Cờ bạc, say máu

Cờ bạc, say máu "đỏ đen" đã trở thành căn bệnh trầm kha trong một bộ phận sinh viên.

Từ lâu, cờ bạc trong giới sinh viên đã trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa. Nhiều sinh viên lao vào cờ bạc như con "thiêu thân", buông xuôi chuyện học hành. Thực trạng sinh viên đánh bạc đã trở thành trò tiêu khiển "biến tướng", chuyện ăn thua mỗi ván vài triệu đồng đã không còn lạ trong giới sinh viên. Hậu quả, nhiều sinh viên phải bỏ học vì sợ chủ nợ săn lùng hoặc bị nhà trường đuổi học vì không đủ điểm tích lũy học tập.

Ôm tiền nhà đi đánh bạc

Ra tết, tình trạng sinh viên đánh bài bạc "nở rộ" từ các quán cà phê "vệ tinh" quanh các trường đại học lan ra tận ngóc ngách các dãy trọ. Ban đầu chỉ đánh độ ăn trái cây, hủ tiếu nhưng sau đó chuyển sang đánh ăn tiền. Khi máu "đỏ đen" bắt đầu thấm vào người thì số tiền lên đến vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng đã không còn gì lạ trong giới sinh viên hiện nay. Nhiều sinh viên sau khi thua hết tiền học phí còn đem cả xe máy, máy tính đi cầm để "nướng" tiếp vào các "sòng bạc" sinh viên.

Trường hợp của T.G.N. (sinh viên Trường ĐH Văn hóa, thuê trọ tại quận 2) lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì nạn cờ bạc lan tràn trong giới sinh viên sau Tết. Hai người bạn cùng phòng với N., "ôm" cả tiền đóng phòng trọ mà N. vừa thu của các bạn cùng phòng chưa kịp đóng cho chủ trọ mang đi đánh bài. Khiến N. đầu năm đã phải nhận trận mắng sa sả của chủ nhà vì đóng trễ tiền nhà hơn nửa tháng.

"Tối em thu tiền phòng các bạn được 2 triệu đồng, định sáng mai sang đóng cho cô chủ nhà. Tối ngủ say quá, đến sáng dậy thì không thấy hai bạn cùng phòng đâu, nghĩ bụng chắc tụi nó đi học sớm nên cũng không nghi ngờ. Lúc sang nhà chủ nhà đóng tiền, móc ví ra thì mới "hỡi ôi" số tiền 2 triệu đã... không cánh mà bay", N. kể lại.

Đến trưa, hai người bạn cùng phòng thua "cháy túi" mới chịu về thú nhận: "Tết vô thua dữ quá, làm liều cú để gỡ gạc nhưng đen thui…". Thế là cả phòng phải chạy đi vay mượn bạn bè, rồi viện đủ lý do để xin tiền nhà nếu không muốn dọn ra đường đầu năm. Một "điểm đen" về tình trạng sinh viên đam mê "đỏ đen" phải kể đến làng đại học (phường Linh Trung, quận Thủ Đức).

Ngay từ ngã ba 621 (địa bàn giáp ranh giữa phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với phường Linh Trung, quận Thủ Đức) dọc theo các con đường vào làng đại học có hơn 30 quán cà phê lớn, kiêm sòng bạc "mi ni" phục vụ sinh viên. Đặc biệt, các quán T.T., S.R., B.B., S.V.… là nơi sinh viên thường tụ tập đánh bài, sát phạt lẫn nhau diễn ra như cơm bữa. Đủ các trò "đỏ đen" từ: Tá lả, bi-a, xập xám… Thậm chí đến cờ tướng (một trò chơi tao nhã, trí tuệ…) cũng được các sinh viên mang ra sát phạt ăn tiền lẫn nhau.

Cứ vào giờ tan học, trước cổng Trường ĐH KHTN hay ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP HCM lại có một nhóm sinh viên bày biện nhiều bàn "cờ thế" xếp sẵn để "thách đấu" ăn tiền. Theo luật chơi thì: "Đỏ đi trước. Thắng ăn 3. Hòa ăn 1"… tùy theo thế cờ, nếu sinh viên chiếu hết thì ăn gấp ba lần so với tiền cá cược. Hòa thì ăn ngang với số tiền đã cá cược. Số tiền đặt cược ít nhất mỗi ván 30.000 đồng, tùy theo mức độ "thách đấu" giữa người bày cờ và người chơi. Lúc các "con bạc" hăng máu, số tiền cá cược lên đến vài trăm, thậm chí cả triệu đồng, chỉ đến lúc "cháy túi" thì mới chịu đứng dậy.

Từ "báo bóng" đến làm chủ kèo

Cao thủ trong việc "bắt bóng" phải kể đến Đ.Q.B. sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH KHXH&NV. B. không lạ gì với các tay làm "chủ bóng" tại các quán cà phê "ngoại hạng" trong làng đại học vì khả năng chịu chơi của mình. Bất kể giải gì, từ các giải ngoại hạng, các giải câu lạc bộ từ Âu sang Á, thậm chí bên tận trời Phi, B. cũng ném vào mỗi trận ít nhất 5 "xị" (5 trăm ngàn), thậm chí vài "chai" (vài triệu đồng) nếu thấy "kèo thơm". Ban đầu, B. cũng chỉ chơi vài "xị" cho vui, lâu dần rồi số tiền tăng lên vài “chai” mỗi trận. Càng đánh lớn B. lại càng muốn gỡ, mà càng gỡ thì lại càng thua đau. "Coi đá bóng mà không có tí máu me thì chán chết", B. phán. Thua cay, B. liều lĩnh vay nóng tiền của các tay anh chị trong làng đại học để ném vào các trận bóng. Kết quả là hàng chục triệu đồng "ra đi không kịp đội nón" khiến B. phải bỏ trốn để lánh nạn. Còn chuyện đến giảng đường để học hành thì chỉ là dĩ vãng.

Bị giang hồ truy lùng, B. phải cầu cứu đến gia đình, báo hại cả nhà chạy đôn chạy đáo để vay mượn tiền trả cho B., hi vọng B. chuyên tâm vào chuyện học hành. Nhưng "chứng nào tật nấy", B. vẫn không bỏ được máu "cờ bạc" đã ngấm sâu trong người. B. lại tiếp tục đi vay nóng, để mua trang (trang mạng cá độ bóng đá trực tuyến) về tự bắt bóng và "làm lai" (hưởng hoa hồng mỗi trận từ số tiền các con bạc bắt bóng) cho đám bạn đam mê cá độ bóng đá như mình. Ngay đêm đầu tiên, B. đứt 25 "chai", thua sạch tiền trong tài khoản nạp sẵn trên mạng. Theo đó, cứ một cú nhấp chuột "nhẹ nhàng" (PV) thì B. lại đứt vài "chai". "Cái bóng đá nó nghiệp lắm anh ạ, khi nào còi kết thúc trận đấu thì mới biết thắng thua thôi, nhiều trận thấy ăn chắc rồi nhưng đến phút 94 (4 phút bù giờ) còn thua nữa là", B. nói cay cú.

Nói về nạn cờ bạc, sinh viên đam mê "đỏ đen" ở xóm của mình, Minh Tâm, SV năm thứ 2 (ở trọ tại làng đại học) nhận xét: "Cứ nhìn cách mấy anh khóa trên say mê "lô đề" thì em lại thấy sợ. Có anh vừa nhận tiền nhà gửi lên 2 triệu thì ra liền cửa hàng tạp hóa mua sẵn thùng mì để chống "cháy" xong. Rồi ra "quất" tiếp 100 điểm lô. Còn bao nhiêu tiền rủ bạn bè đi nhậu rồi ngồi đợi xổ số, thế là hết tiền ăn cả tháng. Không thấy trúng đâu, chỉ thấy ăn mì cả tháng, rồi đi vay mượn lung tung. Cùng đường thì mang xe máy, laptop, điện thoại ra gửi nốt ở tiệm cầm đồ. Bữa nào cũng vậy, cứ ăn cơm tối xong, thì cả dãy trọ lại nhao nhao hỏi nhau kết quả xổ số. Đề về mấy? Lô "nổ" con nào? Mày đập bao nhiêu điểm? Anh nào trúng thì hò hét, mặt mày tươi tỉnh. Anh nào trật thì chửi thề, cay cú… đợi ngày phục thù".

Nạn cờ bạc đã ăn sâu trong máu một bộ phận sinh viên, nhiều sinh viên tiền nhà gửi lên đóng học phí cũng “nướng” hết cả vào các trò "đỏ đen" đến nỗi nợ nần chồng chất, chán nản, không dám đến trường vì sợ bạn bè, chủ nợ săn lùng.

Một thực trạng nhức nhối, "hậu" cờ bạc là việc sinh viên viện đủ lý do để xin tiền cha mẹ như đóng tiền học thêm, mua dụng cụ học tập… nhưng thực chất, đem tiền "nướng" vào sới bạc. Cha mẹ dốc hết tiền bạc và vật chất để mong muốn con mình ăn học nên người nhưng đổi lại, những "cử nhân" tương lai lại trở thành các con bạc, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, con đường học hành cứ thế trượt dốc đến mức phải nghỉ học hoặc bị nhà trường đình chỉ vì không đủ điểm học tập tích lũy

                                                                            Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xử phạt 7 triệu đồng thanh niên lạng lách, đánh võng nguy hiểm trước đầu xe ô tô 

Công an huyện Cao Phong cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với Đinh Văn T (SN 1991), trú tại xóm Trang Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) về hành vi điều khiển xe mô tô "Lạng lách, đánh võng trong đô thị”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục