Sau khi con trai ra nước ngoài XKLĐ gọi điện về đề nghị bố mẹ đóng tiền học phí cho Trường Chosun (Hàn Quốc), bố mẹ cậu N. ở Hà Tĩnh mới ngớ người... Khi cơ quan chức năng tìm hiểu hồ sơ của cậu ở Trung tâm H. tại phường Nhân Chính, quận Cầu Giấy thì mới vỡ lẽ, N. được làm thủ tục ra nước ngoài theo diện du học.

 

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những con đường mà người nghèo lựa chọn để thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng, thực tế đáng buồn là liên tục xảy ra các vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực này. Nhiều người nông dân chân lấm, tay bùn phải gom từng đồng tiền lẻ, thế chấp toàn bộ nhà cửa, đất đai, vay mượn… để có tiền đi thực hiện ước mơ đổi đời ở nơi xa bằng chính sức lao động của mình. Và rồi, ước mơ đó bỗng chốc biến thành bi kịch, gánh nặng nợ nần chồng chất, người nghèo khổ bị kẻ bất lương dồn vào con đường cùng cực.

Mạo danh cán bộ cấp cao

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo XKLĐ luôn gây nhức nhối, bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tiền bạc, tài sản của nhiều người lao động. Đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm đưa "con mồi" vào bẫy. Chúng nhằm vào tâm lý muốn đến thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… để lừa đảo người lao động.

Thủ đoạn đầu tiên phải kể đến là mạo danh cán bộ cấp cao để tạo uy tín của những kẻ lừa đảo. Tình trạng mạo danh, giả danh cán bộ phòng LĐ-TB&XH tỉnh, cán bộ của các doanh nghiệp XKLĐ hoặc có mối quan hệ với Bộ LĐ-TB&XH… để đứng ra tuyển lao động, thu tiền nhằm lừa đảo, chiếm đoạt chiếm tỷ lệ khá lớn trong các vụ việc lừa đảo XKLĐ. Các đối tượng này thường làm giả hồ sơ, hợp đồng tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài, có dấu giả và chữ ký giả của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) hoặc Trung tâm lao động nước ngoài để tạo lòng tin với người lao động. 

Công an Hà Nội tiếp nhận nạn nhân bị lừa XKLĐ.

Báo CAND từng tiếp nhận tố cáo của anh Lê Xuân Thắng ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; anh Nguyễn Công Việt, Trần Văn Long ở Hà Tĩnh; anh Trần Văn Sinh ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đối tượng bị tố cáo là Trương Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận XKLĐ Trung tâm đào tạo phát triển KHCN ở tỉnh Nghệ An.

Mặc dù cơ quan này không có chức năng XKLĐ đi Đài Loan, nhưng Hà vẫn mạo danh cơ quan nhằm lừa đảo thu tiền bất chính của những lao động nghèo (từ 6.000- 8.000 USD/người). Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Công an Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh và bắt giữ Trương Thị Thu Hà.

Biến người lao động thành du học sinh, khách du lịch

Để đưa được người lao động ra nước ngoài, các đối tượng tổ chức cho người lao động ra nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông, visa du lịch ngắn ngày theo đường du lịch, du học, tham gia hội chợ quốc tế… rồi bán cho chủ sử dụng lao động nước ngoài.

Một số doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ cũng làm công tác tuyển chọn và thu tiền bất hợp pháp của người lao động với danh nghĩa đưa đi học và làm việc ở nước ngoài. Hoặc có tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp dưới danh nghĩa "Công ty cung ứng lao động", "Trung tâm du học vừa học vừa làm"… Bởi vậy mới có trường hợp người lao động muốn ra nước ngoài làm việc bị đối tượng lừa đảo biến thành du học sinh để dễ dàng xuất khẩu.

Một trường hợp điển hình ở Hà Tĩnh xảy ra cách đây hơn 2 năm, sau khi con trai ra nước ngoài XKLĐ gọi điện về đề nghị bố mẹ đóng tiền học phí cho Trường Chosun (Hàn Quốc), bố mẹ cậu N. ở tỉnh Hà Tĩnh mới ngớ người, không hiểu tại sao.

Khi cơ quan chức năng tìm hiểu hồ sơ của cậu ở Trung tâm H tại phường Nhân Chính, quận Cầu Giấy thì mới vỡ lẽ, N. được làm thủ tục ra nước ngoài theo diện du học. Trong hồ sơ, bố cậu là nông dân được "đổi đời" thành giám đốc một doanh nghiệp. N. đã phải chi cho trung tâm kia số tiền hơn 100 triệu đồng để đi… du học bắt buộc.

Nghìn lẻ thủ đoạn mới

Hiện nay, việc tổ chức học và thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn cho người lao động đi Hàn Quốc đang là vấn đề bị tội phạm lợi dụng. Trước nhu cầu cấp thiết của nhiều người lao động muốn đi làm việc ở Hàn Quốc, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ngãi… đã xuất hiện nhóm lừa đảo bằng cách làm giả chứng chỉ tiếng Hàn để thu hàng ngàn USD của người lao động. Chúng còn tổ chức các Trung tâm đào tạo tiếng Hàn và quảng cáo khẳng định học ở đó chắc chắn sẽ được đi XKLĐ tại Hàn Quốc nhằm thu lợi.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, khi thu tiền của người lao động, các đối tượng lừa đảo thường ghi giấy biên nhận với nội dung mập mờ như: Góp vốn kinh doanh, vay tiền làm ăn hoặc không ghi lý do thu tiền, chữ ký người nhận tiền không rõ ràng để đối phó với cơ quan pháp luật khi bị phát hiện. Kẻ lừa đảo sẽ đưa ra lý lẽ đây là hoạt động dân sự, có lao động nhận được phiếu thu ghi lý do rất lập lờ là "giữ hộ tiền xuất cảnh"...

Về thủ đoạn lừa đảo này, Trung tá Nguyễn Quốc Tráng, cán bộ Phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV (PC15), Công an TP Hà Nội cho biết, các đối tượng lừa đảo bằng hình thức trên đều giải thích rằng họ đưa người đi du lịch hoặc vay tiền của họ, nhưng người lao động khi được hỏi đều trả lời: "Chúng tôi làm gì có tiền mà đi du lịch nước ngoài", hoặc: "Giữa tôi và họ có quen biết hay họ hàng gì đâu mà cho vay tiền"…

Có trường hợp đối tượng lừa đảo tổ chức cho người nước ngoài trực tiếp thu tiền của người lao động, thuê người nước ngoài đến phỏng vấn và ký hợp đồng với người lao động để tạo lòng tin. Thậm chí, trong quá trình điều tra các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức XKLĐ, các điều tra viên còn phát hiện hiện tượng người đưa lao động đi XKLĐ xúi giục lao động trốn ra ngoài để tự người lao động phá hợp đồng, mất số tiền (được coi là tiền chống trốn)…

Cách nhận diện doanh nghiệp XKLĐ hợp pháp

Theo Cục QLLĐNN, để tránh bị lừa đảo, người lao động phải nắm được thông tin và tự kiểm tra tính hợp pháp của doanh nghiệp XKLĐ; hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có đảm bảo hay không; việc thu tiền của doanh nghiệp có đúng quy định hay không. Theo quy định, người lao động chỉ nộp các khoản tiền cho doanh nghiệp XKLĐ hoặc đơn vị được ủy quyền khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và theo những khoản tiền ghi trong hợp đồng. Đồng thời yêu cầu ghi rõ từng khoản tiền phải nộp và có hoá đơn chứng từ có dấu của doanh nghiệp XKLĐ hoặc đơn vị được ủy quyền.

Trường hợp doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải nộp một khoản tiền để làm thủ tục sau khi trúng tuyển (như tiền làm hồ sơ, thủ tục nhập cảnh (giấy phép, visa), vé máy bay, tiền môi giới và tiền ký quỹ (nếu có)…) thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải làm thoả thuận, trong đó cam kết về thời gian xuất cảnh và trách nhiệm thanh toán các khoản phí.

Ngoài ra, người lao động có thể kiểm tra thông tin tại cơ quan lao động địa phương (Phòng lao động của huyện hoặc Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, thành phố), hoặc gọi đến đường dây nóng của Cục QLLĐNN theo số máy 04.38249517, số máy lẻ 512, 513.

Cả nước hiện có 169 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chức năng XKLĐ. Tên và địa chỉ các doanh nghiệp này đều được công khai trên trang web của Cục QLLĐNN tại địa chỉ www.dolab.gov.vn. Tại đây, có thể xem các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp đã đăng ký và được Cục QLLĐNN chấp thuận. Từ đó người lao động có thể kiểm tra, lựa chọn hợp đồng hoặc doanh nghiệp để đi làm việc ở nước ngoài.

                                                                                   Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục