện Cái Bè xử buộc vợ chồng ông Tủ giao trả lại đất cho ông Sìn, đồng thời ông Sìn trả lại 60 chỉ vàng 24k cho vợ chồng ông Tủ; bác yêu cầu của vợ chồng ông Tủ đòi ông Sìn trả 120 chỉ vàng 24k mới cho chuộc lại ruộng vì không có căn cứ.


Vợ chồng ông Tủ kháng cáo. Ngày 22-12-2003, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm, buộc vợ chồng ông Tủ trả ruộng lại cho ông Sìn, đồng thời buộc vợ chồng ông Sìn trả 120 chỉ vàng theo yêu cầu kháng cáo của vợ chồng ông Tủ.


Hệ lụy từ bản án phúc thẩm


Sau khi án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông Tủ giao trả ruộng và yêu cầu ông Sìn phải trả đủ 120 chỉ vàng như án phúc thẩm đã tuyên, nếu không họ sẽ yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý ông về hành vi không chấp hành án. Do ông Sìn không chịu thực hiện theo bản án phúc thẩm nên cơ quan Thi hành án huyện Cái Bè tiến hành cưỡng chế 4.000/5.785 m2 đưa đi bán đấu giá để thi hành bản án.


Ngày 29-11-2007, trong lúc đoàn cưỡng chế đất đang tiến hành làm việc, do bức xúc nên con gái ông Sìn là Huỳnh Kim Thủy có hành vi xô xát với chấp hành viên cơ quan Thi hành án huyện Cái Bè nên bị bắt về Công an xã Hòa Khánh xử lý. Ngày 26-12-2007, Huỳnh Kim Thủy bị TAND huyện Cái Bè phạt 9 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.
 
Trước khi Huỳnh Kim Thủy bị đưa ra xét xử, vào ngày 12-12-2007, UBND huyện Cái Bè đã cấp quyền sử dụng 4.000 m2 đất cho ông Tủ, với lý do đất bán đấu giá không có người mua nên giao cho ông Tủ để cấn trừ số vàng ông Sìn phải thi hành án.


Sau đó, gia đình ông Sìn nhận tiếp những tờ giấy báo của cơ quan Thi hành án Cái Bè với nội dung 4.000 m2 đất chỉ được định giá 136 triệu đồng, trừ chi phí thi hành án còn lại 133,7 triệu đồng, tương đương 110,51 chỉ vàng, ông Sìn còn thiếu khoảng 9,49 chỉ vàng.

Với số nợ này, cơ quan Thi hành án huyện Cái Bè tiếp tục cưỡng chế 600 m2 để thi hành án. Quá bức xúc, gia đình ông Sìn cương quyết không giao phần đất đã bị cưỡng chế trước đó, dẫn tới việc ông Sìn, vợ ông là bà Bùi Thị Tám cùng các con Huỳnh Thanh Tuấn, Huỳnh Kim Thanh, Huỳnh Kim Tiến bị UBND huyện Cái Bè phạt mỗi người 10 triệu đồng về hành vi lấn, chiếm đất vào ngày 3-6-2008. Đến ngày 16-11-2009, CQĐT Công an huyện Cái Bè ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Bùi Thị Tám về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.


Một bản án vi phạm tố tụng


Ngày 1-3-2010, VKSND huyện Cái Bè ra cáo trạng truy tố bà Tám ra tòa với lý do sau khi bị phạt hành chính, bà vẫn tiếp tục lấn chiếm đất (tuy nhiên, trong hồ sơ không có biên bản thể hiện việc bà Tám tái phạm, cũng có nghĩa một hành vi vi phạm bị xử lý đến 2 lần); miễn không truy tố ông Sìn do ông có quan hệ vợ chồng với bà Tám, hơn nữa hành vi lấn, chiếm ở mức độ nhỏ. Bà Tám và các con làm đơn kêu oan, cho rằng VKSND huyện Cái Bè truy tố không có căn cứ pháp lý.
 
Theo đó, từ các bước thi hành án, xử lý của UBND huyện, khởi tố, bắt giam và truy tố bà Tám đều căn cứ vào bản án phúc thẩm số 509/DSPT ngày 22-12-2003 của TAND tỉnh Tiền Giang nhưng bản án này đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Bởi lẽ, trong suốt quá trình xét xử sơ, phúc thẩm tranh chấp giữa ông Sìn và vợ chồng ông Tủ, bà Tám không tham gia nhưng án phúc thẩm lại tuyên buộc bà và chồng phải trả cho vợ chồng ông Tủ 120 chỉ vàng.


Theo ý kiến của một số luật sư, muốn đưa bà Tám tham gia tố tụng để cùng trả nợ với chồng, cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. Vì qua hồ sơ cho thấy, từ đầu đến cuối, giao dịch cầm cố chỉ diễn ra giữa ông Sìn với vợ chồng ông Tủ, bà Tám không hề hay biết. Vì vậy, khi cưỡng chế, cơ quan thi hành án nên xem xét đó là tài sản chung giữa ông Sìn và bà Tám.

Mặt khác, phần đất mà cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế ghi rất rõ “cấp cho hộ ông Huỳnh Cẩm Sìn sử dụng”, không phải cho cá nhân ông. Tuy nhiên, cơ quan Thi hành án huyện Cái Bè không phát hiện vi phạm về tố tụng của án phúc thẩm, không dự liệu đến quyền lợi của các thành viên khác trong hộ này là một thiếu sót không nhỏ, khiến những thành viên có quyền lợi liên quan bức xúc, phản ứng để  rồi trở thành đối tượng chế tài của pháp luật.


Thêm nữa, các văn bản cơ quan Thi hành án huyện Cái Bè gởi cho gia đình ông Sìn không ghi vợ ông là bà Bùi Thị Tám, mà ghi là bà Phan Thị Sữa (tên của vợ ông Tủ). Chẳng hạn, thông báo số 45/TB-THA ngày 15-11-2007 của cơ quan Thi hành án Cái Bè ghi sẽ tiến hành cưỡng chế đối với ông Huỳnh Cẩm Sìn và bà Phan Thị Sữa. Tại thông báo số 46/TB-THA ngày 15-11-2007 cũng ghi bản án số 509/DSPT ngày 12-12-2003 của TAND tỉnh Tiền Giang xử ông Huỳnh Cẩm Sìn, Phan Thị Sữa trả cho ông Lê Văn Tủ 12 lượng vàng. Do ông Sìn và bà Sữa không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, định giá, bán đấu giá đất.

 

 

                                                    Theo NLĐ

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục