37 năm, sau cái đêm kinh hoàng mà 5 đồng chí của chúng tôi hy sinh trong hang đá trên núi Hòn Tàu đó, biết bao lần gia đình các liệt sĩ đi tìm đồng đội và nơi hy sinh của chồng con và đồng đội của các anh cũng biết bao lần đi tìm thân nhân các anh mà không được. Trường hợp anh Thăng là một ví dụ.

Hôm đó, tôi sững sờ khi nhận được một cú điện thoại. Người từ đầu dây xưng là cháu với tôi và tự giới thiệu: "Cháu là Nam, con của bố Thăng trước đây ở cùng Tổ phóng viên Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) Quảng Đà với chú…", rồi nghẹn ngào không nói thành tiếng. Người tôi như bị điện giật, sững sờ vì 37 năm nay, kể từ ngày anh Hoàng Quốc Thăng hy sinh, tôi, và không chỉ có tôi, một số bạn bè của anh và cả cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã đi tìm mà không sao tìm được quê quán và người thân của anh. Nay bất ngờ con trai anh lại gọi điện cho tôi!

Cuộc chia tay định mệnh

Cuối năm 1971, tôi được cử làm Tổ trưởng Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà chỉ có ba người: tôi và hai điện báo viên là anh Hoàng Quốc Thăng, quê ở Hải Dương và anh Võ Công Thu quê ở Quảng Nam. Tôi từ trên Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V xuống, còn hai anh Thăng, Thu là người tại chỗ. Khi tôi xuống tới Quảng Đà thì được biết, do thiếu điện báo viên nên TTXGP Quảng Đà đã tạm thời tiếp nhận anh Hoàng Quốc Thăng là một điện báo viên của ngành bưu điện, do sức khoẻ yếu, đã có quyết định ra Bắc chữa bệnh, về làm việc tạm thời tại đây trong thời gian chờ có đoàn ra Bắc. Còn Võ Công Thu là một thanh niên địa phương, thoát ly gia đình lên chiến khu, khỏe mạnh nên được cử quay máy ra-gô-nô cho máy thông tin 15W để anh Thăng phát tin của phóng viên ra Bắc.

Anh Thăng hơn tôi đến hơn chục tuổi, vào chiến trường miền Nam từ năm 1965, người gầy, yếu, nước da xanh tái vì đau dạ dày và sốt rét triền miên. Chúng tôi ở cùng nhau trong một cái hang bốn bề là những tảng đá lớn chồng lên nhau, trên nóc hang là một tảng đá giống như mái nhà, nặng dễ hàng chục tấn. Đây là hang đá rất chắc chắn trên núi Hòn Tàu, nơi Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng quân. Hang đá này được dành cho TTXGP ở vì có điện đài, dễ bị lộ.

Ở với nhau được ít ngày thì bước vào đợt 2 của chiến dịch Xuân Hè 1972, tôi phải xuống đồng bằng, vào sát vùng ven thị trấn Ái Nghĩa thuộc huyện Đại Lộc để viết bài, đưa tin; còn anh Thăng được báo ba ngày sau sẽ theo một đoàn ra Bắc chữa bệnh.

Trưa hôm ấy, chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan vừa để tiễn tôi xuống đồng bằng vừa để tiễn anh Thăng ra Bắc chữa bệnh. Nói "liên hoan" cho oai, thực ra đó chỉ là một bữa ăn tươi gồm vài gói mì chay, nhãn hiệu ông Phật, có thêm một hộp thịt lợn của Mỹ, chiến lợi phẩm mà chúng tôi được một đồng chí bộ đội cho, cứ để dành mãi nay mới sử dụng.

Chúng tôi xì xụp với nhau ngay trong căn hầm đá rất chắc chắn dùng làm nơi ở và nơi đặt máy phát tin 15W của TTXGP Quảng Đà. Từ trong hang đá này, chúng tôi thường xuyên đánh "mooc" chuyển thẳng tin "minh ngữ", không qua mật mã, ra Hà Nội. Chính vì thế những nơi đặt điện đài của TTXGP đều là mục tiêu dễ lộ đối với các loại máy bay ném bom của Mỹ.

Ăn xong bát mỳ liên hoan, xế chiều tôi phải theo giao liên xuống đồng bằng để kịp nửa đêm phải vượt qua một đoạn đường nguy hiểm thường hay bị lính Sài Gòn phục kích. Anh Thăng ôm tiễn tôi, xúc động dặn dò:

- Anh nhớ giữ gìn cẩn thận, đừng để xảy ra điều gì đáng tiếc. Ra tới Hà Nội thế nào tôi cũng đến thăm ông cụ, chuyển thư và quà anh gửi ra.

Món quà mà anh Thăng nói ấy, là một tấm vải dù của lính Mỹ đã được khâu lại thành một tấm đắp mỏng tôi nhờ anh chuyển ra cho cha tôi. Tôi hiểu ý tứ anh Thăng trong lời căn dặn trước khi chia tay, bởi vì mấy hôm trước, trong khi vui chuyện anh em chúng tôi nửa đùa nửa thật, nói: "Năm nào cũng có một hai nhà báo hy sinh, không biết năm nay đến lượt ai?".

Đêm thứ hai xuống tới vùng ven thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, nhìn lên phía núi Hòn Tàu, nơi chúng tôi ở, tôi thấy máy bay B.52 của Mỹ giội bom hết đợt này đến đợt khác. Tôi phấp phỏng, lo lắng, không biết chúng có ném bom đúng cơ quan Ban Tuyên huấn Quảng Đà không? Anh em chúng tôi có ai việc gì không? Ruột gan cồn cào, tôi mong chóng kết thúc chuyến công tác để trở về cơ quan. Khi về đến nơi, tôi không còn nhận ra hang đá nơi ở cũ của mình nữa. Trước mắt tôi là cảnh tan hoang, ngổn ngang đất đá và mùi tử khí. Hang đá xưa nay chỉ còn là một đống đá chồng chất.

Anh Hoàng Quốc Thăng, anh Võ Công Thu, hai đồng chí điện báo viên thân yêu của chúng tôi và các anh Hoàng Kim Tùng, Bí thư Chi bộ Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà, Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh, hai công nhân Đội Chiếu bóng Quảng Đà đêm đó đem phim đến chiếu phục vụ hội nghị của Ban Tuyên huấn, khi nghe thấy tiếng máy bay từ xa đã chui vào hang, bị một quả bom thả đúng nóc hang, hy sinh. Tảng đá nặng hàng chục tấn vỡ thành nhiều khối lớn lấp kín cửa hang và vùi cả 5 đồng chí của chúng tôi trong đó.

Tôi cùng những đồng chí sống sót sau trận bom kinh hoàng giết chết 12 anh chị em ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà rạng sáng 22/5/1972, trong đó có 5 anh em trong "ngôi nhà" của Tổ phóng viên TTXGP chúng tôi, đứng lặng trước đống đá đã vùi kín đồng đội mình, nước mắt lưng tròng. Tôi đau đớn được biết rằng sau trận bom, một tảng đá lớn đè ngang người một đồng chí, một cẳng chân của anh còn thòi ra ngoài mà không sao có thể bẩy tảng đá lên để lấy thi hài anh. Những người còn sống sót đành đắp thêm đất lên chỗ cẳng chân thòi ra ngoài đó, tạo thành một nấm mộ trước cửa hang. Thế là cái hang đá, nơi ở của chúng tôi đã thành ngôi mộ chôn chung  5 đồng chí hy sinh.

37 năm, biết bao lần tìm kiếm

37 năm, sau cái đêm kinh hoàng mà 5 đồng chí của chúng tôi hy sinh trong hang đá trên núi Hòn Tàu đó, biết bao lần gia đình các liệt sĩ đi tìm đồng đội và nơi hy sinh của chồng con và đồng đội của các anh cũng biết bao lần đi tìm thân nhân các anh mà không được. Trường hợp anh Thăng là một ví dụ.

Do không phải là người Ban Tuyên huấn Quảng Đà quản lý nên cơ quan này không có hồ sơ gốc của anh, không biết quê quán và cả tên thật của anh. Tôi cũng vậy, chỉ nghe anh kể quê ở Hải Dương mà không sao nhớ nổi anh ở xã nào, huyện nào và trước khi vào chiến trường tên thật của anh là gì?  Vì thế, suốt mấy chục năm tìm kiếm vẫn không gặp được gia đình anh.

Còn gia đình anh cũng thế. Trước khi đi Nam, anh Thăng có tên thật là Hoàng Văn Đáo, vào trong chiến trường anh mới đổi tên là Hoàng Quốc Thăng. Chị Nguyễn Thị Khuy, vợ anh, chỉ biết anh được theo đoàn cán bộ của ngành bưu điện, vào chiến trường nhiều năm công tác tại tỉnh Quảng Đà. Sau lá thư cuối cùng đầu năm 1972 anh viết từ Quảng Đà gửi về báo tin sắp được ra Bắc chữa bệnh, chị không còn nhận được tin gì của anh.

Năm 1977 chị  Khuy tìm đến các cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, lên cả Trung ương để hỏi tin tức của chồng, sau đó nhận được tin chính thức báo chồng chị đã hy sinh tại chiến trường miền Nam nhưng không biết địa chỉ cụ thể nơi chồng làm việc và hy sinh.

Sau này, Hoàng Quốc Nam, Thiếu tá Quân đội, con trai cả của anh Thăng thay mẹ đi tìm nơi bố hy sinh với mong mỏi được đưa hài cốt bố về quê. Nhiều lần Nam đến cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) để nhận báo và bản tin nhưng không biết bố mình đã từng là điện báo viên của cơ quan này và có tên trong danh sách liệt sĩ của TTXVN  hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ.

Hoàng Quốc Nam đã từng nhờ cậy 3 nhà ngoại cảm, tìm vào tận Quảng Nam, và không biết có "đường dây" liên quan nào với chuyến về Đại Lộc năm 1972 trước ngày chia tay anh Hoàng Quốc Thăng hay không, con trai anh Thăng đã nghe theo lời một nhà ngoại cảm đến huyện Đại Lộc để hỏi tin về bố mình. Thật không ngờ khi đến đây anh được một cán bộ từng tham gia kháng chiến chỉ dẫn để tìm được số điện thoại của nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và nhà báo Trương Ngọc Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng và qua hai anh biết được số điện thoại của tôi. Và thế là, sau 37 năm tôi mới được gặp người con trai đầu của anh Hoàng Quốc Thăng, nay đã ở tuổi ngũ tuần.

Đau lắm, chưa đưa được các anh về

Nhận được điện của anh Hoàng Quốc Nam cũng là lúc tôi nhận được điện của anh Trương Ngọc Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng. Anh cho biết Báo Đà Nẵng của anh mới có bài viết về chuyến đi tìm lại hang đá nơi 5 đồng chí của chúng tôi hy sinh năm 1972 đến nay chưa đưa được hài cốt các anh về với gia đình và đồng đội.  

Năm 1992, các đồng chí, đồng nghiệp của các anh ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng và ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà năm xưa đã bươn bả, vạch cây rừng, vượt núi, băng đèo lên với các anh, nhưng không có cách nào đưa được các anh về với gia đình, đồng đội. Các đồng chí, đồng nghiệp đành phải đặt một tấm bia nhỏ ghi tên các anh đã hy sinh tại nơi đây và mang một ít đất về đựng trong 5 chiếc tiểu sành, làm thành 5 ngôi "mộ gió" ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn để hương khói tưởng nhớ các anh.

Năm 2009, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, các nhà văn, nhà báo, bạn bè đồng nghiệp của 5 liệt sĩ ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà cùng vợ chồng anh Hoàng Tuấn Anh, con trai của liệt sĩ, nhà báo Hoàng Kim Tùng, lại một lần nữa vừa đi vừa phải phát quang mở đường trong rừng để tìm đến các anh. Gần 40 năm đã qua, nơi các anh yên nghỉ nay thành rừng, mọi vật đã đổi thay khó có thể nhận ra được. Suốt cả ngày luồn rừng vất vả, nhiều lúc lạc nhau mà đến tối vẫn không tìm được nơi các anh ngã  xuống. Hơn một tháng sau ngày đi tìm ấy, bạn bè và gia đình anh Tùng vẫn không nản, tiếp tục việc tìm kiếm, và lần gần đây nhất đã tìm được nơi các anh hy sinh.

Trong một lá thư gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam và Báo Đà Nẵng gần đây, bà Phan Thị Thọ, vợ liệt sĩ, nhà báo Hoàng Kim Tùng đã viết: "Gần 40 năm trôi qua, cứ mỗi lần đến ngày giỗ, ngày Tết gia đình các liệt sĩ chỉ biết thắp nén hương hướng về núi Hòn Tàu xa xăm, khấn vái, đau lòng… Gia đình chúng tôi, những người mẹ, người vợ, người con, người cháu ruột thịt, gần 40 năm qua chỉ biết ngóng về Hòn Tàu chờ mong, chưa một lần đến được đó thắp hương cho chồng, cho con, cho cha, cho ông được…".

Còn bà Nguyễn Thị Khuy, sau khi biết đích xác sự hy sinh và nơi hy sinh của chồng mình, rất cảm động được TTXVN cử cán bộ về tận nhà, ở thôn Triều, xã Tân Dân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương thăm hỏi, tặng quà và trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam và Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn xã, ghi nhớ những đóng góp của liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng với sự nghiệp báo chí nước nhà.

Nguyện vọng lớn nhất của bà cũng như của bà Phan Thị Thọ, vợ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, cũng là nguyện vọng của những người vợ, người mẹ, người con của các liệt sĩ khác là mong có một ngày đưa được hài cốt các anh từ hang đá trên núi Hòn Tàu về, dù có ở chung một ngôi mộ, cũng yên lòng.

Chung một nỗi niềm như thế, có Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc, một người không quen các gia đình liệt sĩ. Ngày 1/5/2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình giao lưu Nhà báo - Chiến sỹ tại Trường quay S9 mà tôi được tham gia. Khi kể lại sự hy sinh của 5 đồng chí, đồng nghiệp trong trận ném bom B.52 của Mỹ vào hang đá trên núi Hòn Tàu thảm khốc ấy, nhắc đến hình ảnh một đồng chí hy sinh, hòn đá to đè ngang người, một cẳng chân còn thòi ra ngoài cửa hang mà không sao bẩy được tảng đá ra để lấy được thi hài, tôi bật khóc trước hàng trăm người trong hội trường.

Sau buổi gặp gỡ và giao lưu đó, tôi nhận được điện thoại của Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc. Anh nói rất xúc động khi nghe tôi kể lại câu chuyện này, bày tỏ ý nguyện với kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình trong ngành xây dựng công trình anh sẵn sàng giúp địa phương và gia đình chinh phục những tảng đá khổng lồ đã và đang còn vùi lấp các liệt sĩ trong trận bom rạng sáng 22/5/1972 ấy để đưa hài cốt các anh về với gia đình và đồng đội. 

Cuối năm 2009, có dịp vào Đà Nẵng, tôi gặp nhà văn Hồ Duy Lệ, người bạn cùng ở nhóm nhà văn, nhà báo của Ban Tuyên huấn Quảng Đà năm xưa, người nhiều lần cùng đồng đội lên với các liệt sĩ hiện vẫn còn nằm lại trên núi Hòn Tàu và nhà báo Trương Ngọc Phương để cùng bàn việc tổ chức một chuyến đi nữa lên Hòn Tàu, xác định chính xác hang đá năm xưa để đưa hài cốt 5 liệt sĩ về với gia đình, quê hương và đồng đội. Làm được điều này, không chỉ là ý nguyện của các gia đình liệt sĩ mà còn là của chúng tôi, những người đồng chí, đồng nghiệp của các liệt sĩ

                                                                                 Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục